Tiếng vọng tình quê từ Sân khấu Bắc Sơn

GD&TĐ - Tháng 3/2019, Sân khấu “Tình ca Bắc Sơn” do nghệ sĩ Bích Thủy - con gái thứ 9 của cố nhạc sĩ Bắc Sơn thành lập, đã ra mắt tại thị trấn Đức Hòa, Long An. Đây là nơi dành cho các bạn trẻ yêu dòng nhạc mang âm hưởng dân ca đến ca hát cùng nhau thông qua các nhạc phẩm của ông.

Nghệ sĩ Bích Thủy (trái) và chị gái Hạ Châu bên tượng sáp cố nhạc sĩ Bắc Sơn (Ảnh: Khang Thái).
Nghệ sĩ Bích Thủy (trái) và chị gái Hạ Châu bên tượng sáp cố nhạc sĩ Bắc Sơn (Ảnh: Khang Thái).

Sân khấu “Tình ca Bắc Sơn” hoạt động vào những ngày cuối tuần, bên cạnh đó là những chuyến lưu diễn ở các tỉnh thành phía Nam. Ngoài ra, sân khấu này còn tổ chức các đợt biểu diễn phục vụ học sinh, sinh viên với chương trình sân khấu học đường.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, nghệ sĩ Bích Thủy đã tổ chức một tour giới thiệu nhạc âm hưởng dân ca tại các trường học ở TPHCM, gồm: THPT Võ Trường Toản (quận 12); THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10); THPT Tam Phú (quận Thủ Đức)… nhằm đưa dòng âm nhạc này đến gần với học sinh hơn.

Các nghệ sĩ nổi tiếng như Bạch Tuyết, Ngọc Huyền, Thanh Hằng, Bích Phượng... cùng các giọng ca quán quân, á quân của 2 cuộc thi “Tình ca Bắc Sơn” đã cùng tham gia tour diễn.

“Tình ca Bắc Sơn” đến với Trường THPT Phạm Phú Thứ, TP.HCM.

“Tình ca Bắc Sơn” đến với Trường THPT Phạm Phú Thứ, TP.HCM.

Trong 5 năm qua nghệ sĩ Bích Thủy đã thành lập đoàn văn nghệ mang tên “Tình ca Bắc Sơn” nhằm thực hiện theo di nguyện của cha mình, lan tỏa dòng nhạc mang âm hưởng dân ca - trong đó có nhạc của ông - tại các tỉnh thành phía Nam, nhất là ở các vùng nông thôn.

“Tình ca Bắc Sơn” biểu diễn khoảng 10 suất trong tháng, có khi cao điểm lên đến 20 - 30 suất.

“Tình ca Bắc Sơn” đã “rót mật vào tai” nhiều bà con nông dân thông qua các hội thảo của Tập đoàn An Nông, hòa nhịp với học sinh, sinh viên tại các trường học, ấm áp với giới phật tử trong những chuyến từ thiện vòng quanh các chùa, hòa đồng với công nhân Khu công nghiệp Long An và thậm chí “sát cánh” cùng các chiến sĩ nơi vùng sâu vùng xa với 3 show diễn khơi mào cho các chuyến phục vụ hải đảo xa về sau: “Chuyện quê tôi”, “Chuyện nhà nông”, “Bạn nhà nông”.

Trong 2 năm qua cũng đã diễn ra 2 cuộc thi hát “Tình ca Bắc Sơn” rất sôi nổi nhằm tuyển lựa những giọng ca hay hát nhạc của Bắc Sơn, đồng thời cũng là tìm kiếm những tài năng trẻ đi theo dòng nhạc quê hương.

Đáng chú ý, cuộc thi lần 2 (năm 2018) được dành riêng cho đối tượng học sinh, sinh viên. Bởi trước đó, khi tổ chức chương trình “Đưa âm nhạc mang âm hưởng dân ca vào học đường” ở các trường phổ thông, đại học tại TPHCM và các tỉnh lân cận, nghệ sĩ Bích Thủy nhận thấy các em học sinh, sinh viên hát rất say sưa dòng nhạc này, nhất là thuộc nằm lòng nhiều ca khúc của Bắc Sơn.

“Cuộc thi được tổ chức với mong muốn khán thính giả và các ca sĩ biết đến một số tác phẩm âm nhạc chưa được phổ biến nhiều của cha tôi, như: Mùa bông điên điển, Về thăm quê ngoại, Còn nghe thương thầm, Gió đưa bông sậy, Con tư Bến Tre... Tôi cũng hợp đồng với các đài phát thanh và truyền hình Long An, Tiền Giang, VTC16 phát chương trình “Tình ca Bắc Sơn” vào mỗi tháng. Mỗi chương trình khi phát gồm 5 bài, có cũ có mới, từ đó người nghe sẽ tiếp cận được những tác phẩm của cha tôi” - nghệ sĩ Bích Thủy cho biết.

Nguyễn Thị Như Ý, một giọng ca sinh viên được phát hiện từ cuộc thi “Tình ca Bắc Sơn” tâm tình: “Lúc nhỏ, em thích nghe bài Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn nhưng chưa biết nhiều về ông. Đến khi Tập đoàn An Nông của chị Bích Thủy đến trao học bổng và biểu diễn văn nghệ tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, được nghe nhiều ca khúc của nhạc sĩ em biết mới thêm về dòng nhạc của ông. Vì vậy, khi Tập đoàn An Nông tổ chức cuộc thi Tiếng hát “Tình ca Bắc Sơn,” em tham gia ngay và rất vui khi được góp lời ca, tiếng hát của mình đưa âm nhạc của ông đến với đông đảo khán thính giả”.

Nói về việc thành lập Sân khấu Bắc Sơn, nghệ sĩ Bích Thủy chia sẻ: “Tôi trân trọng, quý báu và tự hào với gia sản âm nhạc của cha mình. Với sân khấu và chương trình “Tình ca Bắc Sơn”, mong rằng những nhạc phẩm của cha tôi sẽ mãi vang xa để nhiều khán thính giả cùng thưởng thức và cùng hát. Để không còn nữa những khán giả vẫn nghêu ngao hát em đi trên cỏ non... mà không biết tác giả là ai”.

Nhạc sĩ Bắc Sơn tên thật Trương Văn Khuê, sinh năm 1932 tại Phước Lộc, Long Thành, Đồng Nai. Ông từ trần năm 2005, thọ 74 tuổi. Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã viết khoảng 500 ca khúc nhạc nhẹ, âm hưởng dân ca và 100 vở kịch nói. Ông ghi dấu với những bài hát như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Sa mưa giông, Em đi trên cỏ non, Tháng mấy anh về, Gió đưa bông sậy, Còn thương góc bếp chái hè, Con sáo sậu...

Trong sự nghiệp diễn xuất, ông tham gia khoảng 60 phim điện ảnh. Một số vai của ông được khán giả yêu mến như Sĩ (phim Xa và gần), Năm Ngưu (phim Vùng gió xoáy), Hai Bạc Liêu (phim Người tìm vàng), ông Tư (phim Con chó nghèo)...Ông đoạt giải “Diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 9 với vai Năm Ngưu. Ông còn là tác giả của khoảng 80 kịch bản phim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ