Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhận định: Năm học 2009 – 2010, ngành GD&ĐT cả nước có nhiều chuyển biến trong đổi mới quản lý giáo dục các cấp; đã thực hiện tốt “3 công khai” trong giáo dục, từ đó xã hội đã hiểu, giám sát và chia sẻ những khó khăn của ngành giáo dục.
Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền địa phương 5 thành phố trực thuộc TW đối với giáo dục. Vùng thi đua số VII với 5 thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh là vùng động lực của giáo dục – đào tạo cả nước, đại diện cho giáo dục cả nước về nhiều mặt. Chính vì vậy, những kinh nghiệm cũng như kiến nghị của vùng VII có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều chỉnh hoặc đề ra những chủ trương, giải pháp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ mà ngành đang triển khai thực hiện.
Năm học 2009 - 2010, việc lồng ghép nhiệm vụ năm học cùng triển khai 3 cuộc vận động và phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện của 5 thành phố.
Ngành GD 5 thành phố tiếp tục thực hiện cuộc vận động “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với yêu cầu: thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức nhà giáo, tiếp tục thực hiện nâng cao trình độ tin học, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ để có ít nhất một đổi mới trong giảng dạy, trong quản lý. Phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã thực sự làm chuyển biến một cách đáng kể về CSVC, quang cảnh, môi trường sư phạm trong nhà trường, thầy và trò gắn bó với trường lớp hơn, với các em học sinh đã nhận thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”
Các địa phương đã tổ chức tốt “Tháng khuyến học” và tuyên dương các gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học, xã khuyến học. Sưu tầm xây dựng tủ sách giáo dục kỹ năng sống, xây dựng quy tắc ứng xử nâng cao năng lực công dân cho học sinh. Tổng số trường đã triển khai xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực của 5 thành phố là 4946, trong đó số trường chưa đạt là 121, số trường đạt 267, số trường khá 1288, số trường xếp loại tốt là 2037, số trường xếp loại xuất sắc là 1460.
Các Sở GD&ĐT trong cụm thi đua vùng VII đã quyên góp và ủng hộ giáo dục vùng khó khăn được 10 tỷ đồng, trong đó có 20 tấn áo quần, chăn, sách vở và đồ dùng học tập, 560 bộ sách…
Sở GD&ĐT 5 thành phố đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học. Xây dựng nguồn học liệu mở hỗ trợ giảng dạy và học tập các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đưa lên website của Sở và Bộ GD&ĐT để GV, HS cả nước tham khảo. Hưởng ứng phong trào Mỗi thầy cô giáo 1 bài giảng điện tử đóng góp 1 triệu bài giảng điện tử do Bộ GD&ĐT phát động, đến nay toàn ngành đã thu được hơn 2000 bài giảng điện tử từ các trường gửi lên, đang tổ chức thẩm định. Trong hội thi GV dạy giỏi các ngành học, cấp học, có 85% tiết dạy có ứng dụng CNTT, chỉ đạo mỗi trường THCS, THPT tạo mới mỗi năm ít nhất 5 bài giảng điện tử áp dụng cho từng môn học
Triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục các trường phổ thông và TCCN, chuẩn bị kiểm định một số trường Tiểu học đã hoàn tất đánh giá trong và triển khai chuẩn đánh giá các trường mầm non. Triển khai các bước cho học sinh tham gia chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh quốc tế (PISA)
Tỉ lệ HS bỏ học của 5 thành phố trực thuộc trung ương giao động trong khoảng từ 0,11% đến 0,54%. Bên cạnh thực hiện các biện pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, phụ huynh học sinh; phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội… ngành GD 5 thành phố đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục nâng cao chất lượng giờ dạy, lôi cuốn sự chú ý của HS; tổ chức bồi dưỡng giúp đỡ HS yếu kém bằng nhiều hình thức; đề cao vai trò của GV chủ nhiệm trong việc là cầu nối giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh - xã hội…
Lễ trưởng thành và tri ân của trường THPT Trương Vĩnh Ký (TPHCM) |
GĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng – Trưởng vùng thi đua số VII, ông Đỗ Thế Hùng đại diện cho các Sở GD&ĐT vùng VII nêu những kiến nghị của GD 5 thành phố với Bộ GD&ĐT:
Về vấn đề tài chính: Đề nghị Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn tiêu chí về mô hình trường chất lượng cao và cách thu ở loại hình trường này cho phù hợp theo Nghị định 49. Bộ GD&ĐT và các Bộ ngành liên quan sớm có thông tư hướng dẫn các địa phương cân đối và ban hành khung học phí ở các cấp học theo Nghị định 49. Về chuyển đổi mô hình trường, đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ các tiêu chí về trường tự chủ tài chính. Ngoài ra, Bộ cũng sớm có hướng dẫn về việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.
Các Sở GD&ĐT vùng VII cũng đề nghị Bộ GD&ĐT đưa tiêu chí thi đua về xã hội hóa GD là một nội dung cụ thể. Hiện nay, công tác xã hội hóa GD đang đưa vào chỉ tiêu Kế hoạch, thống kê, đổi mới quản lý tài chính và huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục, trong khi xã hội hóa GD, trên thực tế không chỉ được tính bằng tiền. Về tuyển dụng GV, cần có sự kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Có một thực tế là khi thực hiện thông tư 28 về chế độ làm việc của CBQL tại các trường học (Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần) nên việc đánh giá hiệu trưởng gặp khó khăn, nhất là đối với hiệu trưởng tiểu học. Đặc biệt, việc không quy đổi chấm bài có ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của GV, nhất là GV dạy các môn có số tiết/tuần ít như Giáo dục công dân, Địa lý…
Các Sở GD&ĐT vùng VII cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm triển khai việc thực hiện quyết định số 1400 năm 2008 về chiến lược phát triển dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ GD&ĐT cũng sớm tổ chức đánh giá Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 – 2010 và ban hành quyết định chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2010 – 2010 để các địa phương sớm có căn cứ xây dựng kế hoạch cho phù hợp với chiến lược chung của toàn ngành.
Ngoài ra, về chủ trương tổ chức kỳ thi quốc gia, lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở xét tuyển ĐH, CĐ của Bộ đã được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, việc thực hiện hay không thực hiện kỳ thi này vẫn chưa rõ ràng, theo đề nghị của các Sở GD&ĐT vùng VII, Bộ GD&ĐT sớm trả lời cụ thể bằng văn bản để nhân dân, cán bộ quản lý GD và đội ngũ GV trên toàn quốc được biết.
Ánh Ngọc