Tiếng thơm Đình Tổ

GD&TĐ - Trong như đá ngọc ánh màu hổ phách mà lại mềm như nhung lụa. Thật là cái tên bánh tro trái ngược với vẻ mĩ miều của một món trứ danh, là tiếng thơm muôn đời của vùng linh tích.

Bánh tro là một đặc sản rất dân dã nhưng ẩn chứa vẻ đẹp truyền thống.
Bánh tro là một đặc sản rất dân dã nhưng ẩn chứa vẻ đẹp truyền thống.

Danh lam sinh bánh quý

Bắc Ninh nay, xưa gọi là Kinh Bắc thật lắm danh lam. Có phải là vùng đất của vua Lý hay vì cạnh kinh đô mà những huyền bí cứ lộ dần trong từng khoảnh ruộng quê, ló ra từ những gốc cây cổ thụ nghìn năm, bảng lảng trong sương khói nơi thiền tự.

Hay những dòng cổ tích như sông Cầu, sông Đuống đã bồi đắp phù sa để những di sản hóa thạch bền vững giữa thiên thu vạn đại. Có gì quá đâu, đây một đài Bút Tháp giữa vùng Đình Tổ sừng sững Báo Nghiêm. Người ta không chỉ lạ lùng vì những hoa văn quấn lấy vòng tháp mà còn tò mò sao trạng nguyên lại về trụ trì và hoàng hậu lại thành tu hành gia.

Ấy là thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái, người đỗ trạng nguyên năm 1272 đã trụ trì tại đây. Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đã rời bỏ cung thất cùng con gái là Ngọc Duyên công chúa hưng công xây cất, tu bổ linh tích Bút Tháp. Những người ở cấp bậc cao thời ấy sao lại bỏ hết cả danh vọng mà tụ lại ở Đình Tổ?

Đất lành chim đậu, người xưa nói vậy. Nhưng phải có một lý do gì sâu sắc hơn mới khiến người ta đỡ phải tò mò. Thì chắc chắn chẳng có gì thuyết phục hơn cho hai từ “duyên Phật” mà cao tăng khai ngộ. Rồi cũng từ “duyên Phật” ấy mà bánh tro ra đời ở vùng Đình Tổ, lưu lại tiếng thơm muôn đời về một vùng đất mà mỗi lời ăn tiếng nói đều phảng phất khí chất của truyền thống chuẩn mực.

Sẽ không thấy lạ khi ta thấy khách Phật môn nhẩn nha thưởng thức thứ bánh tro dưới chân bảo tháp. Tro được coi là một thứ bụi bặm mang tính tục trần mà hiện diện nơi linh tích thì thật là có gì sai sai. Nhưng sẽ chẳng sai điều gì khi thấy tận mắt thứ bánh có tro ấy đã gạn đục khơi trong trở nên ngọt ngào đẹp đẽ đến mực nào.

Sẽ chẳng ai rời mắt khỏi thứ bánh có màu vàng trong suốt như hổ phách. Nếu cầm vào sẽ thấy một cảm giác mát lạnh không phải như ngâm đá, mà tựa như cái mát của ngọc châu. Thức quà dân dã đấy mà sao nhìn lại cao sang đẹp đẽ đến vậy.

Sẽ thật tiếc khi trong tay chỉ có một cái bánh mà ăn hết cả vẻ đẹp đất trời. Nhưng cũng chẳng thể kiềm chế nổi cái đòi hỏi của vị giác đang cào cấu lấy cái vẻ đẹp kia để nuốt trọn ngọc ngà.

Người Đình Tổ nói rằng, từ truyền thống lâu đời với vẻ đẹp của bánh, vị ngon của cốt đã tôn bánh tro làm thức cúng tổ tiên. Nhiều nhà cũng chọn bánh tro cúng Phật, nên mới thấy sự trân quý mà chính người đang giữ bí quyết dành cho loại bánh vốn có cái tên rất… bụi.

Bánh tro nhưng có màu sắc trong suốt như hổ phách.
Bánh tro nhưng có màu sắc trong suốt như hổ phách.

Tro bụi đầu thai

Bánh tro Đình Tổ giống với tất cả các loại bánh tro khác ở các vùng là nguyên liệu quan trọng lấy từ tro. Nhưng phải thật tỉ mỉ, cũng thật dụng công sàng lọc mà nước tro ấy không phải màu đen mà thành màu vàng cánh gián.

Người ta cho là khâu chế biến nước tro là quan trọng nhất, còn cung cách làm bánh thì chỉ là phụ và tương đối giống nhau về công thức. Cho nên chế biến nước tro trở thành một nghi thức, một sự tò mò cho thực khách muốn khám phá sự “lột xác” của tro bụi để trở thành một hình hài hoàn mỹ.

Tro dùng làm bánh không phải là loại tro đốt tạp từ rơm rạ, củi than mà phải từ lá rơm nếp, trầu không, vỏ bưởi, quả xoan chín, vỏ quả đỗ xanh và cây rau dền gai. Những thứ này sau phơi khô thì đốt thành tro, lấy tro ấy mà khuấy mà đảo mà lọc thì hứa hẹn sẽ làm nên màu sắc hương vị của bánh tro Đình Tổ.

Lá trầu không, một loại cây đã đi vào cổ tích nghĩa tình lại một lần nữa được quyện hương bưởi để tạo cho bánh một vị nồng say. Rồi còn quả xoan chín với vỏ đỗ xanh khi đốt thành tàn thì người tinh mắt sẽ chỉ thấy một màu nâu nhạt hoặc đo đỏ chứ không đen đúa như tro bếp. Những thứ ấy hòa cùng rau dền mà nếu luộc lấy nước sẽ thấy màu đỏ như máu hoặc tím ngắt như quả mùng tơi chín.

Người Đình Tổ quả quyết rằng những thứ ấy đều là thuốc. Thuốc tính hàn, tính nhiệt gì thì chẳng cần biết nhưng khi đã quyện hòa hợp với nhau thì bánh ấy không những là ngon lạ mà còn bổ khuyết cho cơ thể những thiếu thốn của dinh dưỡng lẫn điều hòa cho tâm thần được thoải mái.

Sau khi tro hòa nước, bỏ bã thì chung nhau sống với nước vôi. Người làm bánh cứ cẩn thận từng tí khi lọc cho hai thứ nước không còn một chút gợn. Khi mọi thanh âm màu sắc lắng xuống cũng là lúc những hạt nếp cái hoa vàng dập dềnh rồi chìm nghỉm trong một khoảng thời gian với nước tro trộn vôi ấy.

Hạt gạo làng đến lúc “chết đuối” giữa những mãnh liệt của nước tro thì được người Đình Tổ vớt lên “khâm liệm” bằng chiếc áo của lá chuối hoặc lá dong. Tôi cứ tưởng tượng như vậy vì thấy giống quá, mà nhất là khi cho thứ bánh ấy vào nồi đun nóng chẳng khác nào cho vào lò hỏa táng để bắt đầu cho một cuộc đầu thai kéo dài 3 tiếng trên ngọn lửa đang thời nóng ruột.

Nhưng mà thật lạ, sự hỏa táng này không phải biến tất cả thành tro bụi mà lại thành kết quả như một dụng công “ngọc càng mài càng sáng”. Một thứ bánh tro qua hỏa nhiệt biến thành một thức quà màu hổ phách trong suốt như ngọc châu tiến triều.

Cái cảm giác thơm – thanh – mát không mãnh liệt như trận cuồng phong dập vùi, mà lướt qua như một cô gái nõn nà hát câu quan họ “người ở đừng về”. Thanh âm đẹp cứ vọng lại từ một con thuyền đang vun vút trong sương khói Đình Tổ.

Vùng đất Đình Tổ như nơi tụ cả hết những tinh hoa đất trời. Không chỉ có bánh tro mang lại tiếng thơm, còn đây một thức tương quý với cháo thái thơm nức. Ba thức quà Đình Tổ tựa thấm hết cả những truyền thống xửa xưa mà hình thành nên danh giá gia phong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ