Lần đầu tiên ở năm cầm quyền cuối cùng của Tổng thống Donald Trump. Hồi đấy, ông Trump ban hành một pháp lệnh buộc chủ sở hữu của TikTok là hãng ByteDance phải chuyển bán TikTok cho công ty Mỹ trong thời hạn 90 ngày, nếu không sẽ bị trục xuất khỏi thị trường Mỹ.
Cú ra đòn này của ông Trump sau đó bị chặn lại bởi một số lý do pháp lý. Bây giờ, ông Trump đã thay đổi thái độ đối với TikTok, không hẳn chuyển sang ủng hộ nhưng không còn chống đối kịch liệt như trước, bởi ông đang vận động tranh cử tổng thống.
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cho biết nếu lưỡng viện lập pháp Mỹ thông qua đạo luật buộc hãng ByteDance bán TikTok cho công ty Mỹ, ông sẽ ký ban hành. Trước đó, ngày 17/4 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật này với đa số áp đảo: 352 phiếu thuận và 65 phiếu chống.
Thượng viện Mỹ sẽ quyết định tiếp theo. Điều đáng chú ý ở đây là có sự đồng quan điểm giữa hai đảng phái chính trị trong Hạ viện Mỹ về lựa chọn liên quan đến số phận của TikTok.
Rất có thể vì cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại ở Mỹ mà Thượng viện nước này không vội vàng biểu quyết về đạo luật. Nhưng sau ngày bầu cử, Thượng viện Mỹ sẽ không còn ngần ngại.
Lý do được chính quyền Mỹ đưa ra - thời ông Trump cầm quyền cũng như bây giờ - là TikTok cung cấp dữ liệu về người sử dụng ứng dụng này ở Mỹ cho chính quyền Trung Quốc.
ByteDance là một công ty của Trung Quốc và luật pháp hiện hành ở Trung Quốc bắt buộc các công ty của quốc gia phải cung cấp dữ liệu hoạt động kinh doanh cho chính quyền khi được yêu cầu.
Phía Mỹ thấy rủi ro lớn, cho rằng ByteDance có thể hoạt động gián điệp thông qua TikTok, can thiệp vào công chuyện nội bộ của nước Mỹ như bầu cử, vận động tranh cử hay thao túng dư luận… thông qua TikTok.
Ở Mỹ hiện có khoảng 170 triệu người sử dụng TikTok, ước tính dùng trung bình hàng ngày từ 60 đến 80 phút, trong khi đối thủ lớn nhất của TikTok là Instagram chỉ được 30 - 40 phút/ngày.
Ông Trump hiện thay đổi quan điểm về số phận của TikTok nhằm tranh thủ lá phiếu bầu của những người sử dụng mạng xã hội này ở Mỹ. Nếu trở lại cầm quyền, ông sẽ dùng việc cấm TikTok của ByteDance, tức là của Trung Quốc, ở Mỹ hoặc sẽ “nước Mỹ hoá TikTok”.
Hãng ByteDance sẽ cố gắng đi hết con đường pháp lý ở nước Mỹ để giữ quyền sở hữu TikTok trên thị trường. Trung Quốc rồi cũng sẽ gây áp lực, thương thảo và doạ trả đũa Mỹ để giúp ByteDance.
Nhưng vụ việc đã diễn biến đến mức độ như hiện tại thì số phận của TikTok trên thị trường Mỹ gần như đã được định đoạt: ByteDance phải bán TikTok hoặc TikTok sẽ biến mất khỏi thị trường Mỹ.
Sau Mỹ sẽ là EU và có thể nhiều nơi khác nữa trên thế giới đưa TikTok vào vòng ngắm với biện luận và định hướng xử lý tương tự. Bi kịch mang tính số phận của hãng ByteDance và TikTok ở thị trường Mỹ là bị vạ lây bởi mối quan hệ trắc trở đầy nghị kỵ và đối phó nhau giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cũng chính vì thế mà nhiều khả năng sau ByteDance và TikTok, thêm những công ty khác của Trung Quốc hoạt động trên thị trường Mỹ chịu chung số phận như ByteDance và TikTok.