Tiểu đường thai kỳ: Bác sĩ, bệnh nhân đều chủ quan

GD&TĐ - Tiểu đường thai kỳ không phải bệnh mới xuất hiện, để lại di chứng nặng nề với thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, cho đến nay, căn bệnh này vẫn chưa được nhiều người, trong đó có bác sĩ, người bệnh quan tâm đúng mức.

Tiểu đường thai kỳ:  Bác sĩ, bệnh nhân đều chủ quan

Thai nhi to: Chớ vội mừng

Những ngày vừa qua, tai biến y khoa liên tục xảy ra khiến người dân, đặc biệt là người bệnh lo lắng. Người thì tử vong khi vừa gây mê, bác sĩ chưa kịp đặt dao mổ. Trẻ khác tử vong sau mũi tiêm kháng sinh. Đau lòng hơn, một trẻ sinh ra khỏe mạnh với cân nặng khủng (4,9 kg) bất ngờ tử vong khi mới được 3 ngày tuổi.

2/3 trong số trường hợp trên xảy ra tại Hà Nội. Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân. Nhưng dưới góc nhìn người dân, rõ ràng có sự chủ quan của đôi bên. Bởi về lý thuyết ai cũng biết bất kỳ thuốc nào cũng có thể gây phản ứng phụ, dị ứng nhưng hiện rất ít người đề nghị được thử phản ứng trước khi sử dụng. Người dân chủ quan đã đành, nhiều bác sĩ cũng lơ là việc khai thác tiền sử bệnh nhân trước khi dùng thuốc.

Với trường hợp bé sơ sinh 3 ngày tuổi lại càng đáng tiếc. Theo bảng cân nặng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, bé sơ sinh đủ ngày đủ tháng có cân nặng được coi là bình thường khi nằm trong ngưỡng 2,5 - 3,5 kg. Dưới 2,5 kg được gọi là suy dinh dưỡng và trên 3,5 có thể nghi ngờ bệnh lý. Như vậy, tùy theo mỗi thể mà bệnh viện có biện pháp xử lý khác nhau.

Theo bác sĩ sản khoa Trần Thị Kim Phượng, trong quá trình mang thai, người mẹ phải làm tối thiểu 3 lần siêu âm màu kiểm tra hình thái thai nhi và số lần siêu âm 2D tùy thuộc vào sự phát triển của thai. Như vậy, nhìn vào các chỉ số, bác sĩ sẽ biết thai phát triển bình thường hay không.

Trong trường hợp nghi ngờ sẽ đề nghị bệnh nhân làm xét nghiệm máu, chọc ối, nghiệm pháp đường. Cụ thể với trường hợp mẹ nhỏ và thai quá to như ở Ứng Hòa (Hà Nội), khả năng người mẹ bị tiểu đường thai kỳ là rất lớn. May cho sản phụ bệnh không gây tiền sản giật, thai lưu nhưng điều không may là bác sĩ sản khoa, nhi khoa ngay sau đó cũng thiếu kiến thức nên không có phản ứng kịp thời.

Biết thì đã muộn

Kết luận ban đầu được Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội), bé gái tử vong do mắc bệnh lý bẩm sinh, có thể do thiếu enzym để chuyển hóa đường hoặc cường hormone gây hạ đường huyết (insulin) khiến đường máu liên tục giảm mặc dù đã bù đường. Hậu quả rối loạn chuyển hóa đường kéo dài khiến trẻ bị suy hô hấp, nôn trớ gây sặc, dẫn đến viêm phổi, suy đa tạng, tử vong sau 3 ngày chào đời.

Từ trường hợp đó để thấy rằng câu nói của các cụ về quá trình chửa đẻ của phụ nữ chưa bao giờ hết hiểm nguy. Bác sĩ Phượng cho biết: Khoa học phát triển giúp bác sĩ kiểm soát tai biến có thể xảy ra trong thai kỳ tốt hơn. Do vậy, trong trường hợp thai phụ trên 35 tuổi, có tiền sử thai lưu nhiều lần, gia đình có người mắc bệnh hoặc thai nhi quá to cần nghĩ đến bệnh tiểu đường thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ khó chẩn đoán hơn so với tiểu đường trên người bệnh bình thường. Nguyên nhân do trong quá trình mang thai, nội tiết của người mẹ thay đổi khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng quá tả quá hữu. Trong trường hợp mẹ tăng ít cân nhưng con quá to, trước tiên cần làm nghiệm pháp đường để theo dõi lượng đường lúc đói, quá trình dung nạp đường sau ăn 1 giờ và 2 giờ.

Ngoài ra, khi thấy ối nhiều hơn bình thường cũng cần kiểm tra đường huyết, protein máu, protein niệu (nhiễm độc thai nghén…). Nếu mẹ bình thường thì kiểm tra tiếp các bệnh dị tật của con.

Những xét nghiệm trên không quá đắt nhưng lại đòi hỏi kinh nghiệm của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, sản khoa. Bất cứ một chỉ số nào bất thường cũng gây bất lợi cho thai phụ và thai nhi. Do vậy, sự chủ quan, yếu kém là điều không thể chấp nhận ở bác sĩ. Còn chị em, trước, trong khi mang thai cũng cần trang bị kiến thức cho mình, lựa chọn nơi khám thai hoặc bác sĩ có uy tín, lành nghề.

- Trẻ sơ sinh trên 4 kg được coi là liên quan đến bệnh lý nào đó đòi hỏi bác sĩ phải theo dõi sát sao. Những trẻ này sau khi sinh ra thường giảm đường huyết nhanh do không còn nhận được từ mẹ trong khi cơ thể không có khả năng tự dung nạp. Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng làm trẻ tăng cân quá nhanh trong bụng mẹ.

- Hiện Sở Y tế Hà Nội đã lập hội đồng chuyên môn để làm rõ nguyên nhân tử vong; Yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Vân Đình làm rõ những thiếu sót (nếu có) về tinh thần thái độ, chẩn đoán ban đầu và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp có sai sót.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ