Tiểu đường: không chăm là ... mất chân

Bệnh đái tháo đường thường gây ra nhiều biến chứng ở chân như khô ngứa da, vi nấm da, đau nhức, thậm chí có thể gây nhiễm trùng gân máu dẫn tới viêm loét, hoại tử, tàn phế suốt đời.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Vết thương nhỏ hậu quả lớn

Cách đây 12 năm, ông Nguyễn Huy Mạnh 60 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội thấy mình tiểu nhiều, hay khát nước, người mệt mỏi. Sau khi đi khám bệnh, ông Mạnh biết mình bị mắc bệnh đái tháo đường. Từ đó ông phải sống chung với căn bệnh này.

Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về bệnh tật, gia cảnh lại khó khăn nên ông Mạnh không có nhiều điều kiện để thăm khám sức khỏe thường xuyên. Nên việc kiêng cữ trong ăn uống, hay chế độ luyện tập chăm sóc bản thân, giúp bệnh tình thuyên giảm ông gần như không biết gì. Thế là hai bàn chân của ông bắt đầu bị lở loét, nhưng ông Mạnh không hề biết đó là biến chứng của căn bệnh đái tháo đường mà lại cho rằng mình bị nhiễm trùng bình thường nên chỉ bó chân đắp vết thương bằng những lá quanh nhà.

Chỉ đến khi vết thương loang rộng, ăn vào tận xương thì ông mới đến Khoa Nội tiết-Đái tháo đường của Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh thì bệnh tình của ông Mạnh đã quá nặng. Mặc dù, các bác sỹ đã cố gắng cứu chữa nhưng hiện nay bàn chân không vẫn bị tật và đi lại khó khăn.

Còn ông Trần Văn Duyệt ở Thường Tín, Hà Nội đến Bệnh viện Nội tiết TW với bàn chân trái bị phồng rộp và tím ngắt. Sống chung với bệnh đái tháo đường hơn 15 năm qua, ông Duyệt đã bị nhiều biến chứng nặng nề của bệnh gây nên như: suy giảm thị lực, suy thận; nhồi máu cơ tim...

Gần đây, ông cảm thấy bàn chân của mình lạnh và tê bì nên đã mua thuốc về đắp rồi chườm nóng để tự chữa bệnh. Nào ngờ chườm nóng đến mức chân bị bỏng mà ông cũng không hề thấy đau rát gì cả, đến khi vết thương bị nhiễm trùng nặng, ông phải vào nhập viện thì hai bàn chân của ông đã bị biến chứng nặng không còn cách nào cứu chữa được.

Để giữ tính mạng cho ông Duyệt, các bác sĩ buộc phải tháo bỏ các khớp chân đã bị hoại tử. Việc đi lại của ông Duyệt bây giờ phải nhờ đến đôi nạng làm giá đỡ.

BS. Nguyễn Huy Cường- Nguyên Phó trưởng khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Nội Tiết TW cho biết: Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nhưng do không có chế độ ăn uống, luyện tập, chăm sóc hợp lý nên dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Trong đó, biến chứng ở chân chiếm từ 5-15% số bệnh nhân mắc bệnh. Những bệnh nhân này sẽ phải phẫu thuật tháo bỏ các khớp bị biến chứng và trở thành người tàn phế.

Phát hiện sớm cơ hội nhiều

Trước tiên, người mắc bệnh đái tháo đường cần có tinh thần kiên định trong điều trị bệnh tật, vì đây là bệnh mãn tính, cần điều trị trong thời gian dài, không phải một sớm một chiều là khỏi. Khiến nhiều người có tâm lý chán nản, buông xuôi không kiêng cữ chăm sóc bản thân.

Khi thấy bàn chân có những biểu hiện lạ như: Giảm cảm giác xúc giác, thấy đau âm ỉ hoặc bỏng rát, đau tăng về đêm, cảm giác tê cóng, buồn như kiến bò. Cảm giác đi không thật chân, chân tê tê như đi trên bông. Có khi tăng cảm giác đau, đau rát khi chạm nhẹ vào da.

Những cơn đau xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều hơn. Có thể đau ở bắp chân và bàn chân, cảm giác cẳng chân bị bó chặt lại làm bệnh nhân phải ngừng lại nghỉ không đi tiếp được. Lúc đầu đau ít, sau đau nhiều hơn và cần thời gian nghỉ lâu hơn.

Những cơn đau chân, mỏi hai chân, cảm giác bủn rủn không bước đi được. Sau đó, xuất hiện sớm cơn đau cách hồi và là dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của đau cách hồi. Khi các mạch máu nuôi dây thần kinh cảm giác bị tắc nghẽn, người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác như: nóng rát, tê rần hoặc như bị kim châm, kiến bò ở chân...

Nếu bệnh tiến triển, cảm giác ngoài da sẽ giảm hay mất, dễ gây viêm loét, chấn thương xương khớp... Phần da ở vùng chân mỏng hơn bình thường, khô, có cảm giác ngứa ngáy, móng chân dầy, mất móng. Nhiều bệnh nhân lại có cảm giác lạnh chân, kèm theo da chân tái nhợt.

Khi có những dấu hiệu trên bệnh nhân cần đến các bệnh viện chuyên khoa để được các bác sỹ điều trị kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Lưu ý nhỏ phòng bệnh tốt

Bệnh đái tháo đường là một bệnh mãn tính nên cần điều trị lâu dài. Vì vậy, trước hết người bệnh phải có chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý với điều kiện cụ thể của từng người bệnh như sau:

Ổn định đường máu: Người bệnh nên kiểm tra đường huyết mỗi ngày nên giới hạn trong 80-110mg%. Nên tập thể dục, dùng thuốc hạ đường liên tục và đều đặn, tái khám với bác sĩ điều trị và kiểm tra nồng độ đường máu định kỳ.

Tuân thủ chế độ ăn kiêng: Nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt, tránh các món ăn nhiều đường, nhiều mỡ, rượu, đồ uống có gas, thuốc lá… Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, chất tinh bột, chất xơ…

Nên uống nhiều nước: Người mắc bệnh đái tháo đường thường tiểu nhiều nên hay mất nước. Vì vậy, cần uống nhiều nước hơn 2 lít nước/ngày để bù đắp lượng nước thiếu hụt.

Kiểm tra bàn chân mỗi ngày: Khi tắm, cần kiểm tra toàn bộ bề mặt da để phát hiện sớm bất kỳ tổn thương nào ở bàn chân như vết thương, trầy xước, vết loét, cục chai, mắt cá, mụn cóc, móng quặp, phồng nước...

Massage cho bàn chân: Mỗi tối trước khi đi ngủ người bệnh nên dành từ 15-20 phút để chăm sóc đôi bàn chân của mình, bằng việc xoa bóp các đầu ngón chân, bàn chân, giúp các mạch máu lưu thông dễ dàng, giảm cảm giác phù nề, tê mỏi. Nên chọn các loại giày, dép rộng rãi làm bằng chất liệu mềm không quá cứng, gây đau chân, khiến các mạch máu khó lưu thông.

Lưu ý nhiệt độ: Nên cẩn thận khi dùng nước nóng , tắm hơi, ngâm chân nước nóng, chườm nóng... Không nên tắm nước nóng lâu, vì có thể gây bỏng do cảm giác da của bệnh nhân ĐTĐ đã bị suy giảm. Khi bị lạnh ban đêm cần mang tất chân trước khi đi ngủ.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ