Lan toả niềm vui 'an cư' cho hàng nghìn gia đình nghèo ở Thái Nguyên

GD&TĐ - Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát lan tỏa mạnh mẽ ở Thái Nguyên, thắp lên hy vọng, mang đến niềm tin cho người dân về một tương lai ấm no, hạnh phúc.

Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, một chủ trương lớn, giàu tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hàng nghìn ngôi nhà mới được khánh thành và đưa vào sử dụng không chỉ giúp người dân yên tâm an cư, mà còn là điểm tựa vững chắc để họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngôi nhà mơ ước giữa đời thường

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Phùng Thị Liên tại tổ dân phố Tiên Phong, thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai (nay là xã Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Căn nhà cấp 4 khang trang được xây dựng xong, sơn còn mới thơm nức. Bên hiên nhà, chị Liên tươi cười đón khách, gương mặt rạng rỡ đầy niềm vui xen lẫn xúc động.

Chị Liên chia sẻ: “Căn nhà này là mơ ước bao năm nay của cả gia đình. Trước kia, mẹ con tôi sống trong ngôi nhà gỗ tạm bợ, trời mưa thì dột, trời lạnh thì gió lùa. Mỗi mùa mưa bão đến là thấp thỏm lo âu. Giờ có nhà mới rồi, tôi không còn phải thức trắng đêm vì sợ gió lật mái nữa”.

Gia đình chị thuộc diện cận nghèo, ba mẹ con, bà cháu sống nương tựa vào nhau. Nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào công việc phụ hồ bấp bênh của người con trai. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, khiến chị Liên không dám mơ đến một căn nhà vững chãi.

Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương với kinh phí 60 triệu đồng, cộng thêm sự cố gắng, đối ứng của gia đình, căn nhà có diện tích hơn 80m2 đã hoàn thiện chỉ trong vài tháng.

“Mấy đêm nay tôi không ngủ được vì vui quá. Cứ nghĩ đến việc được dọn vào ở trong căn nhà mới, lòng lại rưng rưng. Tôi cảm ơn chính quyền, cảm ơn những tấm lòng đã giúp đỡ gia đình tôi có được mái ấm nghĩa tình như hôm nay”, chị Liên xúc động nói, lau nhanh giọt nước mắt hạnh phúc.

anh-la-van-than-trong-qua-trinh-xay-dung-can-nha-moi-duoc-ho-tro.jpg
Anh La Văn Thân trong quá trình xây dựng căn nhà mới được hỗ trợ.

Lan tỏa yêu thương đến từng bản làng xa xôi

Không riêng gì chị Liên, nhiều hộ gia đình khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đã và đang đón nhận niềm vui tương tự.

Tại xóm Đồng Dong, xã La Hiên, gia đình anh La Văn Thân cũng đã hoàn thiện xong căn nhà, vừa kịp dọn vào nhà mới trước mùa mưa.

Anh Thân thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng quanh năm làm nương rẫy, thu nhập thấp và không ổn định. Ngôi nhà sàn bằng gỗ cũ nát không còn đảm bảo an toàn. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương với kinh phí 62 triệu đồng, anh mạnh dạn vay mượn thêm để xây căn nhà cấp 4 rộng 80m2 kiên cố và an toàn.

Anh Thân bộc bạch: “Từ nay gia đình tôi có thể yên tâm lo cho các con ăn học, không còn lo nhà dột, gió lùa mỗi khi mưa bão. Đây thực sự là nguồn động lực lớn để chúng tôi phấn đấu, vươn lên thoát nghèo”.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong năm 2025. Chương trình này không chỉ góp phần đảm bảo an sinh xã hội mà còn thể hiện sâu sắc tinh thần “lá lành đùm lá rách”, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc.

Cùng với sự hỗ trợ về nhà ở, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng các chương trình hỗ trợ sinh kế, khuyến nông, dạy nghề... nhằm giúp người dân từng bước tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ sau khi có nhà ở ổn định đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, chăn nuôi, mở rộng sản xuất nhỏ lẻ và bước đầu có thu nhập ổn định.

Niềm vui “an cư” đang lan tỏa khắp các thôn bản vùng cao Thái Nguyên, mở ra những niềm vui mới cho hàng nghìn gia đình nghèo. Không còn những mái nhà xiêu vẹo trước gió, không còn những đêm thức trắng vì dột nát, người dân giờ đây đã có thể mơ về một tương lai tươi sáng hơn.

Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát chính là minh chứng sống động của chủ trương đúng đắn, nhân văn, thiết thực của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, bằng sự quyết tâm chính trị và tinh thần nhân ái lan tỏa từ cộng đồng, hàng nghìn mái ấm đã được dựng xây, khởi nguồn cho những hành trình “an cư, lạc nghiệp”, bền vững và tràn đầy hy vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ