Giải quyết vấn đề mới cần quan niệm và cách tiếp cận mới
Khẳng định khi triển khai cái mới sẽ không thể có được thành công ngay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lưu ý cần nhìn nhận, việc chưa thành công đó là do bản thân người triển khai thực hiện chưa quen, chưa tốt, hay do mô hình đó chưa phù hợp.
“Nếu chỉ vì làm chưa quen, thấy khó khăn mà nói mô hình này, mô hình khác không làm được, việc đó rất nguy hại và không thể triển khai được cái gì mới. Bởi cái mới nào khi triển khai cũng sẽ có khó khăn ban đầu” – Thứ trưởng Hiển phân tích.
Từ quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, một số quan niệm, cách nhìn nhận vấn đề phải thay đổi. Ví dụ như quan niệm về chất lượng giáo dục không chỉ có kiến thức mà là phát triển cho học sinh phẩm chất, năng lực, tư duy làm việc, làm việc nhóm… Hay kiểm tra, đánh giá không chỉ đo lường kết quả học tập mà trước tiên là đo lường sự tiến bộ của học sinh.
Khi triển khai cái mới cần phải phát huy tính chủ động, tự nguyện, sự tham gia tích cực của những người tích cực. Những người dù giỏi nhưng không tự nguyện, làm một cách ép buộc cũng khó có thể thành công. Bên cạnh đó, vì là vấn đề mới, cần tạo điều kiện, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn chứ không phải nặng nề, soi mói.
Nhiều địa phương cho rằng, do lực cản từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên rất khó khăn khi triển khai vấn đề mới. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Khi thực hiện đổi mới sẽ tăng cường về cơ sở vật chất, đội ngũ, nhưng không có nghĩa là cứ phải đủ các điều kiện này mới có thể triển khai được cái mới.
“Sĩ số đông vẫn có thể triển khai được học theo nhóm, nhưng việc tổ chức nhóm phải linh hoạt hơn..., đòi hỏi giáo viên phải chủ động, sáng tạo. Việc dạy học cả ngày, nếu nơi nào có đủ điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên thì thực hiện 11 buổi/tuần; nếu nơi nào không đủ thì số buổi ít đi cho phù hợp với điều kiện thực tế… Nói chung, không nên triển khai một cách máy móc mà phải linh hoạt” - Thứ trưởng lấy ví dụ.
Cho biết Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lưu ý thêm: Về quản lý nhà nước, những gì là quy định chung cho tất cả các nơi phải thực hiện giống nhau, đó là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Nếu quy định quá cụ thể, chi tiết sẽ không còn chỗ cho địa phương sáng tạo. Do đó, phải có sự chủ động từ bên dưới.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết năm học điểm cầu Bộ GD&ĐT |
Tìm giải pháp phù hợp, sáng tạo cho từng nội dung đổi mới
Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, Trung học và GDTX báo cáo tổng kết năm học 2015 - 2016, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - cho biết: Năm học vừa qua, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên đã triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua do các cấp, ngành phát động; đổi mới quản lý, kỷ cương nề nếp, sổ sách, ứng dụng CNTT;
Chương trình, kết hoạch giáo dục tiếp tục được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học được tích cực chỉ đạo và thực hiện; đổi mới hình thức tổ chức dạy học; tăng cường đổi mới kiểm tra và đánh giá; phát triển văn hóa đọc;
Cùng với đó, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; tăng cường quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục;
Thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp, giáo dục qua di sản, nhà trường gắn với kinh doanh, giáo dục hòa nhập; phát triển mạng lưới trường lớp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chuyên cấp THPT; tiếp tục thực công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ, giáo dục khuyết tật, giáo dục kỹ năng sống; tăng cường chỉ đạo việc dạy ngoại ngữ.
Từ kết quả đạt được, cùng nhận thức rõ những tồn tại, khó khăn trong năm học vừa qua, nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2016 - 2017 được đặt ra: Toàn Ngành tiếp tục triển khai chương trình hành động của Bộ GD&ĐT thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” và Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”.
Tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng, hiệu quả công tác trong các cơ sở giáo dục trung học. Đề cao tinh thần đổi mới và sáng tạo trong quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục…
Thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực; đổi mới nội dung, phương thức đánh giá học sinh phù hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn…
Tích cực đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học, phân luồng học sinh sau THCS và THPT;
Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về năng lực xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh; năng lực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo;
Vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào mô hình Trường học mới; đổi mới sinh hoạt chuyên môn; nâng cao năng lực của giáo viên chủ nhiệm lớp, tổ chức đoàn đội, hội, gia đình và cộng đồng trong quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh; xây dựng trường trọng điểm điển hình về mô hình đổi mới tại cấp huyện làm trung tâm nguồn để trao đổi, sinh hoạt chuyên môn…
Ý kiến của các địa phương tại hội nghị thể hiện sự đồng tình cao với báo cáo tổng kết năm học 2015 – 2016 và những nội dung lớn của phương hướng nhiệm vụ năm học 2016 – 2017 của Bộ GD&ĐT.
Với tinh thần quyết tâm và chủ động thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát biểu của đại diện các Sở GD&ĐT đều thể hiện nhận thức sâu sắc nội dung cơ bản về đổi mới giáo dục, đồng thời có nhiều chủ trương đổi mới giáo dục trên địa bàn, luôn chủ động tìm ra các nguyên nhân chính dẫn đến các rào cản để tìm giải pháp thực sự phù hợp, sáng tạo cho từng nội dung đổi mới.