Diễn ra trong 3 ngày, từ 22 - 24/8, Hội thảo và tọa đàm do ĐH Greenwich (Vương quốc Anh), Trường ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn (Hà Nội, Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Công nghệ châu Á (Thái Lan) đồng tổ chức; với sự tài trợ từ Chương trình Kết nối Nhà khoa học thuộc Quỹ Newton, Vương quốc Anh.
Lão hóa dân số hay già hóa dân số là một trong những vấn đề và chủ đề bàn luận quan trọng ở phạm vi toàn cầu chính bởi vì sự tác động và ảnh hướng lớn của nó tới chất lượng sống và sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế của bất kỳ quốc gia hay khu vực nào.
Lão hóa dân số là sự gia tăng độ tuổi trung bình của dân số một vùng do tuổi thọ trung bình tăng và/hoặc tỷ suất sinh giảm. Ở hầu hết các nước, tuổi thọ trung bình của người dân đang tăng lên dẫn tới tình trạng dân số bị lão hóa. Xu hướng này ban đầu tăng cao ở các nước có nền kinh tế phát triển, nhưng nay cũng thấy ở các nước kinh tế kém phát triển hơn.
Liên Hiệp Quốc dự đoán tỷ lệ lão hóa dân số trong thế kỷ 21 sẽ vượt mức thế kỷ trước và số người trung niên và cao tuổi dự đoán sẽ chạm mốc 2,1 tỉ người trước năm 2050. Sự lão hóa dân số của khu vực ASEAN cũng sẽ tăng nhanh, và nhóm người ở độ tuổi làm việc (working - age adults) sẽ giảm từ 10 tới 15% tới năm 2040. Hiện nay, khoảng 10% dân số Việt Nam trên 65 tuổi, và sẽ tăng lên 20% trong vòng 18 năm tới.
Trong ba ngày diễn ra Hội thảo, các bài trình bày và tọa đàm sẽ đưa ra những vấn đề trọng yếu, nhận dạng các thách thức liên quan tới lão hóa dân số mà các nước đang phát triển phải đối mặt. Cụ thể hơn, Hội thảo sẽ tập trung vào các giải pháp hiệu quả về chi phí (cost-effective solutions) và công nghệ hỗ trợ (assistive technologies), phục vụ cho nhóm dân cư có tuổi thọ cao và có thu nhập thấp tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á…