Trả lời: Theo Điều 33 Điều trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), có nêu: Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên được quy định như sau: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS; Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THPT.
Giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này được nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng để đạt trình độ chuẩn. Giáo viên có trình độ trên chuẩn, có năng lực giáo dục cao được hưởng chính sách theo quy định của Nhà nước, được nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục tạo điều kiện để phát huy tác dụng của mình trong giảng dạy và giáo dục.
Còn tại Điều 25 Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ “Về tuyển dụng sử dụng và quản lý viên chức” quy định: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức. Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm.
Như vậy căn cứ vào quy định nêu trên và theo thư bạn viết, trường hợp của bạn đang là giáo viên THCS nên không thể dạy THPT. Nếu bạn muốn dạy THPT trước hết phải đủ tiêu chuẩn theo quy định Điều 33; sau đó phải thay đổi chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành. Bạn có thể liên hệ với phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT địa phương để được giải đáp thỏa đáng.
Còn về tiêu chuẩn về làm tổ chức hay hiệu phó, ngoài tiêu chí về bằng cấp cần rất nhiều các tiêu chí khác. Bạn có thể trực tiếp hỏi Phòng Nội vụ hoặc Sở Nội vụ của địa phương để hiểu rõ hơn về quy định này.