Tiếng trống khuyến học đất Kinh Bắc

Tiếng trống khuyến học đất Kinh Bắc

(GD&TĐ) - Đã gần chục năm qua, tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cứ đúng 7 giờ tối là chiếc loa phóng thanh lại rộn rã khắp các thôn, xã tiếng trống giục khuyến học để nhắc nhở học sinh ngồi vào bàn học. Tiếng trống khuyến học độc đáo này đã và đang góp phần vào việc xây dựng xã hội học tập đầy hiệu quả ở một vùng thôn quê Kinh Bắc. 

Đúng 7 giờ tối cùng ngồi vào bàn học

Cứ 7 giờ tối là ngồi vào bàn học Ảnh: Lê Văn
Cứ 7 giờ tối là ngồi vào bàn học  Ảnh: Lê Văn

Đúng 7 giờ tối hàng tuần (trừ thứ 7), đoạn nhạc bài hát “Em yêu trường em”, lại vang lên trong không gian yên ả của những ngõ xóm ở thôn Phú Mẫn (Yên Phong, Bắc Ninh). Sau đó, chiếc loa phóng thanh lại tiếp tục ngân lên lời giục giã quen thuộc đối với mọi gia đình: “Xin thông báo, đã đến giờ học buổi tối tại nhà. Đề nghị các bậc phụ huynh học sinh tạo điều kiện tốt nhất cho các em ngồi vào học. Yêu cầu các em học sinh ngồi vào bàn học nghiêm túc, đúng giờ... Tùng, tùng, tùng...”.

Chỉ là những âm thanh quen thuộc, giản dị diễn ra trong khoảng 3 - 5 phút vào 7 giờ tối hàng ngày song đằng sau đó là những giá trị vô cùng ý nghĩa, thúc giục người người cùng quan tâm, hướng tới việc học tập.

Em Nguyễn Thị Thu Quỳnh, học sinh THCS cho biết về thói quen học bài ở nhà mỗi tối: “Hầu như tối nào 7h chị em cháu cũng ngừng vui chơi để học bài. Bố mẹ cháu không phải giục chị em cháu học bao giờ. Bọn cháu đã quen với tiếng trống giục học. Cứ có trống là tự động ngồi vào bàn học”. 

Nhiều gia đình và học sinh tại thôn Phú Mẫn cho biết: thời gian học tập tại nhà không quy định phải học mấy giờ song hầu hết trẻ em trong độ tuổi tới trường ở đây đều có thói quen ngồi vào bàn học đúng 7 giờ. Tiếng trống khuyến học đã đi theo tuổi thơ, đi theo quãng thời gian cắp sách của nhiều thế hệ học sinh. Cũng nhờ tiếng trống khuyến học này, không chỉ người lớn quan tâm hơn đến việc học của con trẻ mà ý thức học tập của các em được nâng lên đáng kể. Thành tích học tập của học sinh Yên Phong cũng vì thế ngày một đạt kết quả tốt hơn. Xuất hiện nhiều hơn những học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, nhiều học sinh đỗ đạt qua các kỳ thi cấp huyện, tỉnh... nhiều học sinh đỗ điểm cao vào các trường đại học, cao đẳng. 

Theo ông Đỗ Văn Liễn, 75 tuổi ở xã Yên Phong, một trong những người gắn bó với “tiếng trống giục học” cũng như phong trào khuyến học ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước cho biết: Nhờ tiếng trống khuyến học, ý thức và phong trào học tập của học sinh Yên Phong nâng cao đáng kể. Các cháu đã biết đua nhau học thật tốt. Người lớn hơn dạy người bé hơn, học hết bài trên lớp các em lại mày mò tự học thêm bài tại nhà... Mỗi gia đình, bố mẹ không cần phải nhắc nhở, ốp thúc nhiều việc học tập của học sinh nhưng vẫn có thể yên tâm, tin tưởng vào sự tự giác, tinh thần, ý thức tự học của các em. 

Tác dụng lớn từ một phong trào ý nghĩa

Học bài buổi tối đã trở thành nếp của nhiều thế hệ học sinh Yên Thành - Bắc Ninh. Ảnh: Lê Văn
Học bài buổi tối đã trở thành nếp của nhiều thế hệ học sinh Yên Thành - Bắc Ninh. Ảnh: Lê Văn

Qua tìm hiểu được biết, từ năm 1966, ở Phú Mẫn đã có phong trào Học tập tốt và chăn trâu bò béo. Bác Hồ khi đọc trên báo của tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ (nay là Bắc Ninh) biết được phong trào nên đã gửi thư khen Hợp tác xã măng non Phú Mẫn và khen cụ thể hai việc tốt là “Học tập tốt và chăm sóc trâu bò béo”. Từ đấy trở đi phong trào học tập từ thôn được lan rộng khắp trong huyện. Nhiều cơ quan nghiên cứu của Bộ Giáo dục (trước đây) đã về thăm điểm sáng khuyến học này. Đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên cũng đã về thăm và khen việc thực hiện tốt nguyên lý phương châm giáo dục của Đảng. Từ đó, tiếng trống khuyến học (giục học bài mỗi tối) đã dần góp phần tăng thêm ý thức học tập của mỗi học sinh, nâng cao hơn nữa sự quan tâm đến giáo dục của các bậc phụ huynh. Tiếng trống khuyến học được thu âm, in thành đĩa, phát cho 14 xã trong huyện để có chung một nhạc hiệu và lời giục học bài...

Trao đổi với các cấp quản lý giáo dục, với nhiều gia đình nơi đây cho thấy một thực tế đáng mừng từ tiếng trống khuyến học. Đó là nhiều gia đình mặc dù có đời sống, kinh tế khó khăn song con cái vẫn học tập tốt và vô cùng thành đạt. Gia đình anh Nguyễn Huy Dưỡng ở Phú Mẫn là một ví dụ. Là hộ gia đình nằm trong diện hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đều là nông dân song hai con anh đều chăm ngoan, học giỏi. Cậu con trai cả là sinh viên Trường Đại học Kiến Trúc và cô con gái là sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Các con anh Dưỡng đều cho chia sẻ: Tiếng trống giục học ở quê hương đã có tác dụng rất tốt đối với cả hai anh em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo không có tiền học thêm hay điều kiện học thuận lợi như các gia đình khác. Tiếng trống giục học mỗi tối như một hiệu lệnh buộc hai anh em phải đi học. Dù hiện nay, anh đã ra trường còn em cũng sắp tốt nghiệp ĐH song mỗi lần về quê vào cuối tuần, nghe tiếng trống ấy cả hai anh em lại có cảm giác quen thuộc, và đều muốn ngồi vào bàn học để ôn bài...

Không chỉ riêng gia đình anh Dưỡng, tại Yên Phong cũng ghi nhận nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn khác song con cái vẫn học tập tốt nhờ hình thành được thói quen tự giác, tự học khi có trống khuyến học nhắc nhở. Dù gia đình khó khăn, song nhiều em vẫn thực hiện được ước mơ thành công khi ghi danh mình vào những trường đại học, cao đẳng nhờ vào những buổi tối chăm chỉ ôn luyện học tập theo hiệu lệnh tiếng trống khuyến học. 

Có một điều thú vị mà những ai từng đặt chân đến Yên Phong, cùng tìm hiểu về phong trào học tập qua tiếng trống khuyến học đều biết đó là các hộ gia đình đều có thói quen kết thúc bữa tối vào khoảng 6 giờ 30’ đến trước 7 giờ tối để con em kịp ngồi vào bàn học theo hiệu lệnh trống khuyến học. Và cứ từ 7 giờ tối làng quê Yên Phong lại trở nên vắng vẻ tĩnh lặng hơn bởi hầu như không có bóng dáng trẻ em ra khỏi nhà, hay chơi ngoài ngõ. Và cũng vào khoảng thời gian này, những đoàn thể, cá nhân có trách nhiệm dạo quanh ngõ xóm để cùng kiểm tra, đôn đốc... đưa phong trào học tập theo tiếng trống khuyến học vào nề nếp, thói quen của mỗi gia đình, mỗi học sinh. 

Tiếng trống khuyến học lúc 7 giờ tối hàng ngày tại vùng quê Yên Phong (Bắc Ninh), nhiều năm qua đã đem lại nhiều hiệu quả. Đây thực sự là một phong trào hết sức ý nghĩa, thiết thực trong công cuộc xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam. Từ tiếng trống khuyến học Yên Phong hoàn toàn có thể tin tưởng, việc xây dựng một xã hội học tập sẽ thành công nếu phong trào học tập luôn được người dân ý thức và thực hiện nghiêm túc.

Các cấp lãnh đạo và giáo viên tại Yên Phong khẳng định: Tiếng trống giục học buổi tối như một cách thức tỉnh thái độ và ý thức học tập tạo nên một nét văn hoá của vùng quê Yên Phong. Nó góp phần tạo nên ý thức trong các bậc phụ huynh, học sinh và nhân dân quan tâm, chăm lo đến giáo dục. Trực tiếp hơn, tiếng trống đã góp phần quan trọng tạo nề nếp và ý thức trong HS, từ đó tạo nên thói quen tự giác học tập. Thời gian học tập của các em được tăng lên và hiệu quả hơn.

Liên Hợp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: HUTECH

Doanh nghiệp 'săn' sinh viên giỏi dịp hè

GD&TĐ - Các trường đại học liên tục tổ chức ngày hội tuyển dụng với hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn cho sinh viên trong dịp hè.