Tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc nội trú, bán trú

GD&TĐ - Sáng 11/10, Vụ Giáo dục Dân tộc phối hợp Sở GD&ĐT Lạng Sơn tổ chức Hội thảo về nâng cao chất lượng giáo dục trường PTDT nội trú, bán trú.

Hội thảo về nâng cao chất lượng giáo dục trường DT nội trú, bán trú
Hội thảo về nâng cao chất lượng giáo dục trường DT nội trú, bán trú

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) và bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn đồng chủ trì Hội thảo. Chương trình được tổ chức tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn, với sự tham gia của đoàn cán bộ, chuyên gia Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Lạng Sơn, đại diện các phòng GD&ĐT, trường PTDT nội trú, bán trú trên địa bàn.

Hội thảo hướng đến hai nội dung trọng tâm: Vấn đề quy hoạch mạng lưới, mở rộng quy mô các nhà trường PTDTNT, BT; Công tác tổ chức quản lí, vận hành, nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các trường PTDTNT, BT.

2-4179.jpg
Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội thảo

Lạng Sơn có hiện có 11 trường PTDTNT, trong đó có 1 trường THPT Dân tộc Nội trú, 10 trường PTDTNT THCS&THPT các huyện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh dân tộc trên địa bàn. Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 4146 học sinh học tại các trường PTDTNT, tỷ lệ học sinh dân tộc nội trú/học sinh dân tộc đạt 6,4%.

Mặc dù có các chính sách ưu tiên đầu tư, nhưng việc triển khai không đồng đều giữa các địa phương khiến nhiều trường gặp khó khăn trong việc nâng cấp cơ sở vật chất. Nhiều trường thiếu phòng học, phòng ở cho học sinh, thiếu các phòng chức năng như phòng thí nghiệm, nhà đa năng. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và sinh hoạt của học sinh.

3-4441.jpg
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT trao đổi, hướng dẫn tại Hội thảo

Tại hội thảo, đại diện các phòng GD&ĐT, các trường PTDTNT, BT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo tình hình thực trạng, đặc thù đơn vị, kết quả công tác, vướng mắc khó khăn đang gặp phải cũng như đề xuất các kiến nghị để giải quyết vấn đề.

Những đề xuất của các đơn vị đã nêu ra một số vấn đề chủ yếu như: Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, lượng học sinh tại một trường thấp, dẫn đến khó khăn trong bố trí giáo viên; Đội ngũ giáo viên, nhất là các bộ môn tích hợp theo chương trình mới, chưa đủ đáp ứng yêu cầu; Cơ sở vật chất lớp học phòng ở đã xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ; Mức chi trả phụ cấp cho nhân viên còn thấp…

4-8525.jpg
Các em học sinh trường PTDT Nội trú tỉnh Lạng Sơn

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn trao đổi: Về vấn đề mở rộng quy mô trường lớp, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, ngành sẽ có những tham mưu đề xuất để triển khai đúng lộ trình, phù hợp thực tiễn; Về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, ngành lắng nghe ý kiến các đơn vị, tiếp thu hướng dẫn của Bộ, qua đó hoàn thiện, chuẩn hóa Báo cáo đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp.

6-6031.jpg
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn phát biểu tại chương trình

Kết luận Hội thảo, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) đánh giá ngành giáo dục Lạng Sơn đã làm tốt, trở thành một địa chỉ tin cậy, chất lượng về giáo dục nội trú, bán trú; Công tác quản lí, tổ chức giáo dục, chăm sóc học sinh được tiến hành hiệu quả; Việc triển khai các chính sách được thực hiện nghiêm túc, công khai, đảm bảo.

Bên cạnh đó, cũng còn một số khó khăn bất cập về cơ sở trường lớp, trang thiết bị dạy học, đội ngũ nhà giáo, quỹ diện tích đất, chế độ kinh phí… cần được tiếp tục quan tâm giải quyết.

Đoàn công tác sẽ tổng hợp nội dung báo cáo, ý kiến đề xuất của địa phương và các đơn vị, nghiên cứu tham mưu cho Bộ GD&ĐT những giải pháp phù hợp thực tiễn, đúng quy định.

1-4038.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

“Đề nghị các nhà trường, thầy cô giáo tiếp tục chia sẻ, giải thích các quy định, hướng dẫn về chính sách, chế độ cho phía gia đình học sinh; Căn cứ từ tình hình, nhu cầu thực tiễn, đặt trong so sánh tổng thể với các đối tượng yếm thế khác, để đặt ra những góp ý, đề xuất phù hợp” - ông Lê Như Xuyên nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 10/10, Đoàn công tác đã có chương trình khảo sát thực tế tại các trường dân tộc bán trú của huyện Văn Lãng, Lạng Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ