Tiêu chuẩn “vàng” trong chẩn đoán viêm màng não do virus

GD&TĐ - Chọc dịch não tuỷ là cơ sở để các bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị cho trẻ mắc viêm màng não do virus. Do đó, phương pháp này được coi là “tiêu chuẩn vàng”.

Bệnh nhi viêm màng não do virus được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhi viêm màng não do virus được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: BVCC.

Chưa ghi nhận ca bệnh nặng

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, từ đầu tháng 4 tới nay, số lượng bệnh nhân nhập viện vì mắc viêm màng não do virus tăng. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 20 - 30 bệnh nhân nhập viện điều trị.

Bác sĩ Võ Mạnh Hùng - Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, chia sẻ: “Những năm trước đây, bệnh viêm màng não do virus cũng xuất hiện. Song, năm nay, số lượng bệnh nhân mắc tăng cao hơn nhiều lần. Các ca bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác từ đầu tháng 3 và bùng phát từ đầu tháng 4 đến nay”.

Hiện tại, Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có 151 bệnh nhân điều trị. Trong đó, có 132 bệnh nhi mắc viêm màng não do virus. Tại Nghệ An, bệnh xuất hiện hầu hết ở các huyện, thành phố, thị xã. Số bệnh nhân tại thành phố Vinh chiếm 18,07%; Thanh Chương 15,67%; Nghi Lộc 10,84%; Diễn Châu 8,49%...

Bệnh viêm màng não do virus xuất hiện cả ở trẻ nhỏ và người lớn. Hiện tại, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đang điều trị hơn 40 bệnh nhân viêm màng não.

Trong khi đó, Hà Tĩnh cũng là khu vực ghi nhận số ca mắc viêm màng não do virus tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, từ quý I đến nay, tỉnh này ghi nhận 133 ca bệnh viêm não, viêm màng não. Con số này tăng 2,5 lần so với cùng kỳ những năm trước đây. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của các ca bệnh đều nhẹ, đáp ứng thuốc tốt và khỏi bệnh sau thời gian điều trị.

Tỷ lệ khỏi bệnh cao

Chia sẻ về căn bệnh này, bác sĩ Lê Thu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh lý não khá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm trong giai đoạn đầu điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh rất cao. Theo chuyên gia này, trong đợt bệnh hiện tại, bệnh viện chưa ghi nhận ca mắc viêm màng não do virus nặng. Hầu hết bệnh nhân hồi phục sau 7 - 10 ngày điều trị.

Không ít phụ huynh bày tỏ lo ngại về việc liệu, chọc dịch não tuỷ có cần thiết để chẩn đoán bệnh viêm màng não do virus? Một số cha mẹ quan ngại, trẻ có thể đau và tổn thương do phương pháp chẩn đoán này.

Theo bác sĩ Thu, phương pháp này là cần thiết để xác định chính xác trẻ có bệnh viêm màng não hay không, thông qua sự thay đổi của dịch não tuỷ. Đồng thời, chọc dịch não tuỷ cũng là cơ sở để các bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị cho trẻ. Do đó, phương pháp này được coi là “tiêu chuẩn vàng”.

Song, chuyên gia này lưu ý, không ít người nhầm giữa chọc dịch não tuỷ và chọc tuỷ. Bởi, dịch não tuỷ giúp giải quyết vấn đề có nhiễm trùng thần kinh trung ương hay không.

Trong trường hợp phụ huynh không muốn con được chọc dịch não tuỷ, các bác sĩ sẽ điều trị cho trẻ theo phác đồ của Bộ Y tế. Khi đó, việc trẻ đáp ứng điều trị là một cách gián tiếp để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, nhược điểm là phương pháp này sẽ không chẩn đoán xác đáng.

Đường lây bệnh

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), nhấn mạnh: “Viêm màng não siêu vi là một bệnh lành tính, tự khỏi sau 5 - 7 - 10 ngày”.

Cũng theo chuyên gia này, người mắc sẽ có triệu chứng sốt, đau đầu, ói. Phần lớn nguyên nhân là do virus đường ruột gây nên. Do đó, điều cần thiết là mọi người nên thường xuyên rửa tay, ăn sạch, uống sạch.

Bác sĩ Khanh cho biết, năm 2002, TPHCM từng chứng kiến sự bùng phát của dịch viêm màng não do virus. Tuy nhiên, điều quan trọng là mọi người cần giữ bình tĩnh trước căn bệnh.

Chia sẻ về nguyên nhân gây bệnh, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Quân y 103, giải thích: “Nhiễm các loại virus khác nhau có thể dẫn đến viêm màng não do virus. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ở Mỹ do virus Entero gây nên. Những virus khác có thể gây viêm màng não bao gồm quai bị, Herpes, sởi và cúm”.

Ngoài ra, virus Arbo, muỗi và các côn trùng khác lây lan cũng có thể gây viêm màng não virus.

Các virus khác nhau gây viêm màng não sẽ lây qua các đường khác nhau. Enterovirus thường xuyên lây nhiễm trực tiếp với phân của người bệnh. Đây là đường lây chủ yếu đối với những trẻ nhỏ chưa tập thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh. Người lớn cũng có thể lây khi thay tã cho trẻ bị nhiễm.

“Enterovirus và các loại virus khác cũng có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch hô hấp của người bị nhiễm.

Virus cũng có thể đọng lại trên mặt phẳng vài ngày và có thể lây lan từ các vật dụng. Virus cũng có thể lây lan trực tiếp khi người nhiễm ho hoặc hắt hơi và bắn những giọt chứa virus vào trong không khí”, PGS Kiệm lý giải.

Cũng theo chuyên gia này, người nhiễm thường lây từ lúc có triệu chứng đến khi hết. Thậm chí, trẻ nhỏ và người suy yếu miễn dịch có thể lây nhiễm sau khi triệu chứng được giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ