Tiếng trống trên đỉnh Phà Lõm

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Trường Tiểu học xã biên giới Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) có tới 3 ca học mỗi ngày. Ngoài 2 buổi chính khóa, thì buổi tối, nghe tiếng trống vang lên những đứa trẻ Mông lại soi đèn pin đến trường. Ở nơi đó, vẫn là bàn ghế quen thuộc, có thầy cô giáo và mảnh sân của một điểm trường lẻ. Nhưng lại là khoảng trời vừa thân thương, vừa mong đợi và đầy niềm vui tuổi học trò nơi vùng biên giới giáp Lào.

Tiếng trống học bài mỗi tối tại điểm trường Phà Lõm
Tiếng trống học bài mỗi tối tại điểm trường Phà Lõm

Phà Lõm là bản xa xôi nhất, cách trung tâm xã Tam Hợp khoảng hơn 10km đường đá lởm chởm, cheo leo. Con đường uốn lượn ôm ngang sườn núi, phía dưới là suối Chà Lạp, khi leo dần lên đến đỉnh Phà Lõm, một bản làng người Mông hiện ra với hơn 100 nóc nhà sống quây quần.

Tiếng trống học bài ở bản

Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống vang lên vào khoảng 7 giờ tối. Thầy Đào Huy Thiện – Phó Hiệu trưởng, phụ trách điểm bản Phà Lõm nói: “Chờ một lát thôi sẽ thấy, lũ trẻ đến đầy đủ khắp sân trường mà xem, tự giác lắm”! Quả vậy, lần lượt nhóm 2, 3 em nhỏ đội đèn pin (kiểu đèn dùng soi ếch ban đêm) đuổi nhau chạy ào tới. Chẳng mấy chốc tiếng nô đùa đã í ới khắp sân trường. Các em tự giác vào lớp, mở sách vở ra tập đọc, tập viết, làm bài tập. Phía trên có giáo viên quản lý, hướng dẫn bài tập các em chưa hiểu hoặc tranh thủ soạn giáo án.

Nói về xuất phát điểm của tiếng trống học bài, lãnh đạo nhà trường cho biết: Những năm trước, chất lượng học sinh ở Tam Hợp thấp hơn nhiều so với các trường trong huyện. Năm nào cũng có học sinh nghỉ học. Do còn hạn chế về tiếng Việt, khả năng tiếp thu chậm, nhiều em chưa hiểu bài hoặc hoàn thành bài tập ngay trong buổi học chính. Trong khi về nhà ánh sáng điện không đầy đủ, không có góc học tập.

Học sinh đến sớm quét dọn sân trường
 Học sinh đến sớm quét dọn sân trường

Vì vậy, nhà trường quyết định thực hiện “tiếng trống học bài” cho học sinh đến trường tự học vào buổi tối có sự quản lý của giáo viên. Mục đích ban đầu giúp học sinh “biết thêm chút nào hay chút ấy”, đặc biệt là tăng cường khả năng tiếng Việt. Từ đó, các em mới phát triển được các kỹ năng khác. Ngoài phụ đạo kiến thức, thầy cô còn tổ chức trò chơi, các hoạt động múa hát tập thể, mở thư viện để thu hút học sinh tham gia. Qua các hoạt động này tăng cường các kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt nhóm cho học sinh… “Có hôm, mải vui múa hát quên cả buồn ngủ, giáo viên phải tắt loa các em mới chịu về ngủ để mai đến lớp”, cô Lô Thị Tám kể.

Qua 3 năm thực hiện phong trào “tiếng trống học bài”, không chỉ ở Phà Lõm, phong trào tiếng trống học bài còn duy trì bền vững ở điểm bản Phồng, Huồi Sơn và trường chính. Cô giáo Kha Thị Hằng còn nảy ra sáng kiến mời phụ huynh vào học cùng với con. Vừa để giúp cô quản lý con, nhưng cũng vừa “xóa tái mù” cho nhiều bố mẹ đã lâu ngày quên mất mặt chữ. Thầy Nguyễn Đình Mận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ở đây mọi hoạt động dạy thêm, phụ đạo cho học sinh đều là tự nguyện, tâm huyết của thầy cô chứ không có bất cứ chế độ hay khoản thu nào.

Với nhiều nỗ lực, chất lượng học sinh Tam Hợp những năm gần đây tăng lên rõ rệt. Các em mạnh dạn - tự tin hơn, nói tiếng Việt tốt hơn bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Nhận thức phụ huynh cũng tiến bộ, biết quan tâm, hỏi han thầy cô về tình hình học tập của con em mình. Và đặc biệt là không còn tình trạng học sinh nghỉ học nữa”.

Cô giáo Lầu Y Hua hướng dẫn học sinh đọc bài
 Cô giáo Lầu Y Hua hướng dẫn học sinh đọc bài

Bản làng xin cô giáo ở lại dạy học

Trường hợp cô giáo Lầu Y Hua (SN 1990) đã gắn bó với Trường Tiểu học Tam Hợp từ khi vừa mới tốt nghiệp năm 2012. Kể từ đó đến nay, cô Y Hua luôn được phân công dạy lớp 1 ở 2 bản Mông: Huồi Sơn và Phà Lõm, cũng là 2 bản cao và xa xôi nhất. Lý do vì Y Hua là giáo viên người Mông, nên có thể dùng “song ngữ” để nói chuyện, dạy cho lũ trẻ biết nói, biết nghe tiếng Kinh. Ngoài ra, chương trình Tiếng Việt cũng cần giáo viên có năng lực, kinh nghiệm đảm nhận.

Bản thân cô Lầu Y Hua cũng là một câu chuyện thật, một tấm gương về cô bé người Mông ở vùng cổng trời Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã nỗ lực theo đuổi sự học. Khi Y Hua còn nhỏ. người Mông vẫn đang phân biệt chỉ cho con trai đi học chữ, còn con gái không cần học nhiều. Đến 14, 15 tuổi con gái phải lấy chồng, nếu không sẽ bị ế.

“Nhưng may mắn là bố em cũng có hiểu biết nên con cái trong nhà đều được cho đi học đầy đủ. Bố còn nói nếu nhà ta phải bán trâu, bán bò, bố chỉ ăn cơm trắng hay không có dép đi thì cũng phải cho con đi học. Khi em học lên cấp 3, rồi xuống TP Vinh theo học CĐSP thì nhà em cũng phải bán trâu lấy tiền cho em. Cũng phải cố gắng, nỗ lực lắm em mới trở thành cô giáo được đấy”, cô Y Hua tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp, được nhận vào dạy học ở Tiểu học Tam Hợp, cô giáo trẻ vừa mừng vừa lo. Mừng vì ước mơ lớn nhất cuộc đời đã thành hiện thực rồi, nhưng lo là làm thế nào để dạy tốt, giúp đỡ các em học sinh đồng bào như ngày xưa nhiều thầy cô giáo đã giúp đỡ Y Hua. Cùng là người Mông, nhưng do địa hình xa xôi, biệt lập nên những đứa trẻ nơi đây còn vất vả, thiếu thốn và rụt rè hơn nhiều so với bản làng khác.

Trong 3 năm đầu tiên, cô Y Hua được phân công dạy ở Huồi Sơn, sau đó thì về Phà Lõm dạy 2 năm rồi quay lại Huồi Sơn. Trước khi năm học 2019 – 2020 bắt đầu, cô đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường xin cho được xuống bản dân tộc Thái hoặc Tày dạy học để có trải nghiệm mới, nâng cao năng lực chuyên môn.

Nhưng cô không ngờ được cũng vào thời điểm đó, sau khi cô rời Phà Lõm 1 năm, bà con nơi đây nhớ cô giáo, họ họp ban quản lý bản và gọi cho thầy hiệu trưởng xin cô Hua về. “Cô Hua cũng là người Mông ta, cô thương học sinh, chăm lo cho bọn trẻ, lại biết trò chuyện động viên nên bọn trẻ nhanh biết chữ. Bà con dân bản Phà Lõm tin tưởng và yêu quý cô nên xin nhà trường cho cô về lại đây dạy học”, già Xồng Vả Dềnh đã có gần 20 năm làm trưởng bản Phà Lõm nói.

Cô giáo không nỡ từ chối tấm lòng của bà con nên quyết định tiếp tục trở lại. “Dạy học lớp 1 các em còn dại lắm, chưa biết gì, nhưng cũng rất đáng yêu nên dù vất vả mà vui lắm. Dịp nào nghỉ lâu không đến trường là cô cũng rất nhớ học sinh”, cô Y Hua tâm sự.

Nghĩa tình trên đỉnh Phà Lõm

Giáo viên của Phà Lõm đều ở lại cắm bản để đi dạy vì nhà cách trường quá xa, đường sá hiểm trở, nhất là vào mùa mưa thì chỉ còn cách ở lại trên núi hàng tháng trời. Có người thuê nhà dân bản cạnh trường ở. Còn lại ở ký túc xá, mấy gian phòng ghép tạm bằng gỗ, đóng thêm bạt cho kín gió mà tối nằm ngủ vẫn thấy hơi sương lạnh luồn vào. Người mới thì 1 năm, lâu nhất cũng đã gần 20 năm gắn bó với học trò nơi này. Nhưng điều đặc biệt là chẳng ai muốn nói về cái khó khăn, vất vả của mình. Thay vào đó là những câu chuyện đầy nhiệt huyết với các thế hệ học trò nơi đây.

Một buổi tối, sau khi dạy học phụ đạo xong, một nhóm học sinh xin ở lại ngủ cùng cô Vi Thị Lệ cho cô đỡ buồn. Hôm ấy, các thầy cô giáo khác đã xuống núi, tập trung về điểm trường chính họp, chỉ còn cô Lệ ở lại Phà Lõm. Mấy cô trò nằm trong chăn, kể chuyện cho nhau nghe, vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Mông rất rôm rả.

Lầu Y Xông và Lầu Y Dở là 2 chị em nhưng đang cùng học lớp 3. Dở là chị, trước đó từng nghỉ học một năm để đi trông em cho một gia đình họ hàng vào miền Nam làm ăn. Sau khi được thầy cô vận động, Dở về đi học cùng lớp với em gái. Bố mẹ mải đi làm trên rẫy, thỉnh thoảng mới về, 2 chị em tự ở nhà trông nhau, nấu cơm ăn, đi học. Nhắc đến bố mẹ, 2 đứa trẻ nhớ quá, bật khóc, bạn Lầu Y Thương nằm cạnh đó cũng khóc theo.

Thầy trò điểm trường Phà Lõm
 Thầy trò điểm trường Phà Lõm

Thương là cô bé rụt rè, ít nói nhất lớp, cô giáo hỏi gì thì mới trả lời rất nhỏ. Gần đây, Thương học yếu đi, trong lớp không chú ý, gương mặt ngơ ngác, cứ nhìn ra ngoài. Cô Lệ động viên và gặng hỏi, thì mới biết được bố mẹ Thương đi làm ăn mãi trong Nam, để lại mấy chị em ở nhà cùng với gia đình người bác. Có đêm, Y Thương và em gái là Y Lỳ nhớ bố mẹ quá tự tìm về nhà. Ngôi nhà không có người ở vắng tanh, im lìm, điện không có, chăn chiếu cũng không. Hai chị em trải áo bố mẹ làm chiếu để nằm cho đỡ lạnh, ôm áo bố mẹ tìm hơi ấm cho đỡ nhớ rồi khóc...

“Có lần viết bài văn kể về gia đình trên lớp cũng thấy em ngồi khóc, nhưng chưa có thời gian để hỏi han, phần vì các em khó diễn đạt để cô hiểu nên thành ra các em sống rất khép kín. Chỉ những lúc rảnh rỗi sau giờ học thế này mới trò chuyện để gần gũi với các em hơn. Dù ở trong hoàn cảnh đáng thương vì phải xa sự chăm sóc và hơi ấm của bố mẹ, nhưng tính tự lập của học sinh nơi đây rất cao”, cô Lệ tâm sự.

Từ những lần hỏi han như vậy, cô biết thêm một Xồng Bá Tình cũng có bố mẹ thường xuyên ở trên rẫy xa nhà, để lại em nhỏ 2 tuổi cho Tình ở nhà trông. Nhiều hôm đi học, Tình phải cõng theo cả em đến lớp, anh học bài, em ngồi một bên ngoan ngoãn, không dám quậy phá. Hay em Lầu Sỹ Công bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng, ở với ông bà nhưng em rất cố gắng, học giỏi và là lớp trường.

Cuộc sống vất vả khiến nhiều ông bố, bà mẹ mải miết trên rẫy, hoặc rời bản vào Nam, ra Bắc mưu sinh. Để lại con cái sống cùng họ hàng, ông bà, thậm chí tự nuôi nhau. Chính vì vậy, trường học trở thành mái nhà thứ hai thân thuộc, ấm áp nhất đối với những đứa trẻ người Mông ở Phà Lõm. Và thầy cô giáo trở thành bố mẹ thứ hai, gần gũi và yêu thương, không chỉ dạy kiến thức mà còn chú ý đến những biến đổi tâm lý, tình cảm của các em.

Dần dần, tự khi nào các em cũng coi thầy cô như người thân của mình và thể hiện cảm xúc bằng hành động thật thà, tự nhiên. Có lần cô hỏi nhà bạn nào có đậu thì mang đi cho cô mua. Các bạn nói không có, chỉ ở trong rẫy mới có. “Hôm nào thứ 7, Chủ nhật em đi rẫy thì hái về cho cô. Cho thôi chứ không bán mô”, mấy đứa trẻ trả lời. Nhưng nhà đang sẵn có lạc, muốn hỏi thầy cô có ăn không mà không biết nói bằng tiếng Kinh như thế nào. Chợt nhớ ra đã từng học về củ lạc và có hình minh họa trong sách Tự nhiên xã hội, thế là chạy đi lấy sách, giở trang đấy ra và chỉ cho cô.

Ngày 20/11, điểm trường lẻ trên đỉnh Phà Lõm nở đầy các loại hoa mà thầy cô giáo cùng học sinh chăm trồng. Những đứa trẻ vẫn đến lớp sớm và đầy đủ, nhanh chóng tự giác quét dọn sạch sẽ trường học. Điểm khác biệt duy nhất là trên bảng, các thầy cô giáo ghi thêm dòng chữ “Chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Có đứa trẻ buổi sáng đi học, không quên xách theo từ nhà một túi gạo nương đến lớp cho thầy cô. Cũng bình thường như khi ở nhà có được củ sắn, hái được quả cọ, quả bầu, bó rau cải… các em đều “chia sẻ” mang đi để trên bàn hoặc trong bếp ăn của thầy cô, rồi lại chạy vụt ra sân chơi với các bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ