Gia tăng lao động trẻ vào lĩnh vực phi chính thức

GD&TĐ - Theo chuyên gia, những lao động trẻ thường dễ tiếp cận với những mô hình lao động phi tiêu chuẩn, không chính thức và thiếu chắc chắn.

Lao động trẻ dễ tiếp cận với mô hình lao động phi tiêu chuẩn. Ảnh minh họa
Lao động trẻ dễ tiếp cận với mô hình lao động phi tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Dễ tham gia vào khu vực phi chính thức

Theo dữ liệu từ báo cáo lao động không chính thức tại Việt Nam của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2016, việc làm không chính thức thường phổ biến hơn ở nhóm những người thuộc độ tuổi 15 - 24. Đây là những người đang đi làm tạm thời trong khi đi học hoặc những người đang trong giai đoạn tìm kiếm công việc toàn thời gian. Ngay cả khi sự phân bố nhân lực trong lao động không chính thức ở nhóm tuổi 15 - 24 đã giảm dần theo thời gian, tỷ lệ vẫn đạt mức 60,2% vào năm 2016.

Đối với những khác biệt liên quan đến giới tính, tỷ lệ nam thanh niên làm việc phi chính thức lớn hơn nhiều so với nữ giới. Ví dụ, năm 2016, tỷ lệ nam - nữ lần lượt là 70,1% và 49,1%.

Báo cáo của ILO cũng nhấn mạnh mối tương quan giữa bằng cấp và việc tham gia vào lao động phi chính thức. Những lao động không có chứng chỉ, bằng cấp hay còn gọi là lao động chưa qua đào tạo rất dễ có khả năng tham gia vào khu vực phi chính thức. Do đó, lao động trẻ chưa có bằng cấp lại càng có nguy cơ làm những công việc không chính thức cao hơn nữa.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại gia tăng và đại dịch Covid-19, nhiều thách thức đã nảy sinh hoặc trở nên trầm trọng hơn trong việc thanh niên tiếp cận các cơ hội việc làm chính thức và phù hợp.

Các chuyên gia về việc làm của ILO cho rằng, bối cảnh xã hội hiện nay có thể đặc biệt gây bất lợi cho những người trẻ tuổi vì triển vọng nghề nghiệp của họ nhạy cảm với suy thoái kinh tế hơn so với lao động lớn tuổi. Việc thiếu đi cơ hội trong khu vực kinh tế chính thức vốn gia tăng trong thời kỳ suy thoái. Điều này khiến giới trẻ khó có thể dịch chuyển từ khu vực phi chính thức sang cơ chế chính thức.

Theo báo cáo “Khảo sát và xác định nhu cầu đào tạo nghề, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho trẻ vị thành niên” của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), nhu cầu việc làm đối với các em từ đủ 15 đến dưới 18 đang đi học chủ yếu là làm việc văn phòng. Nhưng đối với các em cùng độ tuổi đang ngoài nhà trường thì có nhu cầu làm bất cứ việc gì ở khu công nghiệp, thợ điện, thợ may.

Tuy nhiên, có việc làm ổn định là mong muốn chung lớn nhất của thanh niên. Tiếp đến lần lượt là việc làm có thu nhập cao, đúng với nghề được đào tạo, có khả năng thăng tiến, làm việc gần nhà.

Nhu cầu học nghề của thanh niên

Tìm kiếm việc làm thông qua người thân, bạn bè là cách thức phổ biến được các thanh niên đang ở ngoài nhà trường lựa chọn cũng như là dự kiến sẽ sử dụng đối với các em cùng độ tuổi hiện đang đi học. Tiếp theo là cách thức tìm kiếm việc thông qua trung tâm dịch vụ việc làm, qua các cơ sở GDNN, thông tin tuyển dụng tại các doanh nghiệp.

Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, về nhu cầu học nghề đối với thanh niên đang ở ngoài nhà trường tương đối thấp. Trong số các em có nhu cầu học nghề thì chủ yếu muốn học nghề dưới 3 tháng hoặc chỉ học những kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu công việc mà các em đang làm hoặc dự kiến tìm việc làm. Những nghề nhiều thanh niên muốn học gồm nghề may, kế toán, điện, cơ khí.

Ngược với xu hướng của các thanh niên đang ở ngoài nhà trường, các thanh niên cùng độ tuổi đang đi học lại có nhu cầu học tiếp rất cao. Theo đó, khoảng 95% trong tổng số các em đã có định hướng đi học tiếp. Trong số các em dự kiến đi học tiếp có 38% dự kiến học đại học, 17% dự kiến học cao đẳng, 21% dự kiến học trung cấp, còn lại là các trình độ khác.

Các hộ gia đình đang sinh sống ở miền núi có nguyện vọng tổ chức đào tạo nghề tại địa phương do điều kiện đi lại khó khăn. Các hộ gia đình khác muốn con em mình được đào tạo tại cơ sở GDNN. Các nghề có nhu cầu đào tạo là những nghề có khả năng tự tạo việc làm cao như nông nghiệp, sửa chữa ô tô, xe máy, may…. Do vậy, chính sách hỗ trợ phổ biến nhất mà các phụ huynh mong muốn là được hỗ trợ phương tiện, công cụ hoặc tài chính để tự tạo việc. Tiếp đến là các chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm sau học nghề; hỗ trợ học phí, đi lại, ăn ở.

“Thực tế cho thấy lao động trong nhóm từ đủ 15 đến dưới 18 có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Đối tượng này có kinh nghiệm làm việc còn ít hoặc vẫn đang trong giai đoạn học việc nên chỉ làm được các công việc giản đơn”, báo cáo của VCCI nhấn mạnh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp trung bình và lớn không sử dụng lao động trong lứa tuổi từ đủ 15 đến dưới 18. Lý do là lứa tuổi này các em chưa có trình độ chuyên môn, sức khỏe và cả tính kỷ luật trong công việc, hiệu suất làm việc đều chưa phù hợp để làm việc tại doanh nghiệp của họ. Đồng thời cũng e ngại các thủ tục pháp lý như phải có người giám hộ và các thủ tục pháp lý khác.

Do đó, chỉ các doanh nghiệp nhỏ và cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình có sử dụng lao động từ đủ 15 đến dưới 18. Hai lý do chủ yếu doanh nghiệp sử dụng lao động ở độ tuổi này là mức chi trả nhân công thấp và chỉ sử dụng để làm các công việc giản đơn, không cần chuyên môn kỹ thuật nhằm đáp ứng các đơn hàng gấp. Các em không được ký hợp đồng và không có chế độ bảo hiểm.

Hình thức tuyển dụng chủ yếu qua giới thiệu từ những lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tiếp theo là qua thông báo tuyển sinh tại doanh nghiệp, qua những người đang làm việc tại doanh nghiệp, cổ đông.

“Hầu hết, các doanh nghiệp sử dụng lao động từ đủ 15 đến dưới 18 có tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động. Chủ yếu là đào tạo ban đầu, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật, sử dụng công nghệ”, đại diện VCCI thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ