Điệp khúc “thiếu biên chế vẫn phải tăng lớp”
Ông Phan Thanh Xuân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Trạch cho biết, toàn huyện hiện có 59 trường, trong đó cấp Mầm non (MN) có 18 trường với 46 điểm; có 7.103 trẻ/256 nhóm, lớp. Cấp Tiểu học (TH) có 22 trường với 398 lớp/11784 học sinh. Cấp THCS có 7.100 học sinh/196 lớp. Hiện nay, một số trường MN, TH trên địa bàn có khoảng cách địa lý xa, việc sáp nhập khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng chăm sóc, giáo dục.
Ông Phan Thanh Xuân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Trạch nêu lên nhiều khó khăn đối với ngành Giáo dục. |
Bên cạnh đó, một số trường còn thiếu phòng học, phòng bộ môn, đặc biệt là phòng Khoa học Công nghệ, phòng tiếng Anh; toàn huyện không có nhà thi đấu đa năng, không có bể bơi. Nhiều phòng học, phòng bộ môn xây dựng lâu năm, nay đã xuống cấp chưa được thay thế, trang thiết bị dạy học một số trường xuống cấp, hệ thống máy tính phục vụ việc dạy - học Tin học trong các nhà trường còn thiếu; thiếu sân thể dục, thể thao…
Về đội ngũ giáo viên (GV), do quy mô lớp học tăng nên nhu cầu GV tăng, trong khi đó Sở Nội vụ cắt giảm biên chế theo lộ trình hàng năm.
Theo đó, năm học 2021-2022, toàn ngành tăng lớp tăng 25 nhóm/lớp nên nhu cầu tăng 40 biên chế so với năm học 2020-2021, tuy nhiên Sở Nội vụ chỉ giao biên chế năm học 2021-2022 giảm 37 biên chế so với năm học trước.
Năm học 2022-2023, toàn ngành tăng 12 lớp, do đó nhu cầu GV tăng 22 người. Như vậy, nhu cầu biên chế theo định mức của UBND tỉnh: 1.799 biên chế, được giao: 1.744, trong đó: Biên chế hưởng lương từ NSNN 1.715; HĐ 68: 7 (thiếu 55 biên chế so với định mức).
Ông Xuân cho rằng, việc giao biên chế chưa đảm bảo GV đứng lớp theo quy định nên nhiều đơn vị phải nhập lớp, dẫn đến số lượng học sinh/lớp quá đông. Phân công GV dạy chéo môn dẫn đến chất lượng không đảm bảo…
“Hầu hết các trường TH không có GV trong biên chế môn Tin học - Công nghệ nên không có GV dạy Tin học - Công nghệ để giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Xuân cho hay.
Để khắc phục tình trạng thiếu GV, đối với bậc MN, trước mắt Phòng GD&ĐT sẽ nhập lớp, bố trí Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng tham gia đứng lớp; bậc Tiểu học, Phòng sẽ rà soát để điều chuyển, biệt phái và bố trí GV chuyên biệt, GV Tổng phụ trách Đội có văn bằng 2 Tiểu học tham gia giảng dạy nhằm đảm bảo tỉ lệ 1 GV 9 môn/lớp.
Đồng thời bố trí GV có kiến thức về Tin học hoặc CBQL tham gia dạy môn Tin học - Công nghệ lớp 3; Phối hợp với Trường ĐH Huế mở lớp đào tạo, bồi dưỡng môn Tin học - Công nghệ.
Riêng bậc THCS, Phòng sẽ bố trí GV dạy liên cấp, liên trường; bố trí GV kiêm nhân viên, trong đó 1 GV kiêm công tác văn thư, 7 GV kiêm công tác thiết bị; phối hợp với Trường ĐH Quảng Bình mở lớp đào tạo, bồi dưỡng môn KHTN; Lịch sử, Địa lý cho GV trong thời gian tới.
Ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Trạch nêu những khó khăn của Trung tâm trong những năm qua. |
“Hiện nay, ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục 2018, trong chương trình có nhiều bộ môn mới, cán bộ quản lý, giáo viên phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mới. Vậy kính đề nghị UBND tỉnh có phương án đảm bảo đủ biên chế cho ngành Giáo dục theo định mức quy định hoặc có cơ chế, chính sách để hợp đồng đủ giáo viên phục vụ cho công tác giảng dạy”, ông Xuân bày tỏ.
Ngoài ra, ông Xuân cũng kiến nghị Sở GD&ĐT có kế hoạch để các huyện trực tiếp tham dự, học hỏi các mô hình, chuyên đề GDMN mà Sở GD&ĐT chỉ đạo tổ chức điểm trong năm học; sớm có lịch cụ thể về việc tổ chức Hội thảo “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” cấp tỉnh; triển khai tập huấn cho GV giảng dạy Chương trình phổ thông mới đối với các bộ môn KHTN, Lịch sử và Địa lý THCS; Tin học, Công nghệ cấp TH đảm bảo kế hoạch; Cung cấp tài liệu Giáo dục địa phương lớp 4, 5, 7, 8, 9 kịp thời để thực hiện chương trình dạy học ngay từ đầu năm học…
Trước những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của Phòng GD&ĐT, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Trạch và các đơn vị trường học trực thuộc Sở đóng trên địa bàn huyện Quảng Trạch, lãnh đạo các Phòng, ban chuyên môn của Sở GD&ĐT cho biết, sắp tới Sở sẽ ban hành một số văn bản hướng dẫn để các đơn vị nắm rõ và triển khai thực hiện theo đúng quy định, đồng thời tích cực tham mưu với tỉnh, Giám đốc Sở, các cơ quan ban ngành liên quan từng bước khắc phục, tháo gỡ khó khăn để cùng với ngành Giáo dục huyện Quảng Trạch ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Cùng nhau tháo gỡ khó khăn để phát triển giáo dục
Tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình ghi nhận những kết quả đáng trân trọng mà ngành Giáo dục huyện Quảng Trạch đã đạt được trong thời gian qua. Đó là quy mô trường lớp các cấp học đã được rà soát, sắp xếp một cách hợp lý, đã cố gắng để nhập các trường có quy mô nhỏ, giảm điểm trường lẻ, tạo thuận lợi trong đầu tư cơ sở vật chất cũng như đảm bảo công bằng trong giáo dục…
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình ghi nhận những kết quả đáng trân trọng mà ngành Giáo dục huyện Quảng Trạch đã đạt được trong thời gian qua. |
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được huyện quan tâm. Chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố và nâng cao. Hồ sơ phổ cập các xã được xác lập đầy đủ, đảm bảo. Việc triển khai Chương trình giáo dục 2018 cơ bản đảm bảo. Bố trí giáo viên đảm bảo năng lực dạy học các khối lớp thực hiện chương trình mới, triển khai lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay số trường chuẩn quốc gia hết hạn công nhận nhiều chưa đủ điều kiện để công nhận lại. Vì vậy tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia giảm...
Một số xã mặc dù đã đạt chuẩn PCGD mức độ 3, nhưng tỷ lệ thanh thiếu niên 15-18 tuổi đang học Chương trình GDPT, GDTX cấp THPT, GDNN còn rất thấp; có nguy cơ mất chuẩn PCGD THCS mức độ 3 nếu không có giải pháp mang tính quyết liệt và dài hạn. Việc phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập còn hạn chế.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình đề nghị UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo các đơn vị phối hợp ngành Giáo dục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng. |
Trước những hạn chế trên, ông Tuấn đề nghị UBND huyện Quảng Trạch cần có chính sách phát triển GDMN ngoài công lập nhằm giảm tải cho các trường công lập; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị cho GDMN công lập, đẩy mạnh việc hoàn thành các tiêu chuẩn của các đơn vị xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình. Sớm có giải pháp về việc tách các trường có số lượng vượt quá quy định.
Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan, UBND các xã chủ động phối hợp với ngành Giáo dục để huy động học sinh đến trường, giảm tình trạng học sinh bỏ học. Đồng thời chỉ đạo Phòng GD&ĐT thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của các trường THCS. Đặc biệt, chú trọng công tác đánh giá thực chất về chất lượng học tập của học sinh và chất lượng giảng dạy của giáo viên; các trường THCS tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh, học sinh về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.
“UBND huyện Quảng Trạch cần quan tâm, bố trí cơ sở vật chất, đội ngũ GV; chỉ đạo việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7 một cách có chất lượng. Bên cạnh các hoạt động dạy học, cần tổ chức các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực giảng dạy cho giáo viên, đáp ứng cao hơn với yêu cầu đổi mới hiện nay”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Kết thúc buổi làm việc, ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT đối với ngành Giáo dục huyện Quảng Trạch trong thời gian qua. "Thời gian tới, UBND huyện sẽ tích cực chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các đơn vị phòng ban liên quan, UBND các xã cùng phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao, quyết tâm đưa ngành Giáo dục huyện nhà ngày càng phát triển. Qua đây, huyện cũng mong Sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để ngành Giáo dục huyện Quảng Trạch ngày càng gặt hái được nhiều thành công hơn nữa", ông Thanh bày tỏ.