So bó đũa, chọn cột cờ
Cô Lê Thị Kim Bông - Trường THPT Bình Sơn (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết: Để chọn nhân sự tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, tổ chuyên môn phải rà soát các tiêu chí như thâm niên, danh hiệu thi đua… Nếu đáp ứng đủ các điều kiện mới động viên thầy cô đăng ký tham gia dự thi.
Còn theo thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), những ứng cử viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi do các tổ chuyên môn đề cử lên đều là giáo viên vững chuyên môn, có uy tín với học sinh và phụ huynh, được khẳng định trong tổ bộ môn thì mới qua được vòng sơ khảo. Mỗi giáo viên khi đăng ký tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi đều có hồ sơ đi kèm về các thành tích thi đua, một giải pháp nâng cao chất lượng dạy học được trình bày trước hội đồng và tiến hành một tiết dạy.
Từng là giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi rồi làm giám khảo, theo cô Lê Thị Kim Bông, một tiết dạy thao giảng của hội thi đánh giá được nhiều điều. Giáo viên tham gia hội thi không được lựa chọn lớp cũng như tiết dạy cụ thể để dạy mà phải bốc thăm ngẫu nhiên. Trong một thời gian ngắn, giáo viên dự thi phải tìm hiểu học sinh, nghiên cứu lớp học để xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp.
“Có thể hình dung giáo viên xây dựng sẵn một kịch bản tổ chức các hoạt động giáo dục nhưng người học là ngẫu nhiên. Kịch bản có sẵn nhưng diễn biến tiết học, các tình huống tương tác với học sinh thì giáo viên nhiều khi không lường trước được. Và đây là cơ hội để giáo viên “ghi điểm” về năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm, xử lý tình huống…”, cô Bông phân tích. Vì vậy, từ các góp ý sau mỗi tiết thao giảng, theo như cô Kim Bông, giáo viên trưởng thành lên rất nhiều về mặt nghiệp vụ, tâm lý dạy học…
Cho dù đội ngũ dự thi giáo viên dạy giỏi cấp quận được sàng lọc và tích lũy kinh nghiệm từ vòng thi cấp trường nhưng theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) Nguyễn Đức Tú Anh, tỷ lệ không đạt cũng khá cao.
Năm học 2023 - 2024, có hơn 15% giáo viên không đạt ở hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận do Phòng GD&ĐT Hải Châu tổ chức. “Bảng chấm điểm có nhiều yêu cầu được tổng hợp từ các tiêu chí. Dù có thời gian ngắn để chuẩn bị nhưng không phải tiết dạy nào của giáo viên cũng được đầu tư một cách khoa học, hợp lý.
Rồi có nhiều tiết dạy, giáo viên không linh hoạt trong xử lý tình huống phát sinh, tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng không có sự bao quát tốt… Thế nên, một tiết dạy dù không thể hiện được cả quá trình nhưng phản ánh được nhiều điều về năng lực của giáo viên”, ông Tú Anh nhận xét.
Tăng thực chất, giảm hình thức
Trường THPT Bình Sơn mỗi năm có sự thay đổi trong thời điểm tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. Theo cô Lê Thị Kim Bông, điều này giúp phong phú thêm kinh nghiệm trong dạy học của cả giáo viên dự thi và hội đồng sư phạm nhà trường.
“Giáo viên dự thi sẽ chọn bài dạy ngẫu nhiên theo phân phối chương trình, nếu mỗi năm đều diễn ra một thời điểm thì có sự trùng lặp trong bài dạy. Hội thi giáo viên dạy giỏi suy cho cùng là dịp để trao đổi chuyên môn. Nếu cùng một bài dạy từ năm này qua năm khác sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa trong trao đổi và nâng cao nghiệp vụ sư phạm”, cô Bông nhận xét.
Ở hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi chọn 4 - 5 trường THPT có sự khác nhau về điểm trúng tuyển đầu vào để giáo viên thực hiện tiết dạy thao giảng. “Giáo viên không thực hiện tiết dạy tại ngôi trường mình dạy học, học sinh cũng hoàn toàn mới mẻ. Vì vậy, tiết dạy không được tập dượt trước nên không có sự “biểu diễn” của cả giáo viên và học sinh”, cô Kim Bông nhận xét.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Quang Hưng cho biết, ngoài đánh giá tiết dạy của giáo viên theo các tiêu chí được xây dựng sẵn, học sinh lớp có tiết thao giảng còn nhận được phiếu hỏi nhanh để hội đồng chấm có thể nắm được mức độ hiểu bài, vận dụng kiến thức… sau tiết học. Đối tượng mà giáo dục hướng đến là học sinh, giáo viên giỏi phải có khả năng phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Thầy Hưng nhận xét, không phải giáo viên nào tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thành phố cũng đạt vì một trong những tiêu chí quan trọng là dạy học phù hợp với năng lực học sinh. Giáo viên giỏi nhưng dạy học trò ở mức trung bình - yếu mà các em không nắm được kiến thức cần đạt thì cũng chưa phải là giáo viên dạy giỏi. Thế nên, có giáo viên đang dạy học ở những trường được xem là tốp đầu nhưng vẫn không đạt khi tham gia hội giảng, trong khi giáo viên ở những trường vùng ven lại đáp ứng được các yêu cầu của hội thi.
Theo cô Lê Thị Kim Bông - Trường THPT Bình Sơn, cùng với tiết dạy thao giảng, giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp còn phải trình bày một giải pháp nâng cao chất lượng dạy học và trả lời các câu hỏi liên quan của hội đồng giám khảo. Rất khó để đạt điểm cao nếu đây là những giải pháp sao chép, chưa được áp dụng vào thực tiễn dạy học của chính giáo viên. Hội thi giáo viên dạy giỏi vì vậy là điểm rơi của quá trình dạy học chứ không thể nói đây là tiết dạy mang tính hình thức, trình diễn.