(GD&TĐ) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ nhưng ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt. Mỗi lần nhắc đến, chúng ta như đang trôi giữa cờ hoa chiến thắng của ngày 30/4 38 năm trước. Song không phải ai cũng biết nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc ấy trong hoàn cảnh nào, vì sao bài hát lại có sức sống mãnh liệt và diệu kỳ đến thế. PV báo Giáo dục &Thời đại đã cùng nhạc sĩ ôn lại những ký ức hào hùng khi bài hát ra đời và những kỉ niệm không bao giờ quên.
Tôi chỉ muốn góp một tiếng reo vui
“Ngày 28/4/1975 có tin phi công ngụy đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất (sau này tôi mới biết người ném bom là Anh hùng Quân đội Nguyễn Thành Trung). Tôi nghĩ, thế này thì giải phóng miền Nam đến gần lắm rồi. Phải viết ngay môt bài hát, một bài hát reo vui nức lòng cùng mọi người đổ ra đường trong ngày vui mừng toàn thắng. Thế là tôi bắt tay vào viết bài hát theo ý tưởng đó. Nghĩ đến ngày toàn thắng, trong đầu tôi lại nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ. Với những tình cảm dồn nén, từ 21h30 đến 23h đêm 28/4/1975, tôi đã viết xong bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, không phải sửa một chữ nào.
Đó là tấm pano vẽ ảnh ngày chiến thắng |
Trưa 30/4, Sài Gòn giải phóng. Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện! Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm đang trăn trở với việc chọn một bài hát phát cùng tin chiến thắng thì nhận được tác phẩm của tôi.
Sau khi nghe tôi hát, ông đã reo lên “Trúng rồi” và ngay lập tức chỉ đạo Đoàn ca nhạc của Đài dàn dựng, đến 16 giờ thì hoàn thành. Đó là bài hát được tập, dàn dựng và thu, phát với tốc độ kỷ lục. Điều đặc biệt nữa là, tất cả những người hát, người đàn, người dàn dựng và cả tôi, đều vừa hát vừa nước mắt rưng rưng.
Cuối giờ chiều ngày 30/4/1975, cùng với tin vui chiến thắng phát liên tục trong đêm ấy, bài hát được truyền đi trên làn sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Khi bài hát vút lên, cũng là lúc Việt Nam tuyên bố chính thức giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước trước thế giới.
Khi viết xong bài hát này, tôi chỉ muốn góp một tiếng reo vui cùng mọi người khi chiến thắng đang đến từng ngày. Nhưng điều đáng mừng là gần 40 năm bài hát vẫn có sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng,.”
Sức lan tỏa kì diệu
Cố nhà thơ Huy Cận có lần nói với tôi: “Tuyên ơi, anh đã làm một việc có ý nghĩa là đã cho một bài hát Việt Nam thay thế một bài hát của Trung Quốc trong các cuộc họp mít tinh trước đây”.
Hồi Bác Hồ còn sống, mỗi khi kết thúc hội nghị, mít tinh thường thì Bác bắt nhịp “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh”, nhưng từ ngày giải phóng miền Nam thì chẳng có văn bản nào chỉ đạo, nhưng từ trung ương đến tỉnh, huyện, xóm, xã, bất cứ cuộc họp nào từ to đến nhỏ đều mở đầu là quốc ca, kết thúc là “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh Lê Đăng |
Cách đây mấy năm, hồi lên Cao Bằng, tôi có dự một cuộc mít-tinh. Kết thúc, mọi người hát bài này. Tôi hỏi anh thanh niên bên cạnh: “Bài này là bài gì thế?”. Anh ấy nghiêm mặt: “Bài này mà không biết à? Trên này chúng tôi gọi là bài “Giã bạn”. Tôi hỏi tiếp: “Có biết tác giả là ai không?”. Anh ấy lắc đầu. Người ta không biết tên tác giả nhưng tôi lại rất vui, bài hát đã có sức sống trong lòng công chúng. Đó là phần thưởng lớn của người sáng tác.
Phần thưởng đặc biệt là, 10 năm sau khi bài hát đó ra đời (năm 1985), ông Trần Lâm - Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy bảo, “Bài công chúng hát nhiều thế này mà không được tặng thưởng Huân chương Lao động à?”. Và ông ấy còn nói vui: “Trước chưa có tiền lệ như thế, bây giờ thử hỏi xem có được không?”. Bất ngờ sự việc vừa mới nêu đầu tuần, thì cuối tuần, cấp trên bảo sẽ có Huân chương (quy trình tặng huân chương rất phức tạp, phải có sự thẩm tra nhưng lúc ấy trường hợp của tôi không phải thẩm tra). Đây là niềm vui lớn đối với tôi.
20 năm sau (năm 1995), Báo Người lao động TPHCM mời tôi vào trao Huy chương cho bài hát Vượt qua năm tháng. Họ nói rằng: “Chúng tôi ghi nhận sự đóng góp của nhạc sĩ đối với bài hát kỉ niệm ngày thống nhất đất nước”. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên. Bản thân tôi đến bây giờ vẫn còn suy nghĩ không biết tại sao bài hát lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy.
Vượt qua biên giới đất nước
Nhạc sĩ chia sẻ: Sức mạnh của âm nhạc bên cạnh chức năng giải trí còn có chức năng cổ vũ động viên rất lớn. Song sức mạnh của âm nhạc lớn hơn là vượt qua biên giới đất nước.
“Năm 2010, tôi tới Huế tham gia liên hoan ca nhạc nhân lễ kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn, bất ngờ có một đoàn khách du lịch Nhật Bản mang theo một cây đàn ghi-ta xin được tham gia. Ban tổ chức vui vẻ đồng ý, họ tham gia hát hai bài: Hoa anh đào và Như có Bác trong ngày đại thắng. Ban đầu khán giả chỉ vỗ tay theo giai điệu bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng vì lời ca bằng tiếng Nhật nhưng đến đoạn điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh” thì tất cả mọi người cùng cất tiếng hát.
Xúc động và hạnh phúc, sau đêm nhạc, tôi tìm đến đoàn khách du lịch, bà trưởng đoàn cho hay, bài hát này được Hội Âm nhạc Lao động Nhật Bản dịch ra và phổ biến tại 49 tỉnh của Nhật Bản. Những người Nhật Bản này giải thích rằng, họ thích bài hát này vì muốn ca ngợi chiến thắng của Việt Nam, thông điệp cho nhân dân Nhật Bản biết, Việt Nam - dưới thời đại Hồ Chí Minh đã đánh thắng hai đế quốc Pháp - Mỹ.
Có một kỉ niệm vui nhất vào dịp cuối năm ngoái, khi người ta đang ồn ào về Giải thưởng Hồ Chí Minh thì có một cô người Mỹ tên là Moolly Hartman O Connell sang nghiên cứu về phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Cô ấy rất thích nhạc của tôi đặc biệt là bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Cô luôn nói với các bạn là làm sao mời được nhạc sĩ Phạm Tuyên vào Sài Gòn, vì cô thấy đi đâu người ta cũng hát những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, kể cả ra tận Côn Đảo. Sau này, tôi có vào Sài Gòn thăm gia đình cô theo lời mời.
Lần này, trước khi về Mỹ, cô bay từ Sài Gòn ra Hà Nội tặng tôi một món quà. Cô nói rằng đây là món qùa rất đặc biệt. Đó là tấm pano vẽ ảnh ngày chiến thắng 30/4 có tên “Như có Bác trong ngày đại thắng”, có lời dịch tiếng Anh do bạn người Mỹ in ra "30.04.1975 - IT LOOKS AS IF UNCLE HO IS WITH US IN THE HAPPY DAYS OF GREAT VICTORY"
Nhạc sĩ xúc động: “Món quà rất có ý nghĩa đối với bản thân tôi giống như phần thưởng. Sau 37 năm, hơn cả những năm trường đất nước bị chia cắt chính tôi cũng không thể ngờ sức sống một bài hát, số phận một bài hát lại được những người bạn ở bầu trời xa xôi, ở đội quân bên kia gửi lại xúc động và thiêng liêng đến thế. Mọi ranh giới như được xóa nhòa và điều còn lại là sự tự hào dân tộc và tình hữu nghị”.
Đăng Huyền (Thực hiện)