Trong đó, chương trình văn nghệ được các nhà trường tổ chức thường xuyên tại các buổi lễ, kỷ niệm ngày truyền thống của nhà trường và các hoạt động ngoại khóa trong cả năm học. Điều đó đã góp phần không nhỏ vào phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Tuy nhiên, từ thực tiễn tổ chức hoạt động văn nghệ tại các nhà trường đã cho thấy, nhiều năm trở lại đây, những ca khúc truyền thống về mái trường thầy cô, bè bạn bấy lâu nay đã ít xuất hiện trên sân khấu học đường. Thay vào đó là những ca khúc mới lạ, không phù hợp với chủ đề học đường.
Trên thực tế, ở các buổi lễ trong cả năm học tại các nhà trường thì chương trình văn nghệ đóng vai trò quan trọng, tạo không khí chào đón buổi lễ. Tuy nhiên, xu hướng biểu diễn những ca khúc mới, lạ, những điệu nhảy của tuổi trẻ hay biểu diễn quá nhiều ca khúc có chung một chủ đề dẫn đến những ca khúc truyền thống của một thời về chủ đề mái trường, thầy cô vốn được yêu thích và trở thành những kỷ niệm không thể nào phai nhạt trở nên lạc lõng, thậm chí còn bị lãng quên. Ở nhiều nhà trường, người biểu diễn các tiết mục văn nghệ đôi khi quá lệ thuộc vào những ca từ và nhạc có sẵn trên mạng để thiết kế thành những bài múa để thay cho lời hát của mình.
Điều này dẫn đến một tâm lí nhàm chán khi xem các chương trình văn nghệ. Đặc biệt, các thầy cô giáo khi lắng nghe những ca khúc với những ca từ lạ, không hợp chủ đề cảm thấy không có chút lắng đọng hay tâm tình về tình cảm thầy trò, mái trường. Còn học sinh thì mặc dù được nghe những ca khúc sôi nổi, trẻ trung hay những điệu nhảy nhưng khi nghe xong thường quên luôn ca từ và khó khơi dậy những cảm xúc về thầy cô, mái trường, khó in trong tâm hồn các em những kỷ niệm đẹp.
Đã có một thời, những ca khúc như Bụi phấn, Ơn thầy, Bài học đầu tiên, Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca sư phạm, Mong ước kỷ niệm xưa, Con đường đến trường… đã in đậm dấu ấn không thể nào phai mờ trong tâm hồn bao thế hệ nhà giáo và học sinh. Đó là những ca khúc ca ngợi công ơn dạy dỗ của thầy cô, ca ngợi mái trường, ca ngợi nghề dạy học và tuổi học trò hồn nhiên, tinh nghịch. Mỗi khi nghe những ca khúc này, dù ở lứa tuổi nào, ai cũng như được sống lại những kí ức về thầy cô và mái trường thân yêu.
Các trường khi tổ chức chương trình văn nghệ, cần đưa vào các ca khúc truyền thống về thầy cô, mái trường để giáo dục cho học sinh truyền thống về nghề dạy học, về mái trường, về những kỷ niệm tuổi học trò. Muốn vậy, để học sinh biết và được lắng nghe những ca khúc truyền thống, trong chương trình phát thanh của nhà trường vào buổi sáng sớm hay giữa giờ cần phát những ca khúc này.
Đồng thời, trong các hội thi văn nghệ nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học, tri ân trưởng thành, cần định hướng cho học sinh về chủ đề thầy cô, mái trường gắn với các ca khúc truyền thống để các em xác định được chủ đề và lựa chọn những ca khúc phù hợp, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe.