Đồng bào sốngtập trung theo cộng đồng làng, thôn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát.
Xác định phát triển kinh tế, là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, từ các chương trình, dự án như 30a, 135, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống điện - đường - trường - trạm. Bên cạnh đó, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo, hỗ trợ giống lúa lai, các chính sách tín dụng, vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào DTTS khó khăn…Qua đó, người dân có điều kiện, động lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5,5%/năm (chỉ tiêu từ 4 - 5%).
Điển hình như ở huyện Vân Canh, huyện đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân. Công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT được chú trọng, giúp bà con nông dân nắm bắt được những phương pháp, kỹ thuật mới trong thâm canh lúa nước, sản xuất rau an toàn, mía, mì cao sản, nuôi bò vỗ béo... Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.
Ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Từ năm 2014 đến nay, nhờ Nhà nước hỗ trợ kinh phí gần 487 tỷ đồng đầu tư thực hiện các chính sách dân tộc, đã góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển. Điều đáng mừng là, từ chỗ số đông bà con còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đã dần chủ động, tự tin, tham gia tích cực vào công cuộc XDNTM; thể hiện ở những việc làm cụ thể như hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp hàng ngàn công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa khang trang, xóm, làng sạch đẹp.
Tương tự, Vĩnh Thạnh trong 5 năm 2014 - 2019, đã đầu tư 494 tỷ đồng thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào DTTS. Có 243 công trình hạ tầng được xây dựng. Các hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống và vật tư sản xuất... Đặc biệt, đến nay đã có 278 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây dựng nhà ở.Ông Đinh Nhé, Phó làng Kon Blo, cho biết: “Các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước được chúng tôi tiếp nhận và hỗ trợ đúng địa chỉ. Vì vậy các hộ nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống. Mỗi năm, làng Kon Blo có 4 - 5 hộ thoát nghèo bền vững”.
Theo ông Trần Quốc Lại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, hiện nay, tất cả các xã thuộc vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định có đường ô tô đến trụ sở UBND xã được nhựa hóa; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn vào các thôn, làng được bê tông hóa; người dân vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, hàng trăm công trình nước sạch phục vụ cuộc sống sinh hoạt của bà con được xây dựng, trạm y tế và trường học được kiên cố...
Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tiến bộ xã hội cũng được vận động thực hiện ở vùng đồng bào các DTTS. Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống xã hội của bà con như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ nhiều, ốm đau không đến cơ sở y tế… đã dần được xóa bỏ. Các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, phát huy.