Tìm hiểu chương trình mới môn Vật lý

GD&TĐ - Trong trường phổ thông, giáo dục vật lý được thực hiện ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau. PGS.TS Nguyễn Văn Khánh - Chủ biên chương trình (CT) môn Vật lý - chia sẻ về những điểm đáng chú ý của môn học này trong CT giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Trong giờ học thực hành Vật lý tại Trường THPT Chuyên ĐH Vinh
Trong giờ học thực hành Vật lý tại Trường THPT Chuyên ĐH Vinh

Hướng mở trong thiết kế chương trình

- CT mới được thiết kế theo hướng mở. PGS có thể làm rõ điều này trong CT môn Vật lý?

- CT môn Vật lý được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu học sinh cần đạt; chỉ đưa ra các định nghĩa cụ thể cho các khái niệm trong trường hợp có những cách hiểu khác nhau. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt, các tác giả sách giáo khoa chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học cụ thể theo yêu cầu phát triển CT.

Trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của CT, giáo viên có thể lựa chọn, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách giáo khoa, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học. Trong một lớp, thứ tự dạy học các chủ đề (bao gồm các chủ đề bắt buộc và các chuyên đề tự chọn) là không cố định “cứng”, các tác giả sách giáo khoa, giáo viên có thể sáng tạo một cách hợp lý, sao cho không làm mất logic hình thành kiến thức, kỹ năng và không hạn chế cơ hội hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Ở giai đoạn GD cơ bản (cấp tiểu học và THCS), nội dung GD vật lý được đề cập trong các môn học: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2, lớp 3); Khoa học (lớp 4, lớp 5); Khoa học tự nhiên (từ lớp 6 đến lớp 9). Ở cấp THPT, Vật lý là môn học thuộc nhóm môn Khoa học Tự nhiên, được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS. 

Thứ tự dạy học các chủ đề được thực hiện sao cho chủ đề mô tả hiện tượng vật lý được thực hiện trước để cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện tượng, sau đó đến chủ đề giải thích và nghiên cứu hiện tượng để cung cấp cơ sở vật lý sâu hơn, rồi đến chủ đề ứng dụng của hiện tượng đó trong khoa học hoặc thực tiễn. Đó là một thứ tự dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn giáo dục.

Ví dụ, thực hiện chủ đề Sóng trước để cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện tượng sóng, sau đó đến chủ đề Dao động để giải thích và cung cấp cơ sở vật lý sâu hơn về sóng, rồi đến chuyên đề Truyền thông tin bằng sóng vô tuyến đề cập đến một số ứng dụng sóng trong khoa học hoặc thực tiễn.

Đây là một thứ tự được áp dụng ở nhiều CT trên thế giới. Trong CT của Vương quốc Anh, AS level là trình độ thấp hơn chỉ học sóng mà không học dao động; A level là trình độ cao hơn học sóng trước, dao động sau. Điều này chứng tỏ dao động và sóng có thể dạy độc lập và chủ đề dao động “khó” hơn chủ đề sóng, nếu dạy cả hai chủ đề thì nên dạy sóng là cái dễ trước.

Nếu dạy chủ đề Dao động trước thì cần có chủ đề về ứng dụng của dao động.

Điểm mới nổi bật

- PGS có thể cho biết nội dung GD trong CT môn Vật lý được xác định dựa vào những căn cứ nào?

- Nội dung GD trong CT môn Vật lý được xác định dựa trên các quy định cơ bản được nêu trong CT tổng thể, gồm định hướng chung cho tất cả các môn học và định hướng xây dựng CT môn Vật lý ở các cấp học. Mặt khác, CT cũng kế thừa hầu hết nội dung từ CT hiện hành nhưng được cấu trúc lại để giúp hình thành và phát triển năng lực; trong việc rèn luyện kỹ năng, chú trọng phát triển kỹ năng thực hành, thí nghiệm và ứng dụng kiến thức, kỹ năng trong thực tiễn; định hướng dạy học tích cực một cách cụ thể. Hơn nữa, trong các chủ đề luôn khơi gợi, tạo hứng thú về các ngành nghề liên quan đến kiến thức, kỹ năng đã học. Đặc biệt là, CT đã tiếp thu kinh nghiệm xây dựng CT môn học của các nước có nền GD tiên tiến trên thế giới.

  • PGS Nguyễn Văn Khánh

Có thể kể một vài minh chứng như sau: Sử dụng các mức độ năng lực đặc thù và các kỹ năng tiến trình trong GDPT được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Vận dụng logic thiết kế các chủ đề, các mạch nội dung của CT GD các nước tiên tiến trên thế giới. Tiếp cận các xu hướng tiến bộ của thế giới về các phương pháp dạy học và các yêu cầu về kiểm tra, đánh giá năng lực HS.

- Nội dung GD trong CT môn Vật lý có gì mới, thưa PGS?

- Có thể nói đến một số nét mới của CT môn Vật lý như sau:

CT môn Vật lý đã vận dụng logic CT môn học của các nước có nền GD tiên tiến trên thế giới; đồng thời tiếp cận được những thành tựu của khoa học GD và khoa học vật lý phù hợp với trình độ nhận thức và tâm, sinh lý lứa tuổi của HS, có tính đến điều kiện KT-XH Việt Nam.

CT môn Vật lý được thiết kế chú trọng bản chất, ý nghĩa vật lý của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về toán học; tạo điều kiện để GV giúp HS phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở HS, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn. Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.

Mỗi năm học, mỗi HS được lựa chọn 3 chuyên đề học tập nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp HS tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Giải đáp một số băn khoăn

- Vì sao lại dạy “Áp suất khí theo mô hình động học phân tử”, “Động năng phân tử” ở lớp 12, thưa PGS? Các nội dung này có quá “hàn lâm” hay nặng về toán học không?

- Trong văn bản CT môn Vật lý đã nêu rõ quan điểm xây dựng CT là đi từ vĩ mô đến vi mô, vì nếu không tiếp cận đến thế giới vi mô thì không còn là vật lý. Do đó, phải có nội dung với cách tiếp cận vi mô đơn giản để giải thích được một số vấn đề vĩ mô. Mặt khác, để đạt mục tiêu giúp HS hình thành, phát triển năng lực vật lý, CT môn Vật lý phải hình thành được ở HS những kiến thức, kỹ năng phổ thông cốt lõi về: Mô hình hệ vật lý; năng lượng và sóng; lực và trường. Do đó, mô hình động học phân tử chất khí là một mô hình đơn giản nhất được chọn để giúp phát triển năng lực về mô hình vật lý.

Nội dung này hoàn toàn không hàn lâm hay nặng về toán học, trái lại rất đơn giản, chỉ cần sử dụng kiến thức, kỹ năng đã học ở lớp 10 như vận tốc, động lượng, lực, va chạm là có thể thực hiện được.

Hơn nữa, khi đi thực nghiệm, nội dung này đã được trao đổi và dạy thử, kết quả cho thấy việc quan ngại về vấn đề này là không có cơ sở thực tiễn.

- CT môn Vật lý sắp xếp nội dung về dao động cơ và dao động điện trong chủ đề dao động điều hòa, nhưng yêu cầu cần đạt ở nội dung này mới chỉ đề cập đến khái niệm, phương trình về dao động cơ (li độ, vận tốc, gia tốc…). Vì sao chưa đề cập đến các phương trình về dao động điện?

- Khái niệm dao động điện đã được đề cập trong CT, thể hiện ở yêu cầu cần đạt “Mô tả được mô hình sóng điện từ và ứng dụng để giải thích sự tạo thành và lan truyền của các sóng điện từ trong thang sóng điện từ”.

Tuy nhiên, CT không dạy các phương trình về dao động điện vì, về mặt toán học, dao động điện không khác so với các dao động khác, trong khi đó, để thành lập được phương trình dao động điện lại khó khăn hơn. Ngoài ra, HS chỉ học phần sóng điện từ qua cách tiếp cận hiện tượng luận nên việc đưa dao động điện vào không có ích mà có thể làm cho CT thiên về toán học và nặng thêm.

- Vì sao CT không dạy nội dung về lực Lorentz?

- Trong phạm vi 70 tiết lại phải chú trọng phát triển năng lực nên sẽ không thể dàn trải các nội dung. Mặt khác, khi có kiến thức cốt lõi về lực từ thì hoàn toàn suy ra được lực từ tác dụng lên hạt điện tích chuyển động (lực Lorentz). HS có thể tiếp cận nội dung về lực Lorentz như một bài tập vận dụng ở mức cao sau khi học về mô hình dòng điện và lực từ tác dụng lên dòng điện.

- Xin cảm ơn PGS!

Bài 2: Từ mục tiêu đến phương pháp giáo dục

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ