Tọa đàm do Trường THPT Chuyên KHXH&NV phối hợp cùng Viện Ngôn ngữ và Văn hoá Phương Đông, Quỹ Phát triển Khoa học Datashi tổ chức. Tham dự có đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo, thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Chuyên KHXH&NV.
Đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHXH&NV cho hay, nhà văn Hữu Đạt xuất bản cuốn sách “Trường ca cuộc chiến mười ngàn ngày” năm 2015. Mới đây, nhà trường đã cho học sinh tiếp cận tác phẩm ở các góc độ khác nhau, trong đó quan tâm đến tiếp cận liên ngành Văn học, Địa lý và Lịch sử. Trường đồng thời tổ chức cuộc thi tìm hiểu về trường ca. Học sinh đã đón nhận hào hứng, hơn 300 bài dự thi, trong đó nhiều bài viết cảm nhận chân thực, hồn nhiên, sâu sắc…
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu trao đổi: “Lịch sử là môn học hay nhưng khó, khô và nhiều học trò sợ. Vấn đề là chọn cách tiếp cận nào cho học sinh. Dạy học tích hợp liên môn, gắn Lịch sử với thơ ca không chỉ trang bị cho học sinh khối lượng kiến thức đa dạng, sâu rộng mà còn khiến môn học trở nên hấp dẫn. Học sinh khi đọc “Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày” sẽ cảm nhận đa chiều từ Lịch sử, Ngữ văn đến Địa lí...
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên KHXH&NV (trái) cùng PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông (phải) tác giả cuốn sách "Cuộc chiến mười ngàn ngày" |
PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV khẳng định thành công cuốn sách sau 8 năm ra đời khi ghi nhận cộng đồng, các cơ sở giáo dục đào tạo, học sinh… đón nhận, yêu thích.
Minh chứng cho sự thành công này, PGS.TS Trịnh Cẩm Lan cho rằng khi tiếp cận trường ca, học sinh sẽ cảm nhận tác phẩm được nhìn bằng góc độ văn chương, lịch sử và địa lý. Ẩn sâu dưới bề mặt ngôn ngữ là tri thức Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý với rất nhiều khía cạnh khác của xã hội đang vận hành được phản ánh. Giáo viên, học sinh tiếp cận liên môn sẽ bóc tách được các lớp, chiều cạnh khác nhau để thấy tác phẩm đẹp, ý nghĩa thế nào.
“Nhà trường có hướng đi, phương pháp tiếp cận mới giúp học sinh có thêm khám phá, sáng tạo trong cảm nhận thơ ca. Từ cách nhìn đa chiều, sẽ cho học sinh tư duy linh hoạt, nâng cao khả năng cảm thụ. Phương pháp tiếp cận liên môn cần được lan tỏa rộng rãi và phổ biến hơn trong môi trường GDPT, sao cho học sinh có thể khám phá vẻ đẹp lịch sử qua những trang văn hào hùng, vẻ đẹp của tác phẩm văn chương qua tri thức lịch sử, văn hoá…”, PGS.TS Trịnh Cẩm Lan nhấn mạnh.
PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV trao đổi tại tọa đàm. |
Học trò hứng thú với tiếp cận liên môn Văn - Sử - Địa
Trần Phương Nhi, lớp 10 chuyên Lịch sử, Trường THPT Chuyên KHXH&NV, đại diện nhóm đề tài “Giá trị lịch sử của Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày” trao đổi: Đứng trên góc độ học sinh chuyên Lịch sử, chúng em thấy rõ yếu tố lịch sử được thể hiện thông qua thi ca; Lịch sử không còn là những sự kiện khô khan, khó nhớ mà thay vào đó là chút gì bay bổng, lắng đọng, chứa đựng cảm xúc của những con người trong thời kì đấu tranh gian khổ vì dân tộc.
“Cuộc chiến mười ngàn ngày”, truyền đạt lịch sử thông qua cách tiếp cận, màu sắc mới. Qua những vần thơ, người đọc như được quay trở lại giờ phút hào hùng của thế hệ cha ông, cảm nhận không khí, sức sống thời đại đầy cảm xúc. Đó là những trải nghiệm với lịch sử mà học sinh chưa từng thấy nếu chỉ qua sách, vở thông thường. Trường ca là điển hình cho tính liên môn, liên ngành giữa 3 bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí…
Học sinh bày tỏ hứng thú với tiếp cận liên môn qua tác phẩm. |
Em Đinh Thu Thảo, lớp 10 chuyên Lịch sử cũng chia sẻ: Việc tiếp cận liên môn là xu hướng mới trong dạy và học theo Chương trình GDPT 2018, phù hợp với sự phát triển của thời đại, góp phần tối ưu hóa việc dạy và học, tạo điều kiện cho sự phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
Nghiên cứu trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày”, tác giả Hữu Đạt, chúng em được tiếp cận cách học Lịch sử mới. Cuốn sách được viết dưới dạng trường ca cùng sự sáng tạo của “dáng thơ hình họa” - đây là cách trình bày giúp học sinh dễ hiểu, nắm được nội dung chính của kiến thức lịch sử, dễ nhớ, dễ thấm… khiến môn sử không còn nhàm chán. Truyền tải tri thức lịch sử qua dạng thơ ca, kết hợp giữa văn học và lịch sử giúp phát huy tính chủ động, năng lực tư duy sáng tạo để học lịch sử hiệu quả.
Trần Phương Thảo, lớp 12 Văn trao đổi: "Chúng em hiểu cuộc chiến mười ngàn ngày đã lùi xa nhưng vẫn còn đó những mất mát, sự hi sinh; thế hệ hôm nay đang được hưởng những điều tốt đẹp, năm tháng hòa bình mà cha anh đánh đổi bằng biết bao máu xương gây dựng.
Cảm ơn nhà thơ Hữu Đạt đã cho chúng em thật nhiều cảm xúc. Ở giờ Văn, Lịch sử hay Địa lí, chúng em vẫn cảm thấy tự hào và hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc… Được nhìn lại lịch sử qua những thước phim, trang văn càng thêm tự hào và thầm hứa sẽ sống có ích với bản thân, gia đình, đất nước, giữ thành quả cha anh trong cuộc chiến mười ngàn ngày đã để lại cho thế hệ trẻ hôm nay."
Còn em Trịnh Đại Nghĩa, lớp 12 chuyên Địa trao đổi: "Dưới góc độ học sinh chuyên Địa, em nhận thấy hoàn toàn có thể tiếp cận môn học Địa lý từ cách ghi nhớ những trang thơ gắn với vùng đất, con người trong trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày”. Với cách học này, môn Địa lý chẳng bao giờ chỉ là những con số khô khan mà thậm chí rất có hồn. Nắm chắc môn Địa lý, là hình thành cho mình một hướng tiếp cận học tốt cả Ngữ văn và Lịch sử..."
TS Hoàng Hồng Nga, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Chuyên KHXH&NV cũng khẳng định, “Cuộc chiến mười ngàn ngày” của PGS.TS, nhà thơ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học Hữu Đạt là một kênh đưa lịch sử vào bài giảng nhưng lại đầy ý thơ và đẫm chất địa lý.
Đối với học sinh, môn Lịch sử vốn được xem là môn học khó, khô khan. Do đó dạy Lịch sử ra sao cho học sinh thích, dễ học là vấn đề bức thiết. Trong hướng tìm tòi cách dạy, cách học, thầy cô và học trò trường Chuyên KHXH&NV đã tìm thấy cuốn trong “cẩm nang” trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày”…
Tọa đàm thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhà khoa học, giáo viên, học sinh. |
"Tác phẩm góp phần giáo dục tinh thần tự hào truyền thống dân tộc, truyền thống được viết bằng “máu và hoa”. Từ đó học sinh hiểu rằng những gì mình được hưởng trong hiện tại đã phải đánh đổi bằng sự hy sinh, chiến đấu của cha ông và bản thân cần làm gì để xứng đáng với các bậc tiền nhân. Sau này học sinh đi đến đâu cũng có ý thức tự tôn dân tộc, quảng bá hình ảnh Việt Nam hào hùng, nhưng đầy xúc cảm, tình người và tính nhân văn", TS Hoàng Hồng Nga
Điều ngạc nhiên, các thuật ngữ lịch sử vốn khô khan, khó nhớ đã được diễn đạt chính xác nhưng mềm mại, uyển chuyển, dễ nhớ, dễ thấm. Mỗi trang viết đều được giáo viên, học sinh say mê đọc bởi trong đó không chỉ chứa Sử mà trở xúc cảm rất thật, hiện lên rưng rưng trong từng dòng về mẹ, ngôi làng, tấc đất quê hương… Nó như chất dẫn điện khiến người đọc không thể không xúc động, bồi hồi.
Tác phẩm được Hữu Đạt trau chuốt không chỉ nội dung, ngôn từ, cảm xúc mà còn có một sự “độc và lạ” về hình thức biểu hiện. Đó được gọi là viết Sử bằng thơ và hình họa. Không phải ai cũng làm được như thế nếu không xuất phát từ một nhà khoa học luôn trăn trở, tìm tòi sự sáng tạo.
Về giá trị, tác phẩm trở thành tư liệu hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho giáo viên và học sinh trong các môn học Lịch sử, Ngữ văn và Địa lý. Giúp học trò đến với kiến thức lịch sử một cách mềm mại, gần gũi, thơ và cảm, xây dựng nền móng kiến thức nền tảng xã hội, định hướng nghề nghiệp tương lai. Tác phẩm góp phần truyền cảm hứng cho học sinh đã thích sử càng mê hơn; chưa thích sử sẽ thích hơn. Và khi đọc sẽ ngấm rồi mê.
Bà Nguyễn Thị Nhường (trái) thay mặt Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông trao 3 suất học bổng IELTS trị giá 45 triệu cho học sinh Trường THPT Chuyên KHXH&NV. |
Tại tọa đàm, Trường THPT Chuyên KHXH&NV đã tổng kết Cuộc thi tìm hiểu Trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” theo hướng tiếp cận liên môn Ngữ văn - Lịch sử - Địa lí. Tổng cộng 23 giải thưởng đã được trao cho học sinh. Bao gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích và 10 học sinh được nhận sách do nhà thơ Hữu Đạt trao tặng vì những thành tích đạt được trong cuộc thi. Ngoài ra, 3 học sinh của trường cũng được tặng thưởng 3 suất học bổng khoá học IELTS của Viện Nghiên cứu Văn hóa phương Đông phối hợp cùng Trung tâm Avion English tài trợ, mỗi suất trị giá 15 triệu đồng.