Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên khi triển khai hoạt động này ở nhà trường.
Còn khó khăn
Là nội dung giáo dục mới nên triển khai Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) theo Chương trình GDPT 2018 ở tiểu học còn có khó khăn. Chia sẻ của cô Trần Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ), vì mới mẻ nên một số giáo viên còn lúng túng; kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, cách thức tổ chức HĐTN còn chưa thật rõ nét. HĐTN sinh hoạt dưới cờ chủ yếu do giáo viên tổng phụ trách đội phụ trách.
Các gợi ý hoạt động trong sách HĐTN chỉ mang tính tham khảo vì không có nhiều thời gian để tổ chức đầy đủ các hoạt động. Giáo viên tổng phụ trách đội cùng với giáo viên chủ nhiệm phải lựa chọn nội dung sinh hoạt dưới cờ thật khoa học để tất cả học sinh đều được tham gia các hoạt động giáo dục.
Ngoài ra, theo cô Trần Thị Bích Hạnh, nhà trường còn gặp khó khăn trong triển khai các hoạt động giáo dục theo chủ đề, bởi thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Các ý tưởng trong SGK nhiều khi chỉ được tham khảo, giáo viên phải tổ chức các hoạt động tương tự đảm bảo yêu cầu cần đạt, phù hợp với tình hình nhà trường. Các HĐTN ngoài nhà trường tổ chức chưa được nhiều, cần sự tham gia của rất nhiều lực lượng và mất phí; kết quả thu được mới dừng lại ở tham quan, chụp hình, chưa có sản phẩm thu hoạch sau trải nghiệm.
Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) cũng gặp khó khăn về đồ dùng, trang thiết bị dạy học, từ đó hạn chế hiệu quả triển khai HĐTN. Ngoài ra, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh, khi dạy HĐTN, có những tiết cần đưa học sinh đi thực tế nhưng do không có kinh phí nên khó triển khai. Bố trí học sinh đi thực tế phải mất thời gian ít nhất là một buổi học, hoặc một ngày nên khó khăn trong bố trí chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu. Lớp 1, 2, nội dung thiết kế một số tiết còn khó, nặng, trừu tượng, xa rời thực tế địa phương.
“Thực tế triển khai tại trường cho thấy giáo viên phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị chương trình dạy học cho một bài học. Học sinh phải tập trung cao độ mới theo kịp các hoạt động của bài học. Bên cạnh đó, yêu cầu khả năng bao quát và xử lý vấn đề phát sinh rất nhiều trong tiết học đối với giáo viên”, thầy Nguyễn Văn Chanh chia sẻ thêm khó khăn khi triển khai.
Cũng trên địa bàn huyện Thái Thụy (Thái Bình), Trường Tiểu học - THCS Thái Sơn gặp khó khăn khi tổ chức HĐTN trên nhiều phương diện. Cô Giang Thị Điệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường gặp khó trong lựa chọn chủ đề sinh hoạt dưới cờ thực hiện với toàn trường hàng tuần.
Sinh hoạt dưới cờ có nghi lễ chào cờ, hát quốc ca nên nhà trường tổ chức theo quy mô toàn trường là phù hợp với thực tiễn. Nhưng việc lựa chọn chủ đề, hình thức và nội dung sinh hoạt dưới cờ phù hợp tất cả các khối lớp không hề đơn giản. Nhiều tuần, nhà trường phải tự lựa chọn chủ đề ngoài sách mới phù hợp thực tế.
Đối với loại hình giáo dục theo chủ đề, Trường Tiểu học - THCS Thái Sơn khó khăn trong bố trí thời lượng, thời khoá biểu để tổ chức loại hình giáo dục theo chủ đề: Một số chủ đề cần nhiều hơn một tiết để thực hiện nên cần điều chỉnh thời khoá biểu. Với loại hình câu lạc bộ tự chọn, nhà trường khó khăn về huy động kinh phí tổ chức do điều kiện sống của người dân chưa cao, số học sinh tham gia chưa nhiều. Kinh phí tổ chức các loại hình HĐTN bắt buộc còn hạn chế.
Linh động giải pháp gỡ khó
Trước những khó khăn khi tổ chức HĐTN, cô Giang Thị Điệp cho biết, Trường Tiểu học - THCS Thái Sơn đã chủ động triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng kế hoạch, tổ chức HĐTN theo Chương trình GDPT 2018”. Khi xây dựng kế hoạch giáo dục, nhà trường chỉ đạo tổng phụ trách đội, cùng với tổ chuyên môn, giáo viên làm công tác chủ nhiệm nghiên cứu kỹ nội dung chương trình lựa chọn 1 chủ đề, hình thức và nội dung tiết sinh hoạt dưới cờ từng tuần trong năm học để thực hiện theo quy mô toàn trường.
Cô trò Trường Tiểu học Hạ Hòa trải nghiệm học tập tại Đền Mẫu Âu Cơ. |
Với loại hình giáo dục theo chủ đề, trường bố trí thời lượng, thời khóa biểu linh hoạt. Cụ thể, nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên căn cứ nội dung giáo dục để thảo luận xây dựng kế hoạch tổ chức, xác định rõ số tiết dạy từng tuần ngay từ đầu năm học (thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, của tổ chuyên môn).
Căn cứ kế hoạch, phó hiệu trưởng điều chỉnh thời khóa biểu trước khi thực hiện ít nhất 2 tuần. Trước khó khăn với loại hình câu lạc bộ tự chọn, nhà trường tích cực huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tổ chức. Cùng với đó, trường tiết kiệm chi, dành kinh phí ưu tiên tổ chức các loại hình HĐTN bắt buộc.
Với Trường Tiểu học Thụy Sơn, để tổ chức tốt HĐTN, thầy Nguyễn Văn Chanh cho biết đã tập trung chỉ đạo các tổ khối chuyên môn tập trung nghiên cứu bàn kỹ về việc tổ chức các tiết HĐTN trong khối lớp mình cho phù hợp như lựa chọn phương pháp, hình thức, chuẩn bị thiết bị, phương tiện dạy học…
Trường đồng thời chỉ đạo tổ khối chuyên môn làm các chuyên đề từ cấp trường đến cấp tỉnh. Ban giám hiệu cùng giáo viên đi dự giờ để rút kinh nghiệm cho giáo viên. Căn cứ vào tình hình thực tế… để tổ chức các HĐTN phù hợp với bài học.
Công tác huy động xã hội hoá để có kinh phí cho hoạt động này cũng được chú trọng. Nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức cho học sinh đi HĐTN thực tế ở những nhà máy, công trình, khu du lịch, di tích lịch sử, khu HĐTN… Từ đó, các em nắm bắt được nhiều kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất như quan sát, giao tiếp, hợp tác, trung thực, phản biện, tự làm…
Với Trường Tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương), khó khăn gặp phải được Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoàng Trang chia sẻ liên quan đến chuẩn bị đồ dùng dạy học, phương tiện tổ chức dạy học. Trước khó khăn này, giải pháp của nhà trường là khuyến khích thầy cô sử dụng vật liệu tái chế, dễ tìm, gần gũi để thực hiện giảng dạy hiệu quả; đồng thời tổ chức linh hoạt các nội dung học tập phù hợp với môn học và thực tiễn địa phương.
Cũng chia sẻ giải pháp, cô Trần Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, nhà trường tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên tại trường và cử họ tham gia các lớp tập huấn về tổ chức HĐTN tại Sở/Phòng GD&ĐT. Đồng thời, tăng cường thao giảng, dự giờ các tiết HĐTN, giúp đông đảo giáo viên tiếp cận, tích lũy kinh nghiệm.
Đầu năm, các tổ khối chuyên môn cần xây dựng kế hoạch thật cụ thể; trong đó lựa chọn nội dung, hình thức, phương tiện, cách thức tổ chức, lực lượng tham gia chi tiết. Địa điểm cần linh hoạt, tận dụng tối đa các địa điểm trải nghiệm ngay tại địa phương và trong nhà trường.
Nếu phải tổ chức HĐTN ngoài nhà trường cần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và có yêu cầu cần đạt sau những hoạt động đó. Nhà trường đồng thời chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, xã hội hóa giáo dục để bảo đảm có thể tổ chức các HĐTN ngay trong lớp học, trường học.
Đóng trên địa bàn thị trấn, nhưng Trường Tiểu học Lâm Xa (thị trấn Cành Nàng, Bá Thước, Thanh Hóa) có đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn chiếm khá cao…
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Long chia sẻ, để tổ chức hiệu quả HĐTN, nhà trường chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị có thể để phục vụ cho chương trình. Lập kế hoạch lựa chọn giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học theo quy định hiện hành. Tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học để giáo viên tiếp cận trước phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Trường tiếp tục cử giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn tại Sở GD&ĐT để về tập huấn lại cho giáo viên. Cùng với đó, phát huy nguồn lực xã hội hóa để tháo gỡ những khó khăn khi tổ chức dạy học.
Một hoạt động trải nghiệm của cô trò Trường Tiểu học Hạ Hòa. |
Bài học kinh nghiệm
Sau 3 năm triển khai HĐTN theo Chương trình GDPT 2018, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra để tổ chức hiệu quả hoạt động này trong năm học mới. Chia sẻ bài học này từ thực tiễn Trường Tiểu học Hạ Hòa, cô Trần Thị Bích Hạnh cho rằng, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học thật chi tiết, trong đó nội dung HĐTN thật cụ thể.
Đồng thời, tập huấn cho 100% giáo viên các nội dung liên quan đến tổ chức, nghiên cứu kỹ chương trình, yêu cầu cần đạt của hoạt động này. Các nhà trường cần linh hoạt chủ động trong tổ chức HĐTN cho phù hợp tình hình nhà trường, không được chuyển hoạt động giáo dục bắt buộc trong trường sang một loại hình dịch vụ phụ trợ kèm theo. Làm tốt công tác truyền thông đến các lực lượng xã hội, phụ huynh học sinh, giúp họ hiểu về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, cách thức tổ chức HĐTN trong chương trình mới cũng là điều quan trọng cần làm.
Nêu những nội dung cần làm để triển khai hiệu quả HĐTN trong năm học mới, cô Giang Thị Điệp cho rằng, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cần tổ chức tập huấn chuyên đề về xây dựng kế hoạch, tổ chức theo Chương trình GDPT 2018 cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, đại trà. Tăng cường kinh phí ngân sách chi hoạt động giáo dục (Hoạt động trải nghiệm).
Từ thực tiễn, thầy Nguyễn Văn Chanh kiến nghị các cơ quan quản lý cần có kế hoạch đào tạo giáo viên dạy chuyên sâu HĐTN. Các trường sư phạm đưa HĐTN vào chương trình dạy học.
Cùng với đó, giảm bớt nội dung, yêu cầu cần ngắn gọn, thực tế theo lớp, theo thực tế từng địa phương nơi học sinh học tập. Để các trường tự chủ động, sáng tạo khi tổ chức các tiết học HĐTN ở trong sách giáo khoa cho phù hợp với thực tiễn. Có đủ đồ dùng, kinh phí cần thiết để tổ chức tốt các hoạt động theo nội dung từng bài học.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Hoạt động trải nghiệm được thực hiện thông qua bốn loại hình hoạt động chủ yếu: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ, trong đó câu lạc bộ là loại hình tự chọn. Hoạt động trải nghiệm được tổ chức theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học.