Đoàn công tác do ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc dẫn đầu, cùng sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại.
Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại các trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Bắc La (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), nhằm đánh giá thực trạng, xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đối với hệ thống trường PTDT bán trú.
Tại chương trình, đại diện các trường dân tộc bán trú trên địa bàn đã báo cáo tình hình điều kiện thực tế, kết quả công tác dạy học. Đồng thời nêu những đề xuất kiến nghị nhằm khắc phục khó khăn và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Bắc La gồm trường chính và một điểm trường lẻ, với tổng số 6 lớp và 91 học sinh. Trong đó, 17 học sinh thuộc diện gia đình hộ nghèo, học sinh nhà xa nhất cách trường 8km.
Đội ngũ giáo viên nhà trường còn gặp khó khăn khi 50% chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, bởi độ tuổi đã cao, khó khăn trong việc học tập bồi dưỡng cập chuẩn.
Về cơ sở vật chất, nhà trường còn thiếu phòng học bộ môn (Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngoại ngữ, Tin học). Nhà bán trú không nằm trong khuôn viên trường học, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lí, chăm sóc, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tuy vậy, với sự nỗ lực của thầy và trò, nhà trường vẫn duy trì chất lượng giáo dục tốt. Năm học 2023 - 2024, học sinh hoàn thành xuất sắc đạt 18,9%, hoàn thành tốt đạt 31.1%, hoàn thành đạt 50%, không có học sinh chưa hoàn thành.
Trường PTDT bán trú THCS xã Bắc La gồm 4 lớp với 81 học sinh. Hiện, nhà bán trú cho học sinh được tận dụng từ phòng công vụ, công trình nước sạch chưa có, khu bếp ăn nhỏ hẹp chưa đảm bảo. Bộ trang thiết bị dạy học theo chương trình GDPT 2018 mới có của khối lớp 6, chưa có khối các lớp 7/8/9.
Dù còn nhiều hạn chế trong điều kiện, kết quả chất lượng giáo dục của nhà trường vẫn được duy trì tốt. Năm học 2023 - 2024, khối 7, 8, 9 đạt 81% học sinh đạt rèn luyện tốt, khối 9 đạt 9% loại giỏi, 36,3% loại khá.
Đại diện lãnh đạo hai nhà trường kiến nghị các cấp, ngành, địa phương có những chính sách, biện pháp giúp đơn vị tháo gỡ khó khăn, tập trung vào các vấn đề như: Đầu tư xây dựng nâng cấp phòng học, nhà bán trú; Tăng cường hỗ trợ kinh phí cho học sinh và trợ cấp cho giáo viên; Có thêm cơ chế để hỗ trợ chi phí điện nước, đồ dùng sinh hoạt…
Qua nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe những báo cáo và đề xuất từ các nhà trường cũng như đại diện lãnh đạo địa phương, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những trao đổi, phân tích và hướng dẫn để đưa ra những hướng giải quyết, xây dựng chính sách hiệu quả hơn nữa.
Phát biểu tại chương trình làm việc, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà trường, với môi trường sư phạm tích cực, cách thức quản lí và tổ chức các hoạt động giáo dục hiệu quả. “Nhà trường và các thầy cô giáo đang chia sẻ, gánh vác trách nhiệm xã hội, tận tâm vì con em đồng bào quê hương” - ông Lê Như Xuyên nhấn mạnh.
Giải đáp về những đề xuất của các nhà trường, Đại diện Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh ngành giáo dục và các địa phương cần tiếp tục phối hợp, tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản về diện tích khuôn viên, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, đội ngũ nhà giáo, chính sách cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động…
Đoàn đề nghị các nhà trường, các thầy cô giáo cần tiếp tục phát huy tinh thần nỗ lực vì học sinh, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục, đồng thời cũng lưu ý tránh tình trạng có thể dẫn đến tâm lí thụ động, trông chờ, ỷ lại ở phía gia đình, học sinh.