Lào Cai: Dự án chậm tiến độ "đẻ ra" xóm ổ chuột

GD&TĐ - 27 hộ dân ở tổ 13 phường Cốc Lếu (Lào Cai) đang phải chật vật sống trong “khu ổ chuột” suốt nhiều năm nay vì nhường đất cho dự án Khu đô thị mới.

Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh cũng cam kết sẽ bán lại đất để họ tái định cư. Đất ở tạm cũng sắp phải nhường lại vì một dự án khác đang hình thành. Còn người dân thì vẫn mòn mỏi đợi chờ lời hứa...

Nói một đằng, làm một nẻo?

Theo người dân “xóm ổ chuột”, việc thu hồi đất cho Dự án khu đô thị mới tại tổ 24A-26B, phường Duyên Hải, TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) được UBND tỉnh chỉ định Chủ đầu tư là Doanh Nghiệp tư nhân Bình Minh (DN Bình Minh), thực hiện từ 04/4/2011.

Quy mô dự án 33,7 ha. Thực hiện dự án trên, nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa, trong đó có 27 hộ ở tổ 13, phường Cốc Lếu. 27 hộ nói trên đã nhường đất, di chuyển đến một khu đất tạm cách đó không xa sinh sống và chờ dự án hoàn thành để quay trở lại mua đất như cam kết.

Bởi thế, họ từ chỗ có nhà, ao, vườn mà nhiều năm nay thành cảnh tạm bợ, phòng ở ẩm thấp, chật chội. Cái tên của khu dân cư này được họ gọi là “xóm ổ chuột” cũng từ đó.

Khu dân cư này có khoảng 30 căn phòng nhỏ, tường xây bằng gạch ba banh không chát, mái lợp Fibro xi măng, cao chưa tới 3m. Mỗi hộ dân chỉ được ở vỏn vẹn trong một căn phòng rộng chừng 20 - 30m2 bao gồm cả công trình phụ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có những gia đình phải sống trong không gian ấy với 3 thế hệ. Đơn cử như hộ nhà bà Hoa có tới 10 nhân khẩu, cả nhà xoay xở trong không gian 25m2. Mùa mưa thì nước ở bên phía taluy xả vào nhà nên mỗi sáng sớm họ phải đun nước sôi để dội bởi ốc sên bò vào bên trong.

“Nhà tôi có 10 người, ở 3 thế hệ vô cùng chật chội. Đại dịch covid-19 tới, nhà người ta có phòng này phòng kia để cách ly. Còn nhà tôi phải thuê 1 phòng trọ ở nơi khác để làm chỗ cách ly. Cứ ai bị là cho ra ngoài đó ở. Ai khỏi lại về đây. Mà cứ tình hình như này, chúng tôi không biết sống làm sao nữa” – bà Hoa kể.

Chị Nguyễn Thu Hằng cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chị Hằng kể: “Chúng tôi đóng góp đầy đủ ở địa phương, nhưng quyền lợi của chúng tôi không được đảm bảo. Chúng tôi đang sống rất cực khổ. 19m2 ở 3 thế hệ, ở chung cả với chuột bọ, ốc sên như thế này.

Ông Tô Ngọc Liễn (thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai - PV) xuống hứa với chúng tôi là ở tạm 6 tháng đến 1 năm. Giờ 5 năm trời rồi! Cả xóm góp tiền làm chung cái hố ga, mà giờ họ nói lấy chỗ này đi để làm Nhà văn hóa thì chúng tôi biết làm sao đây?” – chị Hằng bày tỏ.

“Khi chúng tôi xuống đây ở, Doanh nghiệp Bình Minh nói là cột điện đã trồng sẵn ở đây. Chỉ cần người dân dọn xuống ở buổi sáng là buổi chiều có đường điện, đường nước sinh hoạt ngay. Nhưng thực tế chúng tôi đã phải ở cảnh đèn dầu và xách nước về sinh hoạt nhiều ngày. Sau đó chúng tôi phải tự đến Điện lực thành phố và cơ quan cấp thoát nước thuê họ lắp đặt về sinh hoạt. 5 năm rồi cột điện vẫn ở đấy, có dây điện đâu” – ông Vũ Văn Chiến cho hay.

“Xóm ổ chuột”hình thành từ năm 2017 đến nay chưa có kế hoạch nhận đất như đã hứa.
“Xóm ổ chuột”hình thành từ năm 2017 đến nay chưa có kế hoạch nhận đất như đã hứa.

“Cơi nới” ngoài chính sách?

“Dự án Khu đô thị mới tại tổ 24A-26B, phường Duyên Hải TP Lào Cai, được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt kết quả lựa chọn Chủ đầu tư là Doanh Nghiệp tư nhân Bình Minh từ 04/4/2011, bằng hình thức chỉ định thầu. Quy mô 33,7 ha; Nguồn vốn do Chủ đầu tư tự huy động. Dự án chia làm 2 giai đoạn: 2010-2013: thống kê đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng về kỹ thuật; 2014 – 2017: Xây dựng hoàn thiện các công trình hạ tầng khác và nhà ở theo quy mô. Ngày 19/1/2017, UBND tỉnh Lào Cai ký Quyết định điều chỉnh chấp thuận đầu tư, thay đổi tiến độ thực hiện từ 60 tháng thành 9 năm kể từ ngày 10/8/2011, tức là đến tháng 8/2020”.

“Đất họ san gạt đến đâu họ bán cho người ta đến đó, còn chúng tôi lại không được mua. Phần đất của chúng tôi ở trước đây, chính là dãy nhà cao tầng và biệt thự kia. Họ bán cho người khác được, tại sao không bán cho chúng tôi?” – chị Vũ Thị Dừng vừa nói vừa chỉ tay về phía khu đô thị mới do DN Bình Minh làm chủ đầu tư.

Theo ghi nhận của phóng viên, ở cạnh “xóm ổ chuột” vừa “mọc” lên một vạch sơn đỏ. Đó được xác định là ranh giới xây dựng Nhà văn hoá Duyên Sơn. Họ dự kiến sẽ ép cọc và xây tường vào đúng đường sơn đã được kẻ sẵn. Nghĩa là còn chưa đến 1m chiều rộng để dành làm lối đi cho các hộ dân.

Mới đây, chính quyền và đơn vị thi công tiếp tục lập 1 biên bản ghi nhận hiện trường trước khi thi công công trình Nhà văn hoá. Trong đó, biên bản nêu rõ hiện trạng sẽ xâm phạm đến công trình của các hộ dân, nhưng sẽ khắc phục ngay để đảm bảo sinh hoạt.

Đồng thời, nội dung biên bản cũng đề nghị người dân phải cam kết tránh xa khu vực thi công, tự đảm bảo an toàn tính mạng. Nếu có vấn đề gì xảy ra, người dân hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Ngọc Đoan – Chủ tịch UBND phường Cốc Lếu cho biết: “Công trình Nhà văn hoá Duyên Sơn” có lấy 1 phần lối đi lại của các hộ. Chỗ sâu nhất là còn khoảng 1m2. Về thông báo của UBND phường thì tôi đã ký, ghi rõ rằng rất chia sẻ với những khó khăn của bà con.

Tuy nhiên, đây là công trình phúc lợi xã hội chào mừng 30 năm tái lập thị xã tỉnh lỵ - thành phố Lào Cai. Trước khi khởi công công trình này, bà con cũng bức xúc nên chúng tôi đã có 1 buổi đối thoại. Sau buổi đối thoại đó bà con tạm thời đồng thuận”.

Nói về lý do hình thành khu nhà tạm trên và hướng xử lý, ông Đoan cho biết thêm: “27 hộ dân này hiện đang làm nhà trên đất công. Các hộ này nằm trong dự án khu đô thị Bình Minh. Theo quy định thì không đủ điều kiện tái định cư.

Thời điểm đó chính quyền các cấp và Doanh nghiệp Bình Minh đã “cơi nới” ngoài chính sách, cam kết bán cho các hộ dân này, mỗi hộ một lô đất trị giá 350 triệu đồng/100m2. Trong khi đợi mặt bằng, thì cho các hộ làm nhà tạm trên đất Nhà văn hoá. Điều này không đúng với quy định pháp luật.

Các hộ dân cũng sai, mà chính quyền cũng sai. Tuy nhiên, chính quyền địa phương sẽ kết hợp với cơ quan chức năng đốc thúc Doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện mặt bằng để bán cho các hộ như đã cam kết”.

Báo Giáo dục & Thời đại sẽ tiếp tục đưa tin.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.