Tiếng thở phào nhẹ nhõm

GD&TĐ - Rạng sáng 25/4 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu cho thấy, ông Emmanuel Macron đã tái đắc cử Tổng thống Pháp với 58,6% phiếu bầu, so với 41,5% phiếu của ứng viên cực hữu Marine Le Pen.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Với chiến thắng này, ông Macron trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai kể từ thời của ông Jacques Chirac vào năm 2002.

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga – Ukraine, chiến thắng của ông Macron được giới phân tích đánh giá là “tiếng thở phào nhẹ nhõm” với các đồng minh phương Tây, đặc biệt là ở Brussels, trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trước tình hình căng thẳng tại Ukraine, phương Tây cần thiết phải đoàn kết, thống nhất khi đối mặt với Nga, đối thủ đang tìm cách phá hoại liên minh này. Với sự trở lại của ông Macron, phương Tây có thể tin tưởng sức mạnh vũ trang hạt nhân sẽ không đột ngột chuyển hướng.

Là thành viên của NATO, EU, Pháp đồng thời là cường quốc hạt nhân và có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Dù tham gia vào các trụ cột của trật tự phương Tây, Pháp cũng ủng hộ một số chính sách đối ngoại độc lập.

Điều này đồng nghĩa Pháp có thể là trung gian giữa trật tự phương Tây do Mỹ dẫn đầu và các quốc gia như Iran, Trung Quốc hay Nga. Ở nhiệm kỳ vừa qua, ông Macron đã tích cực giữ vai trò cân bằng trong các vấn đề ngoại giao.

Tuy nhiên, đối thủ cực hữu của ông, bà Le Pen có quan hệ với Nga, quan điểm không mấy mặn mà với NATO, thậm chí là thái độ thù địch với EU. Chiến thắng của bà Le Pen khiến các đồng minh phương Tây lo ngại có thể làm rung chuyển mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Đối với NATO, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là phép thử đầu tiên cho sự đoàn kết của liên minh trong nhiều năm. Trong nhiệm kỳ của ông Macron, NATO hầu hết cùng chung quan điểm. Nhưng mối quan hệ này sẽ thay đổi nếu bà Le Pen trở thành Tổng thống Pháp và rút Pháp khỏi bộ chỉ huy chung của NATO.

Với EU, ông Macron không ngại bày tỏ mong muốn xây dựng châu Âu mạnh mẽ, đoàn kết hơn. Ngược lại, bà Le Pen từng có ý định đưa Pháp rời khỏi EU nhằm ưu tiên lợi ích cho chủ nghĩa dân tộc Pháp.

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron là kết quả nhẹ nhõm nhưng cũng là một lời cảnh báo với các đồng minh phương Tây vì hiện trạng an ninh châu Âu có thể chỉ tiếp tục duy trì trong 5 năm tới. Dù bà Le Pen không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, các nhà lãnh đạo châu Âu nhận thức rằng, những người có quan điểm tương tự bà La Pen vẫn còn rất nhiều ở Pháp và trong khu vực.

Trong nước, nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron sẽ đối mặt với không ít thách thức khi so với nhiệm kỳ đầu tiên. Khó khăn đầu tiên là hàn gắn rạn nứt giữa các tầng lớp xã hội và xây dựng một nước Pháp đoàn kết như khẩu hiệu “tất cả chúng ta” của ông Macron. Vấn đề khí đốt là thách thức thứ hai khi nước Pháp và châu Âu muốn giảm tối đa sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Ngoài ra, Tổng thống Macron sẽ có thêm 5 năm để thực hiện một số cải cách như tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65; trao quyền tự chủ cho các trường phổ thông, đại học; cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt ở vùng nông thôn... Dù khó khăn đang ở phía trước, ông Macron khẳng định, bản thân “không còn là ứng cử viên một phe nữa, mà là tổng thống của tất cả chúng ta”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.