Dự án chậm tiến độ "đẻ ra" xóm ổ chuột tại Lào Cai: Quá hạn gần 2 năm vẫn… nham nhở

GD&TĐ - Sau nhiều lần gia hạn, dự án Khu đô thị mới phường Duyên Hải (TP Lào Cai) được điều chỉnh thời gian từ 5 năm lên 9 năm.

Một số ngôi nhà đã được xây xong và có người ở trong Khu đô thị mới tổ 24A-26B.
Một số ngôi nhà đã được xây xong và có người ở trong Khu đô thị mới tổ 24A-26B.

Tháng 8/2020, doanh nghiệp Bình Minh sẽ phải hoàn thành và đưa vào sử dụng. Song, đến nay tiến độ vẫn đang bị “lụt” dù quá hạn đã gần 2 năm.

Chưa giao đủ mặt bằng

Như Báo GD&TĐ đã phản ánh, “xóm ổ chuột” của 27 hộ dân tổ 13, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) hình thành từ sự thống nhất thỏa thuận và “cơi nới” ngoài chính sách. Sự “cơi nới” này dành cho các hộ dân đã được đền bù giải phóng mặt bằng và sẽ được bốc số lô số thửa để mua đất với giá 3.500.000 đồng/m2. Nhưng rất nhiều năm nay, các hộ dân ở đây vẫn chưa được đáp ứng như cam kết.

Dự án Khu đô thị mới tại tổ 24A-26B phường Duyên Hải được chỉ định cho chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh (DN Bình Minh) từ 4/4/2011. Quy mô 33,7ha. Nguồn vốn do chủ đầu tư tự huy động. Dự án chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ 2010 - 2013: Thống kê đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng về kỹ thuật. Giai đoạn 2 từ 2014 - 2017: Xây dựng hoàn thiện các công trình hạ tầng khác và nhà ở theo quy mô.

Không đảm bảo tiến độ, ngày 19/1/2017, dự án tiếp tục được UBND tỉnh Lào Cai điều chỉnh chấp thuận đầu tư, thay đổi tiến độ thực hiện từ 5 năm lên 9 năm (từ 10/8/2011 - 8/2020) phải hoàn thành toàn bộ đầu tư xây dựng các công trình.

Theo điều chỉnh này, giai đoạn 1 kéo dài đến tháng 8/2018, DN Bình Minh phải hoàn thành toàn bộ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sắp xếp tái định cư, công tác chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

Nhưng theo quan sát của phóng viên, tại khu vực dự án đang thi công có một số ít dãy nhà mới 2 - 4 tầng thuộc tổ 13, 14 phường Cốc Lếu đã được xây xong. Ở đó có người ở, nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đầy đủ. Chưa có đủ cống thoát nước cũng như đường điện, nước sinh hoạt. Nhiều hộ phải tự mắc dây điện chằng chịt từ các cột bên phía mặt đường Điện Biên về để dùng. Nhiều nhà cảm thấy bất an bởi đã về ở được mấy năm rồi, nhưng không biết đến bao giờ mới được cấp bìa đỏ.

Khu vực còn lại của tổ 14, 15, 16 thì chưa có mặt bằng. Toàn bộ mới chỉ đang san gạt và còn nguyên đất rừng. Có nơi còn lô nhô nhiều cột điện cao thế chưa được di chuyển.

Ông Cao Xuân Thuật – Phó Giám đốc DN Bình Minh - cho biết: “Do luật thay đổi và công tác giải phóng mặt bằng còn chậm nên tiến độ dự án chưa đạt yêu cầu đặt ra. Về san gạt và giải phóng mặt bằng đã thực hiện được khoảng 70%. Còn hạ tầng kỹ thuật thì được khoảng 30%. Việc giải phóng mặt bằng chậm do Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện. Đến nay vẫn chưa bàn giao đủ mặt bằng cho chúng tôi”.

Chị Vũ Thị Dừng chỉ tay về phía vị trí đất cũ của mình.
Chị Vũ Thị Dừng chỉ tay về phía vị trí đất cũ của mình.

6 lần thu hồi 1 thửa đất, cho 6 kết quả khác nhau…

“Đối với những hộ dân ở khu nhà tạm, DN Bình Minh vẫn cam kết thực hiện theo kết luận tại Thông báo 84/TB-VPUBND của UBND thành phố Lào Cai. Tức là đối với những hộ dân không đủ điều kiện tái định cư, đủ điều kiện đề nghị doanh nghiệp bán đất, chấp hành nhận tiền và bàn giao mặt bằng trước ngày 1/7/2017, thống nhất giữ giá bán theo cam kết 3,5 triệu đồng/m2” – ông Thuật nói thêm.

Khi được hỏi số 30% mặt bằng chưa san gạt và đền bù giải phóng là lỗi do đâu thì ông Thuật cho hay: “Doanh nghiệp rất mong muốn UBND thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất sớm bàn giao khu đất đó để doanh nghiệp sớm có mặt bằng trả cho các hộ dân ổn định cuộc sống”.

Được biết, vị trí doanh nghiệp đã cam kết bán cho 27 hộ dân “xóm ổ chuột” thuộc phần đất của gia đình ông Nguyễn Khắc Hải ở tổ 16 phường Cốc Lếu. Nhà ông Hải có khoảng hơn 2ha, song đã nhiều năm nay chưa thể giải phóng mặt bằng. Trong khi nhiều hộ đã tự giác nhận đền bù, bàn giao mặt bằng thì nhà ông Hải ở đó.

Ông Nguyễn Trọng Đoan - Chủ tịch UBND phường Cốc Lếu - cho biết: “Đối với hộ nhà ông Hải, chúng tôi vẫn đang trong quá trình thực hiện, chưa cưỡng chế. Gia đình ông ấy đã phối hợp, nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất rồi.

Tuy nhiên, do diện tích ngoài thực địa và diện tích trong giấy CNQSD đất khác nhau nên chúng tôi đã làm tờ trình UBND thành phố thu hồi và hủy giấy CNQSD đất đã cấp trước đó. Ông Hải cũng thống nhất thu hồi theo thực địa.

Phía gia đình ông Hải cho biết: Từ khi thực hiện dự án đến nay, UBND thành phố đã 6 lần áp giá và gửi quyết định thu hồi đất, nhưng 6 lần là 6 con số khác nhau về diện tích và còn khác hẳn so với thực tế.

Thậm chí cán bộ đến đo đếm lúc nào thì bản thân ông Hải cũng không biết. “Diện tích hiện trạng và trên giấy CNQSD đất không giống nhau, tôi đã để họ thu hồi giấy CNQSD đất cũ, để đổi cái mới cho đúng thì mới tính chuyện thống nhất về giá đền bù”, ông Hải nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ