Giáo viên “ấm lòng” khi Bộ trưởng chỉ đúng, trúng thực trạng dạy học môn Lịch sử

GD&TĐ - Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (11/11), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nêu những nhận định, đánh giá về thực trạng dạy học môn Lịch sử hiện nay trong trường phổ thông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dõi phần trả lời của Bộ trưởng, nhiều giáo viên cho biết cảm thấy ấm lòng và gửi niềm tin Bộ GD&ĐT sẽ có điều chỉnh phù hợp để giúp học sinh thêm yêu lịch sử.

Sẽ đổi mới cách dạy môn Lịch sử

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) về giải pháp đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Liên quan đến môn Lịch sử, đây và vấn đề chuyên môn khá sâu trong việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Qua theo dõi cho thấy việc này được nói nhiều trên các diễn đàn, thời kỳ trước đã đề cập và đến nay vẫn có một thực tế là điểm thi môn Lịch sử so với một số môn khác còn thấp và tình trạng học sinh không ham thích, học Lịch sử có tính chất đối phó. Đây là vấn đề Bộ GD&ĐT rất suy nghĩ.

Theo Bộ trưởng, tất cả chúng ta đều biết, Lịch sử là môn học quan trọng, cho ta những hiểu biết xã hội, kinh nghiệm sống, giúp tu dưỡng phát triển con người, hiểu biết về đất nước, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. Đất nước ta có lịch sử hào hùng, có nhiều điều các thế hệ sau tự hào về thế hệ trước. Vậy nhưng, tại sao học sinh không hứng thú với môn học này, điểm thi thấp. Nguyên nhân có lẽ nằm ở cả việc tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá.

Bộ trưởng nêu: Hiện việc dạy Lịch sử vẫn thiên về sự kiện, số liệu; theo đánh giá thì chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh trong việc học. Việc kiểm tra, đánh giá, thi Lịch sử vẫn chỉ chú ý vào mốc, số liệu, ngày tháng, sự kiện mà chưa quan tâm nhiều đến tư duy, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử.

Bộ trưởng khẳng định thời gian tới, Bộ sẽ đổi mới cách dạy môn Lịch sử. Trong Hội nghị tổng kết và giao nhiệm vụ năm học 2021- 2022, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục về việc lên phương án đổi mới dạy và học môn Lịch sử; hướng sẽ là tăng cường tính sáng tạo của học sinh; không áp đặt cách hiểu đối với môn Lịch sử.

“Nếu học sinh có ý kiến khác trong cảm nhận đánh giá thì cần trao đổi để các em nhận thức đúng. Khi thi, kiểm tra thì không đánh đố bằng các con số, về việc nhớ ngày tháng, các con số, địa điểm, địa danh, sự kiện... Đây là việc lớn, có tính chất chuyên môn sâu và Bộ sẽ có kế hoạch để triển khai trong thời gian sớm nhất"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Nhiều giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử
Nhiều giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử

Nhiều giáo viên "ấm lòng"

Theo dõi các thông tin Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời sáng nay, đông đảo thầy cô giáo dạy Lịch sử đã rất hứng thú, cho rằng đây là tín hiệu tốt, là niềm vui đối với những giáo viên dạy Sử.

Thầy Trần Trung Hiếu- Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nêu quan điểm: Nhiều năm qua, việc dạy học môn Sử có nhiều chỗ không được như ý. Điểm thi Lịch sử không cao so với tương quan của nhiều môn thi khác.

Bộ trưởng đã nói đến thực trạng của môn Lịch sử, thực trạng việc dạy học môn Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay. Về giải pháp, Bộ trưởng cũng đã có sự chỉ đạo: Cần phải có nhiều sự thay đổi trong việc dạy học môn Sử trong trường phổ thông hiện nay.

Giải pháp đầu tiên Bộ trưởng nêu là thay đổi phương pháp dạy học Lịch sử, làm cho học sinh yêu Sử hơn, không nhồi nhét kiến thức khiến học sinh sợ học môn Lịch sử, ngại môn sử, lười học sử, dẫn đến điểm thi Lịch sử không cao.

Giải pháp thứ hai Bộ trưởng nhắc là trong khâu ra đề thi môn Lịch sử cần phải đổi mới để tránh những kiến thức bắt học sinh phải làm theo kiểu làm bài thi nhưng sa vào việc trình bày những kiến thức chi tiết, cụ thể như trình bày sự kiện lịch sử theo ngày, tháng, năm…

Những giải pháp Bộ trưởng nêu ra cũng là điều nhiều thầy cô đang trăn trở. Chỉ đạo của Bộ trưởng cũng giúp đội ngũ thầy cô giáo dạy môn Lịch sử “thấm”, cảm thấy "ấm lòng". Bộ trưởng đã gợi hướng một số điều chỉnh trong thời gian tới như cách ra đề thi. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy, làm môn Sử trở nên hay hơn, thuyết phục hơn, làm cho học sinh không sợ Sử, không chán Sử.

Cô Nguyễn Thị Tuyết- giáo viên Trường THPT Xuân Khanh (Hà Nội) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng đã nêu trúng vào vấn đề. Bộ trưởng cho rằng điểm thi môn Lịch sử so với một số môn khác còn thấp, có tình trạng học sinh không ham thích, học Lịch sử, đó là thực trạng đúng.

Bộ trưởng cũng đề ra một số giải pháp rất cụ thể để nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử như tăng cường tính sáng tạo của học sinh; không áp đặt cách hiểu đối với môn Lịch sử… "Đó là điều thú vị mà tôi và nhiều đồng nghiệp có cảm thấy ấm lòng vì Bộ trưởng thấy thực trạng các môn học hiện nay thì môn Sử thường nóng trên các diễn đàn"- cô Tuyết nói.

"Những năm nay nhiều học sinh đã chọn Lịch sử làm môn thi tốt nghiệp THPT nhưng kết quả so với tương quan nhiều môn khác điểm chưa cao. Số học sinh chọn đã tăng nhưng kết quả điểm thi chưa xứng với sự gia tăng đó. Thầy cô, phải thẳng thắn nhìn thực trạng để từ đó đưa ra những giải pháp từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay" - Cô Nguyễn Thị Tuyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ