Theo Ths.BS Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Đồng Cần Thơ, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp trẻ em bị viêm màng não do kí sinh trùng lây từ thú nuôi trong gia đình.
Cụ thể, bé T.T.L (5,5 tuổi) và bé T.P.Đ (9 tuổi) là anh em ruột cùng ngụ tại Thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), cả 2 bé xuất hiện các triệu chứng sốt, nôn ói, ăn kém, đặc biệt là đau đầu dữ dội, đã được gia đình điều trị nhưng không giảm và được gia đình đưa đến Trung tâm y tế Thị xã Bình Minh nhập viện.
Sau đó, Trung tâm Y tế đã chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Qua khai thác tiền sử từ gia đình, trước khi bị bệnh, hai bé hoàn toàn khỏe mạnh, không ăn đồ hải sản sống, trong nhà có nuôi chó; 2 bé thường xuyên tiếp xúc và chơi đùa với chúng.
Riêng trường hợp thứ 3, bé L.H.M (5 tuổi) cũng bị sốt 5 ngày và xuất hiện các triệu chứng nôn ói, táo bón, đau đầu… có điều trị không giảm nên người nhà đưa bé nhập viên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Sau khi tiếp nhận 3 trường hợp trên, bệnh viện đã tiến hành chọc dịch tủy sống có kết quả tế bào tăng cao với eosinophil chiếm hơn 10% số lượng tế bào trong dịch não tủy và test nhanh dương tính với Toxocara.
Sau khi hội chuẩn, nhận thấy các trường hợp trên đều đáp ứng tốt với điều trị thuốc giun sán (Albendazole uống) và các điều trị khác, kết quả các bé hết sốt, hết đau đầu, không nôn ói, ăn uống khá.
Hiện tại, sau điều trị 15 ngày và kết quả kiểm tra dịch não tủy bình thường thì 1 bé được xuất viện, còn 2 bé tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.
Ths.BS Ông Huy Thanh khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa nhiễm giun sán ở trẻ: Thực hiện ăn chín uống sôi, rau sống cần rửa sạch trước khi ăn. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ, sau khi chơi đùa với chó, mèo.
Giữ vệ sinh cá nhân, cắt móng tay, móng chân ngắn, không để trẻ đi chân đất...