Tiết lộ thái độ thanh niên Đức với chiến tranh

GD&TĐ -Một cuộc thăm dò do công ty dầu khí Shell của Anh thực hiện mới đây cho thấy, đa số thanh niên Đức đều sợ chiến tranh.

Binh sĩ Đức
Binh sĩ Đức

“Phần lớn những người trẻ tuổi ở Đức khi được hỏi về chiến tranh họ đều bày tỏ sự lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến lớn ở châu Âu”, một cuộc khảo sát gần đây cho biết.

Nghiên cứu do Shell - Công ty dầu khí đa quốc gia của Anh thực hiện, cho rằng, phát hiện cụ thể này là do xung đột đang diễn ra giữa Ukraine và Nga.

Vào tháng 6/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phê duyệt các kế hoạch dự phòng mới của nước này cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng - bản cập nhật đầu tiên như vậy kể từ năm 1989.

Berlin đã trích dẫn các mối đe dọa tiềm tàng, và mới đây đã khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc sau 13 năm đình chỉ, được cho là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ đất nước.

Cùng thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với các nhà lập pháp rằng, đất nước phải "sẵn sàng chiến tranh" vào năm 2029.

Ông Pistorius nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quân số của Bundeswehr (quân đội Đức), đồng thời đề xuất tái áp dụng ít nhất một phần chế độ nghĩa vụ quân sự đã bị bãi bỏ vào năm 2011.

Được công bố vào ngày 14/10, và có tiêu đề “Chủ nghĩa thực dụng giữa sự vỡ mộng và chấp nhận sự đa dạng”, cuộc thăm dò đã đánh giá ý kiến ​​của 2.509 người Đức trong độ tuổi từ 12 đến 25 về nhiều vấn đề.

Cuộc thăm dò cho thấy "nỗi sợ chiến tranh ở châu Âu" là mối quan tâm hàng đầu (81%) trong số những người trẻ tuổi. Mối quan tâm về kinh tế và khả năng gia tăng tình trạng nghèo đói là mối quan tâm hàng đầu thứ hai, được 67% số người được hỏi bày tỏ.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, 55% số người trẻ được hỏi cho biết, họ quan tâm đến chính trị, tăng đáng kể so với mức 34% được ghi nhận vào năm 2002.

Vào tháng 1/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói với đài truyền hình công cộng ZDF rằng, nước Đức nên chuẩn bị "tiến hành một cuộc chiến tranh bắt buộc" trong tương lai và trang bị vũ khí ngay từ bây giờ.

Vào tháng 7/2024, Washington và Berlin đã nhất trí rằng, tên lửa hành trình của Mỹ sẽ được triển khai tại Đức từ năm 2026.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, việc triển khai theo kế hoạch sẽ "cho chúng ta thời gian cần thiết" để phát triển các loại vũ khí tương tự trong nước.

Một động thái như vậy trước đây đã bị cấm theo hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, mà Washington đã rút khỏi vào năm 2019.

Bình luận về diễn biến tại thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, "nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, chúng tôi sẽ coi như mình không còn bị ràng buộc bởi lệnh tạm dừng triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn đã được thông qua trước đó", và cho biết, Nga "sẽ thực hiện các biện pháp tương tự" để triển khai các hệ thống này.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ