Tiếp bài "xóm ổ chuột" ở Lào Cai: Chậm giải phóng mặt bằng vì... chưa có con số?

GD&TĐ - Hơn 10 năm nhưng cơ quan chuyên môn vẫn chưa đo xong một thửa đất, vì thế, dự án KĐT mới tại tổ 24A-26B, phường Duyên Hải vẫn chưa thể giải phóng hết mặt bằng. Hàng chục hộ dân vẫn khổ sở trong một "xóm ổ chuột".

Bãi đất trống là phần san gạt còn dang dở dù dự án đã quá hạn gần 2 năm trời nay.
Bãi đất trống là phần san gạt còn dang dở dù dự án đã quá hạn gần 2 năm trời nay.

Mỗi lần một con số...

Như Báo GD&TĐ đã phản ánh, đến tháng 8/2020, dự án khu đô thị mới tại tổ 24A-26B, phường Duyên Hải, TP Lào Cai đã phải hoàn thành và bàn giao, song đến nay vẫn “nham nhở” vì chưa giải phóng được mặt bằng. Gia đình nhà ông Nguyễn Khắc Hải là một trong số các hộ còn đang vướng mắc, chưa thể giải phóng để nhường đất cho dự án.

Trong quá trình làm việc, ông Nguyễn Trọng Đoan – Chủ tịch UBND phường Cốc Lếu - đã khẳng định: “Gia đình ông ấy đã phối hợp, nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất rồi. Tuy nhiên, do diện tích ngoài thực địa và diện tích trong giấy CNQSD đất khác nhau nên chúng tôi đã làm tờ trình, trình UBND thành phố thu hồi và hủy giấy CNQSD đất đã cấp trước đó”.

Theo thông tin chúng tôi có được, từ năm 2017 – 2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Lào Cai đã 6 lần gửi công văn đến gia đình ông Hải, song mỗi lần thửa đất của ông lại có một diện tích khác nhau, cụ thể như sau: Lần 1 là 20.098m2; lần 2 là 23.906m2; lần 3 là 20.001,5m2; lần 4 là 12.954,2m2; lần 5 là 23.906m2 và lần thứ 6 giống lần 2. Trong khi, theo ông Hải, diện tích thực tế của gia đình là 25.911,2m2.

Giống câu chuyện của gia đình ông Hải, trường hợp hộ ông Trần Văn Chấn cũng có những vướng mắc tương tự. Nhà ông Chấn đã có Quyết định thu hồi đất từ năm 2018. Đến năm 2020, gia đình ông lại nhận được Quyết định thu hồi Quyết định cũ của UBND thành phố Lào Cai. Lý do được đưa ra là không thống nhất được phương án đền bù.

Theo hồ sơ của Trung tâm Quỹ đất thành phố Lào Cai, đất của hộ ông Chấn đang chồng chéo với đất thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ.

“Hơn 40 năm nay, gia đình tôi sinh sống, trồng cấy ở đây. Rừng của nhà tôi có hàng rào ranh giới, không có tranh chấp với Ban Quản lý rừng hay hàng xóm bao giờ. Nhưng khi đo đạc, đền bù thì họ bảo phần đất rừng trên đây của nhà tôi là đất rừng 661”, ông Chấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Hải cung cấp thông tin cho phóng viên.
Ông Nguyễn Khắc Hải cung cấp thông tin cho phóng viên.

Mua đất để ở chứ không phải “sống – chết” cùng doanh nghiệp...

Theo thông tin chúng tôi có được, người dân muốn mua đất của dự án trên phải ký kết “Hợp đồng thỏa thuận góp vốn đầu tư” với doanh nghiệp. Họ cũng chưa biết bao giờ mới có mặt bằng để xây nhà. Có người sau khi mua đã phải “bán tháo”.

Không ít người đang quan ngại về việc hạ tầng kỹ thuật chưa được hoàn thiện như hiện nay. Anh Nguyễn Phương Văn (người dân ở TP Lào Cai) đã từng tham gia mua đất tại dự án nói trên.

Anh Văn bày tỏ: “Mặt bằng thì chưa rõ ràng, đường điện, đường nước còn chưa có, địa thế lại không đẹp, quan trọng nhất là không biết đến bao giờ mới có bìa đỏ. Hợp đồng mua nhà đất không có, khi mua thì chỉ được được doanh nghiệp ký cho Hợp đồng thỏa thuận góp vốn đầu tư. Thấy không yên tâm, nên nhà tôi mua đất năm 2019, đến năm 2020 phải “bán tháo””.

“Nếu như mình góp vốn vào doanh nghiệp, tức là sẽ sống chết cùng họ, trong khi tôi chỉ có nhu cầu để ở. Hơn nữa, dự án này kéo dài lê thê, chẳng biết có hoàn thành được hay không(?). Nếu doanh nghiệp phá sản thì tôi sẽ ra sao?” – anh Văn nói thêm.

Bà Đỗ Thị Hiền (TP Lào Cai) là người đi mua đất cho con gái là chị Vũ Thị Liên Phương. Tiền đã nộp đủ, song sau nhiều năm thì mặt bằng của con gái bà vẫn chưa thấy đâu. “Gia đình tôi rất khó khăn, nghĩ đất ở đây rẻ nên tôi mua 1 mảnh cho con gái. Tiền tôi cũng nộp đầy đủ, họ ký cho tôi Hợp đồng góp vốn đầu tư, mà nhiều năm nay lô đất tôi đăng ký mua vẫn chưa có mặt bằng”, bà Hiền chia sẻ.

Khi được trao đổi về thủ tục pháp lý triển khai dự án, ông Cao Xuân Thuật – PGĐ Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh (đơn vị chủ đầu tư) - cho biết: “Việc mua bán đất dự án bằng Hợp đồng góp vốn của chúng tôi là hoàn toàn hợp pháp”.

Luật gia Nguyễn Cảnh Phương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý tỉnh Lai Châu - cho rằng, dự án này chưa thể mở bán bởi điều kiện chưa đảm bảo rõ ràng. Do đó, việc bán – mua vẫn đối diện với nhiều rủi ro.

“Hiện nay, nhiều dự án khi chưa đủ điều kiện mở bán, thường bán đất bằng Hợp đồng góp vốn đầu tư. Hợp đồng này là một sở hữu hình thức đầu tư huy động vốn từ khách hàng, thông qua việc ký hợp đồng để thực hiện dự án đầu tư. Khi dự án hoàn thành đủ điều kiện mở bán, chủ đầu tư sẽ giao lại phần đất cho người góp vốn.

Như vậy, dự án này chưa hoàn thành do chậm tiến độ, điều kiện chưa đảm bảo rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu mở bán, sẽ tạo ra nhiều rủi ro. Có thể do chủ dự án không kiểm soát được vốn đầu tư hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích, hay việc giải phóng mặt bằng chậm vì nhiều lý do bất cập.

Vì thế đã dẫn đến rủi ro cho người góp vốn đầu tư, đồng vốn sẽ không hiệu quả. Trường hợp doanh nghiệp phá sản, người góp vốn đầu tư sẽ gặp nhiều bất lợi, có thể bị mất vốn do không thu hồi được vốn đã đầu tư” – ý kiến của Luật gia Nguyễn Cảnh Phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ