Nuôi bò hỗ trợ giảm nghèo, hướng đi bền vững cho người dân miền núi

GD&TĐ - Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai đã đem lại hiệu quả ở Thái Nguyên.

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững đã và đang chứng minh hiệu quả rõ rệt, trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững đã và đang chứng minh hiệu quả rõ rệt, trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Trong hành trình giảm nghèo bền vững, việc lựa chọn đúng mô hình hỗ trợ sinh kế đóng vai trò then chốt trong việc giúp người dân tự vươn lên thoát nghèo. Tại xã Phú Đình, một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững đã và đang chứng minh hiệu quả rõ rệt, trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Mô hình hỗ trợ phù hợp, triển khai kịp thời

Năm 2023, xã Phú Đình được lựa chọn triển khai Dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo tại hai xóm đặc biệt khó khăn là Khuôn Tát và Nạ Tẩm. Đây là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Tày sinh sống.

Trong khuôn khổ Dự án, 10 hộ nghèo và cận nghèo đã được hỗ trợ bò cái sinh sản, mỗi hộ nhận 1 con bò giống chất lượng, với mức hỗ trợ từ Nhà nước chiếm tới 95% giá trị con giống, người dân chỉ cần đối ứng 5%.

Ngay sau khi có kế hoạch, chính quyền xã phối hợp với các ban ngành chuyên môn tiến hành rà soát, lựa chọn hộ thụ hưởng theo đúng tiêu chí, đảm bảo minh bạch, công khai. Dự án được triển khai kịp thời, bài bản, giúp người dân sớm tiếp cận với nguồn sinh kế thiết thực.

Không chỉ dừng lại ở việc trao bò giống, Dự án còn chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò sinh sản cho các hộ dân. Người dân được học cách trồng và chăm sóc cỏ làm thức ăn, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, cách phối giống, phòng và chữa bệnh thông thường cho bò.

Đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y của xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tiêm phòng, đặc biệt trong mùa Đông để chống rét cho đàn vật nuôi.

Từ những sự hỗ trợ thiết thực đó, nhiều hộ dân đã có sự thay đổi trong tư duy sản xuất, chăn nuôi. Nếu như trước đây, các hộ thường chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông trong rừng hoặc nuôi không đúng kỹ thuật, thì nay đã biết quy hoạch khu vực chăn nuôi, trồng cỏ, chuẩn bị thức ăn dự trữ và chủ động phòng bệnh cho vật nuôi.

Theo chân cán bộ xã Phú Đình đến thăm một số hộ dân thụ hưởng Dự án tại xóm Khuôn Tát, có thể cảm nhận rõ sự phấn khởi, tin tưởng của người dân vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

giam-ngheo-2.jpg
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và được cán bộ khuyến nông hỗ trợ thường xuyên, con bò của gia đình anh Hoàng Văn Đang phát triển khỏe, mạnh.

Tạo nền tảng vươn lên thoát nghèo

Gia đình anh Trần Đình Túy, người dân tộc Tày, là một trong những hộ dân được nhận bò giống từ Dự án, anh Tuý tích cực tham gia các buổi tập huấn, học hỏi cách chăm sóc bò bài bản. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian, con bò đã sinh thêm một bê con khỏe mạnh.

“Gia đình tôi không có vốn, không có kinh nghiệm, từ khi có bò và được hướng dẫn kỹ thuật, tôi mới dám nghĩ tới việc mở rộng chăn nuôi. Từ 1 con bò giống, giờ nhà tôi đã có 2 con, đây là nền tảng để gia đình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”, anh Tuý chia sẻ.

Tương tự, gia đình anh Hoàng Văn Đang và chị Triệu Thị Nội, cũng đã thấy rõ hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và được cán bộ khuyến nông hỗ trợ thường xuyên, con bò của gia đình phát triển khỏe mạnh và đã sinh bê con.

“Trước kia, chúng tôi nuôi bò theo kiểu truyền thống, thả rông trong rừng, không quan tâm nhiều đến chế độ dinh dưỡng hay tiêm phòng. Giờ được hướng dẫn tận tình, chúng tôi đã biết trồng thêm cỏ, chuẩn bị thức ăn tinh, xây dựng chuồng trại, và bảo vệ bò khỏi thời tiết khắc nghiệt. Hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt”, anh Đang cho biết.

Có thể thấy rằng, việc triển khai Dự án chăn nuôi bò sinh sản đã tác động tích cực đến đời sống của các hộ dân nơi đây, tạo điều kiện để người dân có thêm sinh kế, nâng cao thu nhập.

Không chỉ dừng lại ở việc giảm nghèo trước mắt, mô hình còn được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước hình thành các tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chính quyền địa phương cũng đang tích cực vận động, hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình, chuyển đổi từ chăn nuôi tự phát sang chăn nuôi có định hướng, có kỹ thuật và quản lý tốt dịch bệnh. Với sự đồng hành sát sao của chính quyền, các cơ quan chuyên môn và sự hưởng ứng tích cực của người dân, mô hình đã tạo được niềm tin và sự lan tỏa rộng rãi.

Dự án chăn nuôi bò sinh sản không chỉ đơn thuần là hỗ trợ con giống mà còn là bước khởi đầu quan trọng giúp người dân nghèo có động lực và điều kiện phát triển kinh tế. Từ những hộ nghèo đơn lẻ, đến nay nhiều hộ tại địa phương đã bắt đầu vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thành công của mô hình tại xã Phú Đình là minh chứng cho hiệu quả của chính sách hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, đồng thời cho thấy vai trò quan trọng của sự đồng hành giữa Nhà nước, chính quyền và người dân trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ