'Tiết học mở' tăng tương tác kết nối nhà trường - phụ huynh

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM tổ chức “Tiết học mở” - mời phụ huynh đến trường tham gia học cùng con.

Học sinh và phụ huynh lớp 3/5 trong “Tiết học mở” tại Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (Quận 7). Ảnh: Nguyễn Mỹ
Học sinh và phụ huynh lớp 3/5 trong “Tiết học mở” tại Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (Quận 7). Ảnh: Nguyễn Mỹ

Mô hình không chỉ góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh mà còn tăng sự tương tác, kết nối giữa phụ huynh với giáo viên, nhà trường.

Hiểu hơn việc học của con

Tiết học Tự nhiên và Xã hội của lớp 2/1 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) cuối học kỳ I vừa qua diễn ra tại vườn trường với sự tham dự của ban giám hiệu và phụ huynh học sinh. Theo đó, tiết học được thiết kế theo phương pháp trạm.

Cụ thể, tại trạm 1, sau khi quan sát các loài cây trong vườn, học sinh sẽ nêu tên ba loài cây mình biết. Trạm 2, các em nêu tên và nơi sống của các loài cây trong tranh. Trạm 3, học sinh tham gia giải đáp các câu đố vui do giáo viên chuẩn bị trước đó.

Chị Nguyễn Quyên - phụ huynh lớp 2/1, Trường Tiểu học Lê Văn Thọ theo dõi tiết học cho biết rất bất ngờ trước sự chuẩn bị chu đáo của cô giáo. Với chủ đề thực vật, khi được học ngoài trời, các con sẽ nhìn tận mắt, sờ tận tay các loại cây... Điều này giúp trẻ dễ dàng tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, giờ học lôi cuốn khi cô giáo tổ chức nhiều hoạt động từ các trạm qua trò chơi đố vui.

“Đây là lần đầu tôi tham dự ‘Tiết học mở’ cùng con. Qua buổi dạy, tôi thấy đồng cảm, chia sẻ hơn với giáo viên bởi sự vất vả, đi lại như con thoi để điều phối các hoạt động dạy học và làm việc với học sinh. Cách dạy này mới lạ nhưng thúc đẩy sự ham học của học trò (cùng làm việc, trả lời những câu hỏi). Tôi vui khi nhà trường áp dụng cách dạy học mới thế này”, chị Quyên nói.

Tương tự, tháng 12/2023, chị Liên Anh - phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình) đến tham dự giờ học tiếng Việt cùng con. Chị bất ngờ về không khí vui tươi của tiết học. Nhờ sự hướng dẫn khéo léo của giáo viên, học sinh được tiếp thu kiến thức chủ động và sáng tạo. Giờ học sôi nổi, học sinh tự tin giơ tay phát biểu.

Đặc biệt, ngoài việc có thêm kiến thức môn Tiếng Việt, các em còn mở rộng hiểu biết về các loại nông sản, sự cần thiết của thu gom rác thải nhựa. “Sau khi tham dự “Tiết học mở”, tôi nhận ra nhiều khác biệt về phương pháp giữa chương trình dạy học trước đây và Chương trình GDPT 2018. Nhờ đó, gia đình có điều chỉnh trong hướng dẫn con tự học tại nhà”, chị Liên Anh chia sẻ.

Theo thầy Lê Ngọc Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay, trường đã tổ chức 10 tiết học mở. Để tiết học thu hút học sinh, giáo viên phải đầu tư từ phương pháp học đến tổ chức trò chơi bổ ích mang tính trực quan sinh động. “Qua các tiết học, nhà trường mong phụ huynh hiểu, đồng cảm hơn với công việc giáo viên, từ đó phối hợp tốt trong việc giáo dục con em mình”, thầy Khoa cho hay.

Phụ huynh tham dự tiết học mở cùng con tại vườn trường của Trường Tiểu học Lê Văn Thọ. Ảnh: Minh Anh

Phụ huynh tham dự tiết học mở cùng con tại vườn trường của Trường Tiểu học Lê Văn Thọ. Ảnh: Minh Anh

Nhân rộng mô hình

Thời gian gần đây ngành Giáo dục TPHCM khuyến khích các trường tiểu học thực hiện “Tiết học mở” với nhiều bộ môn, ở các quận/huyện/trường. Lớp học mở không chỉ có giáo viên, học sinh mà phụ huynh cũng tham gia. Nơi học có thể là hội trường, sân trường hoặc địa điểm thích hợp.

Cô Nguyễn Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình) cho biết, mô hình “Tiết học mở” được nhà trường triển khai nhiều năm qua đối với môn Tiếng Anh. Việc được tham dự tiết học cùng con giúp cha mẹ hiểu hơn về phương pháp giảng dạy của giáo viên, tận mắt thấy sự tương tác của con với bạn cùng lớp, qua đó hỗ trợ việc học tại nhà tốt hơn.

“Ngoài ra, đây cũng là hình thức nhà trường công khai chất lượng giáo dục, từ đó tăng cường sự thấu hiểu, đồng hành giữa phụ huynh và nhà trường. Từ hiệu quả tích cực đó, năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Đống Đa mở rộng mô hình “Lớp học mở” ở nhiều môn học khác”, cô Dung cho hay.

Theo cô Đỗ Ngọc Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), đơn vị triển khai “Tiết học mở” nhiều năm nay, hoạt động là một trong những hình thức công khai chất lượng giáo dục với phụ huynh, không chỉ thể hiện qua những con số trong báo cáo, mà bằng tiết dạy. “Tiết học mở” nhận được phản hồi tích cực của phụ huynh. Điều này giúp giáo viên, nhà trường có thêm động lực đóng góp sức mình cho hoạt động sáng tạo, đổi mới giáo dục.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Những năm trước, “Tiết học mở” chủ yếu được thực hiện với môn Tiếng Anh. Từ năm học này, sở chỉ đạo các trường tổ chức mô hình này ở tất cả môn. Như vậy, phụ huynh có cơ hội cùng tham gia vào quá trình học tập, vui chơi, rèn luyện, sinh hoạt của con ở trường. Phụ huynh biết được ở trường con làm gì, học như thế nào…

“Ngành GD&ĐT TPHCM khuyến khích các trường tổ chức “Tiết học mở” với nhiều hình thức khác nhau. Đây là cách nhanh, phù hợp, gần gũi nhất để phụ huynh tiếp cận, hiểu hơn về Chương trình GDPT 2018. Khi phụ huynh đồng hành với nhà trường sẽ giúp đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Phụ huynh vào trường sẽ hiểu hơn và tăng niềm tin với thầy cô, từ đó hoạt động nhà trường tốt hơn - đó cũng là mục tiêu thúc đẩy trường học hạnh phúc”, bà Thúy cho hay.

“Hầu hết phụ huynh băn khoăn không biết trên lớp con học ra sao, nhưng qua “Tiết học mở”, mọi lo lắng được giải toả. Tiết học đã tạo điều kiện để tôi quan sát cách bé học trên lớp. Tôi mong trường tổ chức thêm nhiều “Tiết học mở” để phụ huynh hiểu hơn về giờ học của con”, chị Nguyễn Quyên bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ