Linh hoạt các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng khó Lạng Sơn

GD&TĐ - Các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS là yếu tố quan trọng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng dạy và học vùng khó.

Lạng Sơn Linh hoạt, sáng tạo các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh.
Lạng Sơn Linh hoạt, sáng tạo các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

Đa dạng hình thức

Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”, những năm qua ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đa dạng, linh hoạt các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh ở hai cấp học này.

Toàn tỉnh hiện có 660 đơn vị, trường học gồm 230 trường mầm non, 168 trường tiểu học, 79 trường tiểu học và trung học cơ sở, 134 trường THCS, 26 trường trung học phổ thông 10 trường PTDTNT THCS&THPT, 92 trường PTDTBT.

Hiện nay, các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn cơ bản đều thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày. Trong chương trình học, các hoạt động tăng cường tiếng Việt được thực hiện thông qua các hình thức như: Tích hợp trong giờ học chính khóa thường rèn các kĩ năng như trả lời, trình bày, kể chuyện, sắm vai, trò chơi.

Ngoài ra còn tích hợp trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm thông qua các hoạt động như sinh hoạt dưới cờ; tiết đọc thư viện, ngày hội đọc sách… Việc tổ chức cho học sinh được tham gia giao lưu Ngày hội tiếng Việt được 100% trường triển khai thực hiện hằng năm mang lại hiệu quả thiết thực.

Cùng với đó, để tạo môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ, học sinh, các trường còn tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho học sinh rèn kỹ năng trình bày, nói, thuyết trình trước đông người; thành lập các câu lạc bộ tiếng Việt; tổ chức giao lưu câu lạc bộ tiếng Việt cấp cụm trường; tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh dân tộc thiểu số tại điểm trường lẻ; tổ chức ngày Hội kể chuyện theo sách, trưng bày vở sạch, chữ đẹp cho học sinh, giáo viên… qua đó, tạo phong trào đọc sách trong nhà trường, giúp học sinh thường xuyên được tiếp cận và giao tiếp bằng tiếng Việt.

Học sinh lớp 1 được luyện chữ viết tiếng Việt.jpg
Học sinh lớp 1 được luyện chữ viết tiếng Việt.

Thầy Lâm Văn Vản, Phó Hiệu trưởng trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Năm học 2024 – 2025, trường PTDT Bán trú TH Yên Lỗ có tổng 134 em, 100% học sinh đều là con em dân tộc Nùng. Trường gồm 1 điểm chính và 2 điểm lẻ là Bản Mè và điểm trường Khuổi Chặng. Trong đó điểm Khuổi Chặng cách xa điểm chính khoảng 8 km.

Để tăng cường Tiếng Việt cho học sinh, nhà trường đã có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, khuyến khích cha mẹ sử dụng song song cả 2 ngôn ngữ là tiếng dân tộc và tiếng Việt với con em mình. Đồng thời, nhà trường cũng chỉ đạo các giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể chương trình soạn giảng, dạy học theo hướng phân hóa đối tượng, phát huy tính tích cực của học sinh.

Gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ

Còn tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, năm học 2024 – 2025, trường có tổng số 222 học sinh với 10 lớp, trong đó tỷ lệ học sinh là người đồng bào DTTS chiếm 94,6%.

Thầy Luân Văn Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Nhà trường cũng linh hoạt, triển khai nhiều giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS như thông qua các hoạt động học tập, như hội thoại, học bằng hình ảnh trực quan, trò chơi; các hoạt động Đội, hoạt động múa hát tập thể, hoạt động trải nghiệm; kể chuyện theo sách, tô, vẽ, đếm; tổ chức cho học sinh thi đọc thơ, thi hát, kể chuyện bằng tiếng Việt...

Giáo viên trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn học sinh học môn tiếng Việt.jpg
Giáo viên trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn học sinh học môn tiếng Việt.

Trong giao tiếp hằng ngày, giáo viên luôn tạo thói quen cho học sinh thường xuyên sử dụng tiếng Việt. Nội dung giao tiếp gắn với các hoạt động chào hỏi, tự thuật, mô tả các sự vật, hiện tượng trong môi trường xung quanh...Nhờ đó, giúp các em tăng cường vốn tiếng Việt và khả năng sử dụng tiếng Việt, gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ, từ đó, các em tiếp thu tốt hơn các môn học chính khóa trong chương trình giáo dục phổ thông.

Cô Nông Thị Nhàn giáo viên trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia cho biết: Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh, trong lớp tôi cũng phân hóa đối tượng để sử dụng phương pháp dạy cho phù hợp. Chẳng hạn tại lớp học có một số học sinh ít tập trung thực hiện các hoạt động do giáo viên tổ chức.

Ngoài ra, tôi cũng phân tích thế mạnh của các em và trên cơ sở đó tăng cường giao việc luyện nói, kể chuyện, thuyết trình để các em tham gia các hoạt động này nhiều hơn là việc luyện viết. Nhờ đó, các em học sinh rất hào hứng, tích cực và có nhiều tiến bộ.

Như vậy, trong thời gian tới, để Đề án được thực hiện hiệu quả, ngành GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực đề án. Trong đó, thường xuyên kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng thời phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo tại các đơn vị, các cơ sở giáo dục. Chỉ đạo các trường tăng cường tổ chức các hội thi, hoạt động lồng ghép vui chơi gắn với học tiếng Việt để các em tự tin nói tiếng Việt, hứng thú tham gia các hoạt động chung của lớp, của trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.