STEAM tạo hứng khởi cho trẻ mầm non
Giáo dục STEAM và STEM là chương trình giáo dục hiện đại, đã được triển khai trong ngành giáo dục cả nước, mang lại những hiệu ứng tích cực. Phương pháp giáo dục này đã được ứng dụng trong chương trình giảng dạy của nhiều trường mầm non và trung học tại Hải Phòng giúp học sinh được trải nghiệm môi trường sáng tạo, phát triển tư duy và ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.
Phương pháp STEAM là phương pháp giảng dạy tích hợp nhằm trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến 5 lĩnh vực là Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹthuật), Art (Nghệ thuật), Mathematics (Toán học) cho trẻ mầm non.
Sự kết hợp này đã thúc đẩy tư duy giải quyết vấn đề khoa học, phát triển các kỹ năng cho học sinh như giao tiếp, hợp tác, xử lý thông tin, tự phục vụ, đảm bảo an toàn…
Giờ học STEAM của cô trò Trường Mầm non Hoà Nghĩa |
Phương pháp giáo dục STEAM ở mầm non tạo hứng khởi cho trẻ trong mỗi bài học, mỗi hoạt động, thí nghiệm. Học sinh sẽ nắm được quy trình thực hiện, thấy được sự thay đổi trạng thái, hình dáng, kích thước của sự vật hiện tượng. Việc này sẽ giúp các bé hiểu rõ vấn đề và dễ dàng ứng dụng vào thực tế thông qua những việc tận mắt nhìn thấy, nghe thấy và chạm vào.
Ứng dụng STEAM vào giảng dạy, cô Nguyễn Thị Huyền Chi, giáo viên Trường Mầm non Hoà Nghĩa, quận Dương Kinh đã hướng dẫn học sinh lớp 4 tuổi làm xe chở hàng.
Để các bé thực hành được mô hình, trước hết cô cho các con quan sát đặc điểm, cấu tạo, hình dáng của xe. Các bé biết được bộ phận của xe gồm: bánh xe, thùng có chỗ để hàng... kích thước, tính chất của một số nguyên liệu để làm xe chở hàng, sự di chuyển của xe. Theo cô Chi, đó là những kiến thức Khoa học đơn giản nhất giúp học sinh hình thành tư duy về mô hình chiếc xe.
Trẻ thực hành các kĩ thuật tạo mô hình STEAM. |
Để hoàn thành chu trình sản phẩm, cô trò cần sử dụng một số dụng cụ để hỗ trợ: Kéo, dây thít, súng bắn keo, thước kẻ, thước dây,…ứng dụng kĩ thuật bằng cách tạo ra bản thiết kế, vẽ các bước và tạo ra xe chở hàng từ các nguyên vật liệu. Các con được cô hướng dẫn kỹ thuật ghép, luồn nối ống tạo khung, buộc dây, gắn nối các nguyên vật liệu.
Các bé được rèn kĩ năng trang trí xe đẩy hàng; đo kích thước của xe; đếm bánh xe. Từ các hoạt động, trẻ được rèn kĩ năng ngôn ngữ. Các con được nghe, hiểu, biểu đạt chia sẻ ý tưởng, chia sẻ về sản phẩm tạo ra với cô và các bạn. Kĩ năng hợp tác, hợp tác theo nhóm, kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện được hình thành.
Một chu trình STEM khép kín
Ý thức được tầm quan trọng của giáo dục STEM, đặc biệt trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường THCS Trường Thọ, huyện An Lão đã chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, tích cực khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Trong Ngày hội STEM của ngành giáo dục huyện nhà, sản phẩm của thầy trò nhà trường được lãnh đạo ngành đánh giá cao.
Thầy Bùi Văn Sang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ những vật dụng sinh hoạt đơn giản, những dụng cụ tái chế các em học sinh đã làm nên những sản phẩm vừa đẹp mắt, vừa có tính ứng dụng thực tiễn. Hệ thống đèn chiếu sáng thông minh, nến thơm… học sinh thấy được STEM không phải là cái gì xa lạ mà chính là sự vận dụng kiến thức để làm ra những sản phẩm phục vụ chính cuộc sống, sinh hoạt và học tập cho các em. Dù còn đơn sơ nhưng những từ sản phẩm làm ra sẽ thúc đẩy tư duy sáng tạo, tạo hứng khởi và ươm mầm cho các em có tư duy lớn hơn trong tương lai.
Là một trong những địa phương áp dụng hiệu quả giáo dục STEAM và STEM, Phòng GD&ĐT huyện An Lão đã chỉ đạo, triển khai các hình thức giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện qua các môn học và các hoạt động giáo dục theo mô hình nhóm, lớp hoặc hoạt động trải nghiệm có sự tham gia của học toàn trường.
Nhóm học sinh của Trường THPT An Dương vừa vô địch Cuộc thi sáng tạo Robot 2023 do Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức. |
Nói về STEM, thầy Nguyễn Văn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Dương, huyện An Dương tự hào chia sẻ, trong cuộc thi sáng tạo Robot 2023 toàn thành phố vừa qua, CLB Robotic của nhà trường đã vô địch. Điều này minh chứng cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hoạt động giáo dục của nhà trường, đặc biệt là STEM đã đi đúng hướng. Từ những năm 2016, THPT An Dương đã có những sản phẩm giải thưởng cao và lan toả phong trào đam mê nghiên cứu khoa học trong giáo viên, học sinh toàn trường qua các năm học.
Em Phan Thế Khôi, lớp 11B5, nhóm trưởng nhóm Robotic của Trường THPT An Dương chia sẻ, em là người phụ trách lập trình và phân công cho các thành viên khác, lắp ráp. Ban đầu nhóm em trục trặc lập trình, sau đó qua gợi ý của thầy, các thành viên tự mày mò trên mạng, quan sát các sản phẩm STEM trước đó để có thêm kinh nghiệm, kiến thức. Qua nhiều lần thử sai và cuối cùng chúng em cũng cho ra sản phẩm của chính mình.
Sản phẩm sáng tạo của CLB Robotic Trường THPT An Dương. |
Em Nguyễn Anh Dũng, lớp 10C3 cho hay, AD Network - sản phẩm vô địch cuộc thi sáng tạo Robot 2023 tại Hải Phòng được sáng tạo trong khoảng thời gian 1,5 tháng. Về hình thức sản phẩm của các em rất giống với nhiều Robot khác tại cuộc thi. Tuy nhiên, AD Network có nhiều khả năng tự động hơn.
Phan Thế Khôi cho rằng, thành công từ cuộc thi thôi thúc em sáng tạo và CLB hứa hẹn sẽ có thêm những sản phẩm chất lượng tham gia các cuộc thi lớn hơn. Tương lai, Khôi cũng dự định sẽ học ngành Công nghệ thông tin để viết tiếp ước mơ trở thành lập trình viên giỏi trong tương lai.
Việc từng bước đưa giáo dục STEM vào trong các nhà trường đã mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, khuyến khích phát huy năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh. Do đó, giáo dục STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường để góp phần tích cực đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.