Mỗi thế hệ mang những đặc trưng riêng với bối cảnh sống, phong cách làm việc và thói quen khác nhau đã tạo nên nhiều xung đột giữa cung và cầu.
Khi ứng viên “kén” công việc
So với các thế hệ trước, người trẻ ngày nay có ưu thế được tiếp cận với Internet và các thiết bị công nghệ từ sớm. Việc lớn lên trong thời kỳ hoà bình, khi nền kinh tế phát triển và môi trường số hóa ưu việt giúp người trẻ dễ dàng phát huy ưu thế về ngoại ngữ và rèn luyện nhiều kỹ năng. Bên cạnh đó, thời đại 4.0 cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ cũng tạo ra vô vàn cơ hội việc làm. Nói cách khác, so với các thế hệ đi trước, giới trẻ bây giờ có nhiều lợi thế, bước vào thị trường lao động với cánh cửa vô cùng rộng mở.
Vào những thập kỷ trước, các nhà quản lý, nhà tuyển dụng thường có góc nhìn rất khác về công việc và cuộc sống. Nhưng hiện tại, mọi thứ ngày càng thay đổi, lớp nhân sự trẻ đòi hỏi nhiều hơn là một công việc với mức lương đủ chi trả các khoản sinh hoạt phí và một cuộc sống an phận. Nhà tuyển dụng sẽ thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi liên quan đến sự bình đẳng, cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, yêu cầu về mức lương thưởng, quyền lợi… của ứng viên trẻ tuổi. Họ sẵn lòng thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân, thể hiện những “đòi hỏi”, những đãi ngộ tương xứng cho sự cống hiến đối với các nhà tuyển dụng, quản lý - điều ít gặp ở các nhân sự lớn tuổi.
Là một trong nhiều ứng viên không ngại từ chối yêu cầu của nhà tuyển dụng, Phạm Phương Quỳnh (25 tuổi, quê Hải Phòng) sẵn sàng nói “không” khi được người quản lý đề nghị tăng ca vào cuối tuần. Quỳnh cho biết, coi trọng việc cân bằng giữa làm kiếm tiền với nghỉ ngơi và chăm sóc sức khoẻ tinh thần.
“Theo đúng như bản mô tả công việc, thời gian làm việc của mình là từ thứ Hai tới thứ Sáu, mình sẽ giải quyết mọi công việc vào quãng thời gian này. Cuối tuần là lúc mình muốn dành cho gia đình và “xả hơi” sau một tuần làm việc căng thẳng. Vì vậy, sau giờ làm hoặc vào ngày nghỉ mình sẽ không xử lý thêm bất cứ công việc gì”, Quỳnh bày tỏ quan điểm tổ chức cuộc sống của cá nhân.
Dù đã bị nhà tuyển dụng từ chối vì “không cầu thị”, song Phạm Phương Quỳnh vẫn cảm thấy khá thoải mái. Bạn trẻ này cho rằng, việc ứng viên chia sẻ quan điểm làm việc với nhà tuyển dụng ngay từ đầu là cần thiết, giúp cả hai bên hiểu rõ đối tác và đưa ra quyết định phù hợp nhất. Theo Phạm Phương Quỳnh, các bạn trẻ không nên chỉ vì cần tìm được công việc mà “nhắm mắt” chấp nhận tất cả các yêu cầu không phù hợp với khả năng để rồi khi thực hiện không được theo thoả thuận, cam kết dẫn đến nghỉ việc ngang, mất thời gian của cả hai bên.
Sinh ra và lớn lên trong xã hội phát triển và được tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất, thế hệ trẻ ngày nay vô cùng năng động, khao khát tìm kiếm sự mới mẻ. Điều này tạo nên sự khác biệt của lực lượng lao động trẻ so với những thế hệ trước - những người đa phần mong muốn và vui vẻ đón nhận một công việc ổn định. Vậy nên hiện nay, các công việc với tính chất lặp đi lặp lại, trong một môi trường gò bó thường kém thu hút giới trẻ, khiến họ do dự bởi thiếu sự thông thoáng, năng động. Đặc biệt sau tác động của đại dịch Covid-19, nhiều người có thói quen làm việc từ xa với thời gian linh hoạt.
Ảnh minh họa ITN. |
“Chìa khoá” thu hút nhân sự thế hệ mới
Nhìn theo hướng tích cực, thế hệ trẻ là những người ưa khám phá và thử thách bản thân, vì vậy nếu khéo léo nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của họ khi ứng tuyển thì các nhà quản lý, phụ trách tuyển dụng có thể thu hút và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào năng lượng sáng tạo này.
Là trưởng bộ phận tuyển dụng Công ty Rikei, chị Đỗ Thị Duyên (36 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Nhà tuyển dụng cần tạo ra môi trường làm việc tích cực và có kết nối để thu hút nhân lực trẻ “đầu quân” cho doanh nghiệp.
Chị Duyên luôn tâm niệm rằng môi trường làm việc lý tưởng là chất xúc tác quyết định giới trẻ có thể thể hiện được hết khả năng, nhiệt tình cống hiến hay không. Hoạt động tập thể theo đội, nhóm, đặc biệt là với những nhân sự giàu kinh nghiệm, nhiệt tình chỉ bảo giúp người trẻ được học hỏi, trau dồi kiến thức và hấp thu được những năng lực tích cực.
Chia sẻ về lý do gắn bó với Công ty Truyền thông VCCorp gần 4 năm, chị Nguyễn Như Quỳnh (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cảm thấy được tôn trọng, không bị o ép vào khuôn mẫu “chuẩn chỉnh” khô cứng. Vì tính chất công việc cần sự linh hoạt nên công ty không có quy chuẩn nào về trang phục, mỗi cá nhân được khuyến khích thể hiện phong cách, màu sắc riêng.
“Ngoài ra, doanh nghiệp khuyến khích nhân viên đưa ra quan điểm cá nhân, luôn tạo điều kiện cho các thành viên thoả sức sáng tạo. Nhờ vậy, chúng tôi luôn đi làm với tâm trạng thoải mái, phấn chấn, điều này góp phần đạt hiệu suất cao trong công việc. Việc cấp trên áp đặt hoặc chèn ép nhân viên thực hiện theo những khuôn mẫu “chuẩn chỉnh” mang tên quy chế lao động đã không còn là biện pháp thích hợp trong công tác quản lý nhân sự thời đại 4.0”, chị Nguyễn Như Quỳnh nói .
Có thể thấy, giới trẻ ngày nay có những yêu cầu và kỳ vọng cao hơn các thế hệ trước trong công việc. Họ thường đề cao tính cá nhân, tôn trọng tự do về giới tính, chủng tộc, tôn giáo và mong muốn làm việc trong môi trường rộng mở, tôn trọng bản sắc riêng đáp ứng được những yếu tố này. Điều này là hoàn toàn bình thường và đúng với xu hướng phát triển toàn cầu.
Các nhà tuyển dụng nên có sự thấu hiểu, kịp thời nắm bắt tâm lý người trẻ để xây dựng chiến lược tiếp cận và thu hút nhân sự trẻ “đầu quân” làm việc với mình. Quan trọng hơn nữa, các doanh nghiệp cần chú trọng việc tạo ra môi trường văn hoá công sở để thiết lập bầu không khí lành mạnh, tích cực, đoàn kết để giữ chân những nhân viên trẻ tài năng gắn bó lâu dài.