Cần bảo vệ an toàn cho giới trẻ khi điều chỉnh độ tuổi điều khiển xe gắn máy

GD&TĐ - Theo quan điểm chung của nhiều quốc gia trên thế giới, tốc độ tối đa của xe được xem là một tiêu chí quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ATGT.

Học sinh cần được giáo dục kiến thức an toàn khi tham gia giao thông. Ảnh: INT
Học sinh cần được giáo dục kiến thức an toàn khi tham gia giao thông. Ảnh: INT

Để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), hạn chế tối đa các vụ tai nạn thương tâm do trẻ em cầm lái, vấn đề quản lý phương tiện và nâng cao ý thức cho nhóm đối tượng này cần được chú trọng hơn nữa.

Nâng cao ý thức

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia.

Liên quan đến đề xuất Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên hạ từ 16 xuống 15 tuổi được đi xe gắn máy với điều kiện phải có bằng lái. Trao đổi với Báo GD&TĐ, Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, trẻ em là đối tượng cần phải được bảo vệ chặt chẽ và giám sát.

Ở độ tuổi 16, trẻ em đã bước vào năm học cấp 3, đã có những thay đổi về mặt tư duy nhận thức. Còn đối với độ tuổi 15, đa số các em còn học lớp 9, độ tuổi vẫn còn những suy nghĩ bồng bột, chưa thấu đáo.

“Khi các em chưa đủ 16 tuổi cần được bố mẹ đưa đến trường, hoặc nếu em nào trưởng thành hơn có thể sử dụng xe đạp để rèn luyện sức khỏe, hoặc xe đạp điện nếu nhà xa trường. Không nên cho các em dưới 16 tuổi sử dụng xe gắn máy vì loại xe này đã có thể di chuyển với tốc độ không nhỏ, tiềm ẩn một số nguy cơ gây tai nạn nếu không kiểm soát tốt”, ông Chiến chia sẻ.

Trung tá Phạm Văn Chiến cũng cho hay, là một phương tiện cơ giới, việc điều khiển xe gắn máy cũng cần phải được đào tạo cho các đối tượng trẻ em nếu đề xuất được thông qua. Điều này sẽ giúp các em có được những kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc do thiếu kỹ năng điều khiển, thiếu các kiến thức an toàn.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, đề xuất này là hợp lý trong công tác quản lý. Song, theo ông Tạo, ở độ tuổi 15 chỉ nên cho các cháu sử dụng phương tiện xe đạp điện để đảm bảo an toàn.

“Xe gắn máy là phương tiện chạy bằng động cơ có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 50km/h. Những người điều khiển xe 50 phân khối như Honda 50 hay một số xe tương tự, đang có tốc độ cực đại lên đến 60 - 80km/h. Như vậy gọi đây là xe gắn máy không đúng với tinh thần của quy chuẩn về ATGT. Có thể nói, việc quản lý xe gắn máy vẫn còn bất cập”, TS Khương Kim Tạo chia sẻ.

Theo quan điểm chung của nhiều quốc gia trên thế giới, tốc độ tối đa của xe được xem là một tiêu chí quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ATGT. Bất kỳ phương tiện nào chạy bằng động cơ và có tốc độ tối đa theo thiết kế vượt quá 50km/h đều được phân loại là mô tô.

TS Khương Kim Tạo cho rằng, Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định những người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh nhỏ hơn 50 phân khối không cần GPLX. Nhưng với luật mới, chúng ta có thể dùng cụm từ “người điều khiển mô tô phải có GPLX” là đủ. Còn lại là công tác chuẩn mực lại tất cả các phương tiện mô tô được phép tham gia giao thông.

“Siết chặt công tác cấp GPLX không là chưa đủ. Bên cạnh việc cải thiện quy định pháp luật về trật tự ATGT thì vấn đề giáo dục ý thức, nâng cao thái độ khi đi đường cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Dù đã có khả năng điều khiển phương tiện tốt, thuộc quy tắc đi đường, hiểu về pháp luật, nhưng do tuổi hiếu động, nghịch ngợm nên vẫn có trường hợp chở 3, chở 4 rồi lạng lách, đánh võng...”, TS Khương Kim Tạo chia sẻ.

Áp lực từ các trung tâm đào tạo

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM.

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM.

Ở chiều ngược lại, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, việc đưa ra quy định xe máy điện, xe có động cơ dung tích xi lanh dưới 50cc phải có giấy phép lái xe với người 15 tuổi là không cần thiết. Điều này làm tăng thêm thủ tục hành chính cấp phép lái xe.

Theo ông Bình, thống kê thực tế từ các vụ tai nạn giao thông đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, ý thức người tham gia giao thông là chính. Ông Bình lấy dẫn chứng, từ năm 2008, Việt Nam đã có “Luật Giao thông đường bộ” và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính điều chỉnh người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được điều khiển các loại xe có dung tích xi lanh trên 50cc.

Tuy nhiên, giờ tan học tại các cổng trường THCS, THPT có thể dễ dàng thấy học sinh đã điều khiển xe có dung tích xi lanh trên 50cc chở hai, ba người, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng…

“Điều này phản ánh ý thức của một bộ phận phụ huynh đã giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, mặc dù đã có chế tài hình sự, hành chính, bồi thường dân sự đối với người giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn”, luật sư Bình nhận định.

Vị luật sư này đề xuất đưa các nội dung về giao thông đường bộ lồng ghép vào môn Giáo dục công dân như một phần bắt buộc. Qua đó, học sinh được giáo dục kiến thức an toàn khi tham gia giao thông, không cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc các em phải có giấy phép lái xe, phải tham gia sát hạch rồi thêm thủ tục hành chính cấp phép lái xe.

Ngoài ra, luật sư Bình cho rằng, phụ huynh cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc không giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, nhắc nhở con em chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường bộ.

Phụ huynh cũng phải nhận thức được rủi ro khi cho con em tham gia giao thông đường bộ có thể bị tai nạn và phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu gây tai nạn cho người khác.

Đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kết hợp với nhà trường trong việc “nói không với việc để học sinh chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ độ tuổi điều khiển xe quá dung tích xi lanh”.

Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 23 triệu học sinh, trong đó học sinh phổ thông chiếm 30% - 40%. Do vậy, đề xuất áp dụng quy định sát hạch, cấp bằng lái xe dưới 50cc cho đối tượng này cần phải đánh giá được sự cần thiết và tác động đến xã hội.

“Nếu quy định áp dụng nhưng chưa đánh giá được tác động, dẫn đến cú sốc cho các nhà trường, phụ huynh và quá tải cho các trung tâm đào tạo lái xe ở các tỉnh, thành phố thì lại là hệ lụy xấu cho xã hội”, ông Quyền thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.