Đây là lý do những người ủng hộ môi trường trong sạch quan tâm, thúc đẩy các nhà khoa học tìm kiếm giải pháp ít lãng phí và bền vững hơn trong lĩnh vực y tế.
Lợi hại song hành
Practice Greenhealth, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm giúp các bệnh viện thân thiện với môi trường hơn, ước tính có đến 25% chất thải do các cơ sở y tế thải ra là nhựa. Một cuộc khảo sát chỉ ra, tính riêng ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể phát sinh đến 9 kg chất thải, hầu hết là nhựa.
“Nhựa dùng trong các ứng dụng y sinh học có nhiều đặc tính hấp dẫn, bao gồm giá thấp, dễ xử lý và dễ khử trùng”, Bridgette Budhlall, kỹ sư thuộc ĐH Massachusetts Lowell (Mỹ) nói. Bà lưu ý rằng, nhựa thậm chí có thể được sửa đổi các lớp phủ giúp chúng đặc biệt kháng vi khuẩn.
Một tập tin được xuất bản bởi Hội đồng Hóa học Mỹ cũng như các tổ chức kinh doanh nhựa, nói rằng: “Nhựa dùng một lần là biện pháp sử dụng sạch nhất, hiệu quả nhất”, về mặt sức khỏe và vệ sinh trong các bệnh viện.
Tuy nhiên, cho dù nhựa đã cách mạng hóa ngành công nghiệp y tế suốt một thế kỷ qua, nhưng nó để lại những hệ quả khó tin cho môi trường. Chúng có thể dễ dàng kết thúc ở môi trường biển, nơi nó bị vỡ ra thành những hạt li ti gọi là microplastic, gây hại cho sức khỏe ở mức độ khác nhau.
Hơn nữa, chúng ta đã từng chứng kiến các sinh vật biển phải bỏ mạng vì tưởng rác thải nhựa là đồ ăn. Bên cạnh đó, nhiên liệu hóa thạch cần thiết làm ra những loại nhựa này có thể gây ô nhiễm không khí và nước.
Đi tìm giải pháp
Những người làm việc vì môi trường trong sạch của bệnh viện cho rằng nhựa đã bị lạm dụng. Họ đã đề nghị một số giải pháp, trong đó có tái chế nhựa.
Trong một cuộc khảo sát trên 332 bệnh viện mà kết quả cụ thể chưa được công bố, Pratice Greenhealth ghi nhận nhiều đồ nhựa sử dụng một lần phổ biến trong các phòng phẫu thuật được thay thế thành công bởi những vật phẩm có thể tái sử dụng. Các công cụ như chậu phẫu thuật và áo choàng tiệt trùng tái sử dụng sẽ làm giảm hàng tấn chất thải mỗi năm.
Tuy nhiên, vào năm 2018, Trung Quốc tuyên bố ngừng mua 2/3 chất thải của thế giới. Điều này khiến các cơ sở không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc vứt chất thải nhựa tái chế vào bãi chất thải hoặc lò đốt rác. Nhựa polyvinyl clorua (PVC) kết thúc ở các lò thiêu có thể phóng thích các chất hóa học độc hại.
Kim Holmes, Phó Chủ tịch về môi trường của Hiệp hội Công nghệ nhựa (Mỹ) nói: “Có những vật dụng được dùng trong lĩnh vực chăm sóc bệnh nhân mà không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, không phải là hiểm họa sinh học nên không được tái chế như bao bì, hộp đựng thuốc, y cụ”.
Đại diện Hiệp hội Công nghệ nhựa Kim Holmes cũng cho rằng: Sản xuất đủ nguyên liệu để làm công việc này là một thách thức. Gần đây, Hội đồng Tái chế nhựa y tế đã cung cấp một chương trình cho các bệnh viện, giúp họ tìm kiếm một mạng lưới tái chế để tham gia.
Một trong những vật dụng bằng nhựa phổ biến nhất được ném ra khỏi phòng phẫu thuật là “màng bọc màu xanh”, một tấm polypropylen phủ các dụng cụ tiệt trùng được mở ra và vứt đi trước khi phẫu thuật, để lại không ít rác mỗi ngày.
Để giải quyết vấn đề này, một số bệnh viện đang thử nghiệm thay thế tấm màng bọc màu xanh bằng các hộp khử trùng có thể tái sử dụng, được làm sạch giống như các dụng cụ chứa trong đó.
Mong muốn bảo đảm các dụng cụ không có mầm bệnh, hai anh em nha sĩ David và James Stoddard tạo ra một túi vải để chứa các dụng cụ nha khoa tiệt trùng.
Công ty của họ, EnviroPouch, thành lập vào năm 1993 và được Barbara Knight mua lại vào năm 2001. Các trung tâm kiểm soát bệnh tật đã đề ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với việc khử trùng y tế và các túi có chứa dụng cụ y tế phải được đăng ký với Cục Quản lý dược liên bang.
Knight nói rằng, sản phẩm của bà có hiệu quả hơn túi nhựa vì nó tạo thành một lớp cản dày hơn xung quanh các dụng cụ sắc bén. Mỗi túi này loại bỏ được khoảng 200 túi nhựa sử dụng một lần. Knight cho biết, các nha sĩ tạo ra chiếc túi lấy cảm hứng từ câu chuyện của Kimberly Ann Bergalis, một phụ nữ đã chết năm 1991, một trong sáu bệnh nhân người Mỹ bị nhiễm HIV tại phòng nha.
Cùng quan tâm đến việc lây lan HIV, Gary Cohen, Chủ tịch của cả hai tổ chức phi lợi nhuận Practice Greenhealth và Health Care Without Harm (Chăm sóc sức khỏe vô hại) cho rằng: Cần thúc đẩy mạnh mẽ một cuộc thay đổi trong toàn ngành y tế đối với bao bì sử dụng một lần.
Bên cạnh sự phong phú của nó, Cohen cho biết, một số loại nhựa như PVC có thể chứa các hóa chất độc hại. Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy, những bệnh nhân trẻ tuổi tiếp xúc với một chất phụ gia PVC phổ biến tên là DEHP có thể bị suy giảm thần kinh trong cuộc sống sau này.
Health Care Without Harm ước tính ngành công nghiệp y tế đóng góp hơn 4% lượng khí thải của thế giới, phần lớn là từ hệ thống sưởi và làm mát suốt ngày đêm, tương đương với mức phát thải được tạo ra bởi 5 nhà máy nhiệt điện trong một năm.