Tiếp bài 'Giới trẻ với hội chứng Telephobia': Tránh để tình trạng kéo dài

GD&TĐ - Dù nhận hoặc thực hiện cuộc gọi điện thoại là việc đơn giản mà ai cũng làm được, nhưng với nhiều người đó là gánh nặng.

Một bạn trẻ đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai) do có các dấu hiệu hoảng loạn quá mức khi nghe tiếng chuông điện thoại. Ảnh: Lâm Ngọc
Một bạn trẻ đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai) do có các dấu hiệu hoảng loạn quá mức khi nghe tiếng chuông điện thoại. Ảnh: Lâm Ngọc

Dù nhận hoặc thực hiện cuộc gọi điện thoại là việc đơn giản mà ai cũng làm được, nhưng với nhiều người đó là gánh nặng. Mắc hội chứng sợ nghe điện thoại, con người rơi vào trạng thái lo âu, thậm chí có người phải nghỉ việc.

tiep bai gioi tre voi hoi chung Telephobia (1).jpg
Do yêu cầu công việc bắt buộc phải nghe điện thoại, chị Phạm Nam Nhi quyết định bỏ việc.

Nghỉ việc vì phải nghe điện thoại

Ngành báo chí là mong ước của bản thân và cũng là kỳ vọng của gia đình Phạm Nam Nhi (25 tuổi, quê Hà Tĩnh). Song, từ khi ra trường đến nay chưa bao giờ Nhi cảm thấy hứng thú với công việc này. Theo Nhi chia sẻ, việc phải nhận quá nhiều cuộc gọi hoặc thực hiện gọi cho người khác để làm bài đều khiến chị cảm thấy căng thẳng.

“Tôi thấy rất lạ khi một số đơn vị đã gửi email. Tôi đã xác nhận nhưng sau đó người phụ trách vẫn tiếp tục gọi điện xác nhận 2 - 3 lần nữa để chắc rằng tôi có đến tham gia sự kiện. Có thể đó là cách chăm sóc chu đáo, nhưng đối với tôi điều này thực sự kinh hoàng. Vì vậy, tôi đã quyết định nghỉ việc và học làm bánh để chuyển nghề”, chị Nhi tâm sự.

ThS Lý Đức Thanh - giáo viên tham vấn học đường Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8, TPHCM) đánh giá, điện thoại rất quan trọng cho cả việc liên lạc với người khác và truy cập các dịch vụ quan trọng hữu ích. Nếu mắc hội chứng ám ảnh và sợ nghe điện thoại sẽ gây căng thẳng, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, gia đình, đồng nghiệp và xã hội.

“Những người mắc hội chứng này sự nghiệp ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Có trường hợp nhiều người làm việc chăm sóc khách hàng được đánh giá năng lực tốt, có tiềm năng. Nhưng khi được luân chuyển qua bộ phận chăm sóc khách hàng, phải làm việc qua điện thoại, họ phải nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực. Thậm chí có bạn phải tìm đến bác sĩ tâm lý để điều trị”, ThS Thanh cho hay.

Nói về nguyên nhân, ThS Thanh nhận định, hội chứng sợ nghe điện thoại có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mỗi khi có cuộc gọi đến hoặc khi cần gọi điện cho ai, người mắc hội chứng này luôn cảm thấy căng thẳng, lo lắng... Đôi khi họ có thể cảm thấy tự ti về giọng nói của mình hoặc không thoải mái khi không thể đọc ngôn ngữ cơ thể của người khác.

Ngược lại, việc nhắn tin cho phép họ dừng lại bất cứ lúc nào mà không phải lo lắng về phản ứng của đối phương. Điều này đặc biệt hữu ích nếu họ cảm thấy dường như người khác không đồng ý hoặc từ chối theo một cách nào đó. Bởi vậy, những yếu tố này có thể làm cho một cuộc gọi điện thoại trở nên đáng sợ đối với những người mắc phải hội chứng sợ nghe điện thoại.

Tâm lý thuộc nhóm rối loạn lo âu xã hội

TS.BS Ngô Tích Linh - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Dược TPHCM nhận định, hội chứng sợ nghe điện thoại được xem là bệnh tâm lý thuộc nhóm rối loạn lo âu xã hội. Biểu hiện rõ nhất của bệnh là trạng thái lo lắng, sợ hãi nằm ngoài tầm kiểm soát của bệnh nhân.

Những triệu chứng cảm xúc của hội chứng lo lắng khi nghe điện thoại có thể bao gồm: Tránh gọi điện hoặc không để người khác gọi điện đến; luôn chậm trễ khi thực hiện hay trả lời các cuộc gọi điện thoại; ám ảnh về những lời đã nói trong cuộc điện thoại; căng thẳng về việc làm xấu hổ của bản thân; lo lắng cho rằng cuộc gọi sẽ làm phiền và những điều sẽ nói ra làm ảnh hưởng đến người khác.

Trong một số trường hợp, nhiều người bị nhạy cảm với âm thanh nên tiếng chuông đột ngột hoặc giọng nói phát ra từ thiết bị làm họ lo lắng. Họ cảm thấy việc phải nghe điện thoại như một sự tra tấn tinh thần, gây tâm lý hoảng sợ.

BS Linh cho rằng, người bệnh không cần né tránh vì có nhiều cách giúp con người vượt qua hội chứng này. Họ có thể tập luyện bằng cách gọi cho một nhà hàng để đặt bàn, đặt đồ ăn, hỏi thăm về giờ mở cửa, đóng cửa… Việc này ban đầu sẽ rất khó khăn, nhưng dần sẽ giúp người bệnh dạn dĩ, không còn thấy sợ hãi nữa.

Nếu việc nói chuyện với người lạ quá khó khăn, người bệnh có thể bắt đầu từ những người thân thiết gần gũi để dần lấy lại sự tự tin bằng những mẩu chuyện ngắn, nhỏ, những câu giao tiếp thông thường đơn giản. Sau khi đã quen với việc nói chuyện với người quen, để giảm và thoát hoàn toàn nỗi sợ nghe điện thoại, người bệnh tiếp tục nói chuyện với người lạ.

Phương pháp trị liệu bằng liệu pháp nhận thức hành vi được áp dụng cho nhiều loại bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, trong đó có hội chứng sợ nghe điện thoại. Thực tế, hội chứng sợ nghe điện thoại rất khó chữa, nhưng vẫn có thể khắc phục được.

Theo chuyên gia y tế, muốn điều trị dứt điểm phải biết rõ nguyên nhân gây nên hội chứng trên từ từng người bệnh. Nếu một người nhận thấy hội chứng sợ nghe điện thoại ảnh hưởng đến giao tiếp cũng như cuộc sống quá nhiều, tốt nhất họ nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

“Một số triệu chứng về sợ nghe điện thoại nằm trong bệnh trầm cảm. Vì vậy, để tránh sự nhầm lẫn, người bệnh cần được tư vấn của bác sĩ. Khi các bác sĩ xác định rõ được nguyên nhân vấn đề xuất phát từ đâu, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn, giúp người bệnh có những kỹ năng để đối phó và chống lại nỗi sợ của bản thân. Tuyệt đối không được chủ quan để tình trạng kéo dài có thể gây nên các bệnh về tâm lý thể nặng hơn như trầm cảm, ngại giao tiếp xã hội…”, BS Linh nhấn mạnh.

Thống kê của trang thông tin Bank my cell (Mỹ) cho thấy, 74% người trẻ chọn nhắn tin. Đây là phương thức được sử dụng nhiều nhất; 75% tránh né các cuộc gọi điện thoại vì chúng tốn thời gian và có đến 81% nói sợ hãi nếu phải thực hiện một cuộc gọi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.