Giới trẻ với hội chứng Telephobia: Giật mình khi nghe chuông điện thoại

GD&TĐ - Hiện nay, có một thực trạng đáng lo là nhiều người trẻ mắc chứng sợ nghe điện thoại.

Nghe điện thoại đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Ảnh: L.C
Nghe điện thoại đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Ảnh: L.C

Hiện nay, có một thực trạng đáng lo là nhiều người trẻ mắc chứng sợ nghe điện thoại. Họ cảm thấy hoảng hốt khi nghe chuông báo hoặc nhận máy, dù đầu dây đằng kia là ai.

Giật mình nghe chuông báo

Là một nhân viên văn phòng, thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị công nghệ nhưng chị Huỳnh Thanh Mi (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại, dù cuộc gọi đến từ người quen hay lạ, vẫn cảm thấy lo âu, căng thẳng.

“Thông thường tôi sẽ không nghe và chủ động nhắn tin để hỏi xem đối phương có chuyện gì cần hỏi. Đó là lý do vì sao mà gia đình, đồng nghiệp, bạn bè hay chọc tôi rằng số điện thoại của tôi ai cũng có, gọi gặp được tôi không thì hên xui, tâm linh lắm mới gặp”, chị Mi chia sẻ.

Anh Hồ Bá Cương (28 tuổi, ngụ Quận 3) là nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty điện máy tại TPHCM. Công ty yêu cầu tất cả nhân viên trong giờ làm việc phải luôn để chế độ mở cho điện thoại và nghe máy ngay lập tức nếu có cuộc gọi từ lãnh đạo.

“Biết là vậy, nhưng hơn 8 năm nay, tôi chưa bao giờ nghe điện thoại của ai, kể cả là người thân. Tôi thường chuẩn bị tâm lý trước và muốn mình là người chủ động gọi điện. Khi chủ động, tôi sẽ biết mình nên làm gì và giảm bớt cảm giác lo sợ. Tôi biết mình rất cần thay đổi để công việc phát triển hơn, nhưng tôi không làm được. Cảm giác phải nghe điện thoại của người khác làm tôi rất bất an”, anh Cương bày tỏ.

Nhiều người cho rằng, việc sợ nghe điện thoại là do tính cách hướng nội của mỗi người. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ thực tế, vẫn có những người hướng ngoại thường xuyên sợ nghe điện thoại với nhiều lý do khác nhau. Tưởng chừng việc gọi cho nhau ở thời buổi công nghệ hiện nay là điều rất đơn giản, nhưng một bộ phận giới trẻ lại mắc hội chứng sợ nghe điện thoại.

Điện thoại và các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… có chức năng nhắn tin, gọi điện đã thay đổi cách con người trong giao tiếp. Những thiết bị, ứng dụng này có ý nghĩa nhất định, hữu ích đối với mục đích sử dụng của cá nhân hoặc tập thể.

Chúng tạo sợi dây liên kết, gắn kết cộng đồng với nhau dù ở bất cứ đâu. Thực tế, không phải ai cũng sử dụng hết chức năng nghe, gọi, nhắn tin của điện thoại hay các ứng dụng mạng xã hội.

gioi tre voi hoi chung telephobia (1).jpg
Mắc hội chứng sợ nghe điện thoại, anh Hồ Bá Cương chỉ sử dụng điện thoại chủ yếu để chơi game.

Người nghe thì phiền, người gọi thì bực

Bà Nguyễn Thu Thủy (55 tuổi, ngụ Quận 4) thường xuyên bực bội mỗi khi liên lạc với con (là sinh viên của một trường đại học ở TP Vinh, Nghệ An). Bà Thủy nhiều lần nhắc nhở con gái phải tập thói quen nghe điện thoại, dù cuộc gọi đó đến từ ai. Việc nhắc nhở của bà Thủy không thay đổi được cách ứng xử của con gái với “văn hóa nghe điện thoại”.

“Nghe điện thoại không chỉ là hành động bấm máy và trả lời. Đây còn là cách thể hiện phép lịch sự để tránh gây ức chế cho người gọi, nhất là khi người đó có công việc cần trao đổi với con. Nhưng, nói từ năm này qua tháng nọ, 10 lần gọi thì hết 10 lần con gái nhắn tin về hỏi “mẹ ơi có gì không?”. Thực sự, tôi rất muốn thay đổi tính cách này của con để sau ra trường cháu còn đi làm. Giao tiếp tốt dễ xin việc, nhưng rèn mãi vẫn không được”, bà Thủy than thở.

Liên quan đến vấn đề sợ nghe điện thoại, Trần Minh Thương (sinh viên, 22 tuổi, ngụ Quận 8) cho rằng, trước đây nghe tất cả các số điện thoại lạ. Thời gian gần đây, Thương bắt đầu sợ nghe điện thoại vì tần suất xuất hiện các cuộc gọi quảng cáo, mời vay tiền, mời xem đất, mời đi du lịch cùng vô vàn cuộc gọi lừa đảo. Thương hoang mang tột độ với những cuộc gọi kiểu đó. Để tránh bị làm phiền, Thương quyết định để điện thoại ở chế độ im lặng.

“Có hôm đang tắm, điện thoại bỏ ngoài bàn. Khi đổ chuông, mình lật đật chạy ra mà chưa rửa sạch xà bông nên trơn té đập người xuống sàn nhà đau điếng. Ra tới nơi nhấc máy nghe thì gặp ngay bạn tư vấn bán bảo hiểm.

Mình thực sự cảm thấy rất phiền phức, tự nhiên chỉ vì tiếng chuông mà vừa té đau, vừa bực mình. Từ đó về sau, mình không bao giờ nghe điện thoại từ số lạ nữa. Như một thói quen, đến thời điểm hiện tại, số quen mình cũng không nghe”, Thương thông tin.

Thực tế, việc lạm dụng các ứng dụng nhắn tin cũng có thể chính là thủ phạm khiến nhiều người không còn nhu cầu nói chuyện với người khác. Các cuộc thảo luận trên mạng chứa đầy những bình luận. Những cuộc nhắn tin thâu đêm đến sáng, nhưng đa số mọi người đều gặp khó khi nói chuyện điện thoại.

Hiện nay, tình trạng sợ nghe điện thoại rất phổ biến và vẫn chưa có hồi kết. Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, việc lạm dụng các ứng dụng nhắn tin, hẹn hò có thể là thủ phạm khiến nhiều người, nhất là các bạn trẻ không có nhu cầu tương tác bằng giọng nói và ngại trò chuyện qua điện thoại với người khác.

Hội chứng sợ gọi điện thoại (telephobia) là một bệnh tâm lý thuộc rối loạn lo âu xã hội, khiến người bệnh lo sợ, hoảng loạn khi tiếp nhận một cuộc điện thoại. Đây được xem là một loại bệnh tâm lý thuộc nhóm hội chứng sợ giao tiếp xã hội (social anxiety). Một số triệu chứng cảm xúc của hội chứng telephobia gồm: Tránh gọi điện hoặc để người khác gọi điện cho bạn; luôn chậm trễ khi thực hiện hay trả lời các cuộc gọi điện thoại; ám ảnh về những lời mình đã nói trong cuộc điện thoại; căng thẳng về việc làm xấu hổ của bản thân; lo lắng cho rằng cuộc gọi sẽ làm phiền người khác; lo lắng những điều sẽ nói ra làm ảnh hưởng đến người khác…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá máy phiên dịch mới nhất hiện nay 4G Viettel tại vietteldata.vn Lắp chống trộm xe máy ViettelThiết bị định vị gps xe máy VietTrackTổng hợp Gói cước 5G Viettel tại 5gviettel.vnTổng hợp các gói trả sau Viettel Các gói internet Viettel Sim đẹp mệnh giá 3-5tr tại muasim.vn Cửa hàng điện thoại chính hãng, giá tốt Bán iphone 16 sim tam hoa giữa 777 giá rẻ Sim thần tài viettel iPhone X series cũ đẹp như mới iPhone 16 pro Xem cách dịch số điện thoại online cáp quang fpt gói cước các gói đăng ký 4g vinaphone chi tiết