Tiếp tục nhiệm vụ kép

GD&TĐ - Năm học 2020-2021 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thế nhưng, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu kép, tự tin bước vào năm học mới.

Hiếm có năm học nào lại “đặc biệt” như năm học 2020 – 2021, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ bản ngành Giáo dục đã đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra; trong đó, có một số kết quả đáng khích lệ chẳng hạn như thành tích học sinh dự thi Olympic quốc tế, với 37/37 học sinh đều đoạt giải (12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen). Đây là những con số biết nói và là minh chứng sinh động cho giáo dục, đào tạo của chúng ta đã và đang đi đúng hướng.

Còn nhớ, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều người dân “đứng ngồi không yên” về việc dạy – học của thầy, trò, thì ngành Giáo dục đã bình tĩnh, chủ động, linh hoạt chuyển sang phương thức dạy - học trực tuyến và thực hiện có hiệu quả phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.

Vì thế các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ và “đứt gãy”. Cũng trong lúc dịch Covid-19 đang ở mức “báo động đỏ”, ngành Giáo dục đã quyết tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, với nhiều phương án, kịch bản ứng phó. Kết quả, Kỳ thi diễn ra thành công, được Chính phủ và xã hội hoan nghênh, ghi nhận.

Năm học 2020 – 2021 cũng là năm học đầu tiên toàn ngành triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1. “Vạn sự khởi đầu nan”, nên ít nhiều thầy – trò gặp những khó khăn trong chặng đường đầu tiên này. Thế nhưng, với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng cùng với tinh thần cầu thị, bước đầu chúng ta đã vượt qua.

Kết quả học tập của học sinh lớp 1 năm vừa qua cho thấy, 100% hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học tập bảo đảm chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Đáng chú ý, học sinh lớp 1 năm học 2020 – 2021, tỷ lệ học sinh lớp 1 cả nước hoàn thành tốt chương trình môn tiếng Việt và Toán năm học 2020 - 2021 cao hơn năm học 2019 - 2020 và tỷ lệ chưa hoàn thành giảm.

Điều đáng được ghi nhận và hoan nghênh là, sau một năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các địa phương đều khẳng định đây là hướng đi đúng đắn và là xu thế tất yếu cần thực hiện. Do đó, hầu hết các địa phương nên đầu tư dồn lực (cả nhân lực, vật lực) trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phía trước vẫn còn là chặng đường dài, với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự quyết tâm của toàn ngành, sự chung tay, hỗ trợ của phụ huynh và xã hội. Song, trên hết là sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Trước mắt, những điều này cần được hiện thực hoá ngay trong năm học 2021 – 2022 khi Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Những kinh nghiệm và kết quả của năm học trước là động lực để thầy – trò cả nước tự tin bước vào năm học mới, với tâm thế chủ động, sẵn sàng thích ứng với thực tiễn khách quan; tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép với mục tiêu: Vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành Chương trình giáo dục đã đề ra; đồng thời tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo. Đây cũng là nội dung chính của Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ