Sự chủ động, linh hoạt của nhà trường, giáo viên trong tổ chức dạy học đã giúp các em có cơ hội hình thành phẩm chất, năng lực; phụ huynh hiểu và đồng hành...
Cái khó ló cái hay
Thầy Trần Văn Bửu - giáo viên người Ca Dong, đứng điểm lẻ ở nóc Ông Tuấn, thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) kể: “Tôi thường tận dụng chính môi trường học tập, sinh sống của các em để tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho lớp.
Lớp 1 - 2, các em học ở thôn, nhưng lên đến lớp 3, học sinh ở các điểm trường lẻ sẽ chuyển về học bán trú tại điểm trường chính. Để các em hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới, tôi hướng dẫn và rèn cho học sinh kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Các em được hướng dẫn từ cách đánh răng, rửa tay chân, gấp chăn màn, giặt quần áo, rửa chén bát, đi vệ sinh, giữ gìn lớp học sạch sẽ....”.
Năm học nào, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) cũng tổ chức cho học sinh lớp 1 - 2 ở 11 điểm trường tại các thôn, nóc về sinh hoạt chung ở điểm trường chính. Ngày hội văn hóa dân gian chính là sự kiện sinh hoạt tập thể lớn của cả trường để học sinh có cơ hội làm quen với môi trường học tập ở điểm trường chính.
“Các em sẽ dần bớt đi sự rụt rè, có được sự háo hức với không gian học tập mới, rộng lớn, đầy đủ hơn so với điểm trường ở các thôn nóc. Đây cũng là cơ hội để thầy cô giáo đứng điểm tại các điểm trường thôn “test” lại hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm (HĐTN) trước đó cho học sinh để có sự điều chỉnh hợp lý” - thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Cô Đỗ Thị Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, tùy theo từng khối lớp, tổ chuyên môn và nhà trường sẽ xây dựng nội dung HĐTN phù hợp. Trong đó, nhà trường sẽ chỉ tổ chức HĐTN theo quy mô toàn khối ở bên ngoài trường học một lần. Còn lại, sẽ tổ chức theo quy mô từng lớp hoặc khối lớp ở tại lớp học và sân trường, thậm chí cả không gian gia đình.
“Nhà trường chủ trương tổ chức các HĐTN để học sinh có thể thực hiện trong không gian gia đình, lớp học. Các công việc nhà phù hợp với độ tuổi như nhặt rau, lau chùi nhà cửa, tưới cây, chăm sóc vật nuôi. Không gian lớp học được tận dụng triệt để trong hình thành phẩm chất, kỹ năng cho học sinh.
Các em cùng cô quản sinh thu dọn đồ dùng cá nhân sau mỗi bữa ăn bán trú, tự lấy chăn, gối chuẩn bị cho giờ ngủ trưa, vệ sinh góc học tập, trang trí tủ sách của lớp…” - cô Lê cho biết. Trường Tiểu học Hùng Vương đóng chân ở khu vực có phố ẩm thực của Đà Nẵng.
Vì vậy, nhà trường tổ chức nhiều HĐTN có liên quan như tổ chức mô hình bữa cơm gia đình, ngày hội làm bánh... để phụ huynh cùng tham gia, hướng dẫn con em mình làm cùng.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Trà Nam với tiết học tại vườn cây dược liệu của trường . |
Bớt “biểu diễn”, tăng trải nghiệm
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) từ lớp 1 đã bắt đầu làm quen với việc trồng cây dược liệu ngay trong vườn trường. Nhà trường đã xây dựng một chương trình riêng về giáo dục kỹ năng trồng dược liệu dưới tán rừng, phù hợp với từng khối lớp.
Thầy Nguyễn Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với học sinh lớp Một, các em sẽ được hướng dẫn nhận biết một số loại cây dược liệu phổ biến tại địa phương. Lượng kiến thức ở các lớp sẽ tăng dần lên, để đến khi học xong Tiểu học, các em phải nhận dạng được tất cả các loại cây dược liệu, biết thêm dược tính và giá trị kinh tế của từng loại cây mang lại”. Đây sẽ là nền tảng để lên bậc học cao hơn, các em bắt đầu học cách trồng, chăm sóc và khai thác dược liệu trồng dưới tán rừng, một chủ trương phát triển kinh tế của địa phương.
Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Trà Nam còn có nhiều HĐTN bổ trợ để giáo dục cho học sinh bảo vệ môi trường. Như với Hội thi “Đường đến Ngọc Linh”, học sinh khối lớp 1 - 2 - 3 sẽ tham gia vẽ tranh, làm sản phẩm tái chế từ các vật dụng như chai lọ, vỏ hộp sữa, thi trình diễn thời trang, tiểu phẩm...
Với Hội thi Đường đến Ngọc Linh, học sinh được cung cấp những kiến thức cơ bản, phù hợp với lứa tuổi về bảo vệ môi trường, từ các vấn đề về biến đổi khí hậu đến các phương pháp bảo vệ đa dạng sinh học. Ngoài ra, các em còn có thêm hiểu biết về đa dạng sinh học ở rừng, có cơ hội trải nghiệm thực tế và hình thành thái độ trân trọng tài nguyên rừng, đồng thời suy nghĩ và hành động nhằm bảo tồn tài nguyên rừng.
Em Hồ Trường Sơn, học sinh lớp 2, cho biết: “Xem tiểu phẩm của các anh chị, em biết phải hạn chế sử dụng túi ni lông, hộp nhựa, hộp xốp đựng thức ăn. Ngoài ra, những khi rảnh rỗi, có thể tham gia chăm sóc, tưới cây, nhổ cỏ cho những cây cảnh, bồn hoa lớp học”.
Thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trao đổi: “Ngay cả HĐTN được tổ chức ở bên ngoài nhà trường, theo quy mô toàn khối, cũng phải gắn liền với nội dung của các môn học khác để có sự bổ trợ trong củng cố kiến thức, hình thành phẩm chất, năng lực, các kỹ năng mềm cho học sinh.
Ban giám hiệu cũng phải hình dung được những hoạt động có thể tổ chức ở không gian trải nghiệm bên ngoài trường học”. Ví dụ như với hoạt động thăm một doanh trại bộ đội, có thể tổ chức thêm hoạt động trồng, chăm sóc cây tại vườn rau của doanh trại...
Với những HĐTN theo chủ đề trong tiết sinh hoạt dưới cờ, thầy Nguyễn Hỷ cho biết, Trường Tiểu học Duy Tân chủ trương tạo cơ hội tối đa để học sinh được trải nghiệm. Đó có thể là học sinh tự thực hành các kỹ năng sơ cấp cứu, tập cách di chuyển trong các tình huống diễn tập cháy nổ hay các em tự biểu diễn nhập vai các tiểu phẩm...
Tham gia Ngày hội Gia đình gắn kết yêu thương, Chị Võ Bảo Quỳnh - phụ huynh của em Thanh Trúc, lớp 1/4 Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết: “Tham gia hoạt động ở trường cùng với con, mình có cơ hội được tương tác, trao đổi với cô giáo nhiều hơn. Cũng thấy được cách con chơi và tương tác cùng với các bạn để hình dung được con học, con chơi ở trường như thế nào. Bình thường, nếu dẫn con đi chơi ở các khu vui chơi thì ba mẹ thường là để con tự chơi. Qua ngày hội này, các ba mẹ buộc chơi cùng với con, cùng các con bàn bạc chiến thuật nên thấy rất vui và có cơ hội hiểu thêm con”.