Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024):

Sáng tạo để xứng với tên gọi Him Lam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tại Trường THCS Him Lam (TP Điện Biên Phủ) có thêm những tiết học trải nghiệm sáng tạo.

Cô trò chụp ảnh lưu niệm sau tiết học lịch sử tại di tích lịch sử Đồi A1. Ảnh: NTCC
Cô trò chụp ảnh lưu niệm sau tiết học lịch sử tại di tích lịch sử Đồi A1. Ảnh: NTCC

Đó là những nỗ lực của tập thể nhà trường trong đổi mới tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào dân tộc cho học sinh.

Thi đua trong từng bài học

Những ngày này, thầy và trò Trường THCS Him Lam tưng bừng không khí thi đua học tập, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi thầy cô, học sinh đều không ngừng cố gắng để có thể xứng đáng là một thành viên của mái trường mang tên gọi Him Lam - trận mở màn thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954.

“Bên cạnh tình yêu với môn Lịch sử, phương pháp giảng dạy của thầy cô, những tiết học trải nghiệm đã giúp em hứng thú với môn học này hơn. Qua đó, em đã tìm ra phương pháp học tập hiệu quả để có thể đạt thành tích cao trong các kỳ thi”. - Em Nguyễn Ngọc Huyền, lớp 8C5 Trường THCS Him Lam giành giải Nhất tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử

Theo NGƯT Cao Thị Đại - Hiệu trưởng Trường THCS Him Lam, trong không khí hân hoan của cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục lồng ghép tích hợp chủ đề: “Giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào về Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ 1954” trong các bài giảng, hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với nội dung bài học, điều kiện thực tiễn.

“Thông qua các tiết học, chúng tôi giáo dục học sinh ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Từ đó, tôn vinh, tri ân sâu sắc các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”, cô Cao Thị Đại chia sẻ.

Theo đó, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, nhà trường luôn nhấn mạnh: Trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kế hoạch giáo dục nhà trường, giáo viên cần tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, các hoạt động giáo dục, lồng ghép tích hợp chủ đề trong môn học và hoạt động trải nghiệm đối với các môn như: Lịch sử, Mỹ thuật, Âm nhạc, Ngoại ngữ, Giáo dục địa phương, Công nghệ… Mục tiêu là để khơi gợi hứng thú học tập, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn cho học sinh. Qua đó giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào về Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.

Một tiết dạy lịch sử trải nghiệm của cô trò Trường THCS Him Lam tại hầm de Castries. Ảnh: NTCC

Một tiết dạy lịch sử trải nghiệm của cô trò Trường THCS Him Lam tại hầm de Castries. Ảnh: NTCC

Từ chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, các tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức nhiều tiết học, hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa một cách linh hoạt, sáng tạo gây hứng thú cho học sinh, có tính hiệu quả cao.

Các tiết học trên lớp không còn cứng nhắc theo phương pháp truyền thống với bảng đen, phấn trắng, mà là những bài giảng PowerPoint, video, tranh ảnh. Phần nội dung kiến thức lịch sử gắn với địa phương, cô trò thực hiện ngay tại thực địa như trên Đồi A1, hầm de Castries, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, những bản văn hóa, làng nghề…

Cô Vũ Hải Yến, giáo viên dạy môn Lịch sử chia sẻ: “Việc dạy và học gắn với trải nghiệm thực tiễn được nhà trường duy trì hàng năm. Đến năm học này, các tiết hoạt động trải nghiệm được thực hiện đa dạng hơn với nhiều giải pháp dạy học sáng tạo”.

Không chỉ với môn Lịch sử, chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng còn được khơi dậy qua các môn học khác như Ngoại ngữ - môn học tưởng chừng khó lồng ghép. Tuy nhiên, với sự tâm huyết, sáng tạo, tư duy đổi mới, các thầy cô đã biến những hoạt động ngoại khóa, giao lưu liên trường thành những giờ học về truyền thống lịch sử thông qua các vở kịch, bài hát, bài viết bằng tiếng Anh.

Những tấm gương anh hùng, những di tích lịch sử gắn với chiến công oanh liệt của cha ông trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954 còn được nhắc đến trong các bức vẽ môn Mĩ thuật, bài hát trong tiết Âm nhạc; ở các tiết hoạt động tập thể, hoạt động đầu, giữa giờ; qua những điệu múa, trò chơi trải nghiệm ngay tại sân trường. Từ đó, càng giúp các em thêm yêu, thêm tự hào về mảnh đất mình đang sống.

Học lịch sử qua các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: NTCC

Học lịch sử qua các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: NTCC

Học tại chiến trường cũ

Nhận thức rõ vai trò của việc giáo dục dạy học Lịch sử cho thế hệ trẻ gắn với việc thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về dạy học Lịch sử gắn liền với thực tiễn, Trường THCS Him Lam đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên tổ chức hoạt động trải nghiệm: Dạy học Lịch sử tại thực địa cho học sinh lớp 9 với chủ đề: “Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”.

Tham dự hoạt động trải nghiệm có các cô giáo giảng dạy bộ môn Lịch sử cùng 128 học sinh lớp 9. Các em được tham gia học tập tại ba địa điểm là Khu Di tích Đồi A1, hầm de Castries và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Hoạt động do cô Cao Thị Đại làm trưởng đoàn cùng với 3 giáo viên môn Lịch sử tham gia hướng dẫn. Cô Đặng Thị Thanh Mai, giáo viên môn Lịch sử chia sẻ: “Thực hiện kế hoạch giáo dục năm học 2023 – 2024, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà trường đã tổ chức cho học sinh lớp 9 có tiết học Lịch sử tại nơi đã diễn ra chiến dịch. Tại đây, học sinh được tận mắt quan sát di tích, hiện vật và tham gia các hoạt động trải nghiệm”.

Qua lời giảng của giáo viên và phần thuyết minh đầy xúc động của hướng dẫn viên hay những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, được trực tiếp trải nghiệm, những tiết học này rất hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia.

Học sinh Trường THCS Him Lam chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về hầm de Castries. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Him Lam chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về hầm de Castries. Ảnh: NTCC

“Các em hào hứng tham gia giúp tiếp thu kiến thức nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Và điều quan trọng là qua tiết học đã giáo dục các em lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Qua đó, nhân lên niềm tự hào là một người con trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, rèn luyện ý thức giữ gìn và trân trọng những giá trị lịch sử mà cha ông đã mất bao xương máu để lại”, cô Vũ Hải Yến chia sẻ.

Kết thúc giờ học, em Nguyễn Vũ Yến Nhi, lớp 9D1 cảm nhận: “Em thấy tiết học rất thú vị, thoải mái, kiến thức mà chúng em tiếp thu dễ thuộc, dễ nhớ, sinh động và vô cùng ấn tượng thông qua những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng”.

Còn em Trịnh Anh Thảo, học sinh lớp 9D2 cho biết: “Tiết học giúp em hiểu rõ hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ, về các di tích lịch sử như: Hầm de Castries, Đồi A1 hay hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng. Qua đó, chúng em hiểu rõ hơn về những mất mát, hy sinh to lớn của cha ông. Là học sinh, một người con sinh ra trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xây dựng quê hương, giữ gìn và phát huy truyền thống đó”.

Em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 9D3 bày tỏ: “Em rất khâm phục tinh thần đoàn kết, sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của quân và dân ta trong trận đánh trên Đồi A1, góp phần quyết định làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Em và bạn bè sẽ lan tỏa ý nghĩa lịch sử của chiến dịch, các điểm di tích đến các em khóa dưới hay bạn bè, người thân chưa có dịp đến thăm, tìm hiểu về di tích”.

Những giờ học về truyền thống lịch sử thông qua các vở kịch, bài hát bằng tiếng Anh. Ảnh: NTCC

Những giờ học về truyền thống lịch sử thông qua các vở kịch, bài hát bằng tiếng Anh. Ảnh: NTCC

Nhân lên tình yêu

Dạy học Lịch sử tại thực địa là hoạt động thường niên của Trường THCS Him Lam. “Hoạt động nhằm mục tiêu giáo dục các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước. Giúp các em có ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn. Đồng thời, giáo dục lòng biết ơn thế hệ cha ông, các anh hùng dân tộc đã chiến đấu quên mình để bảo vệ đất nước. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng”, cô Cao Thị Đại chia sẻ.

Theo cô Vũ Hải Yến, những hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp học sinh hiểu rõ về lịch sử địa phương, dân tộc, mà còn giúp các em thêm yêu môn học Lịch sử vốn được mọi người nhắc đến là môn học khô khan, khó nhớ.

Chính vì vậy, nhà trường đã có nhiều em đạt thành tích cao trong các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, thi học sinh giỏi môn Lịch sử. Trong đó, đội thi của trường đã giành được giải Nhất tại gameshow Âm vang Điện Biên.

Em Trịnh Anh Thảo, học sinh lớp 9D2, thành viên đội thi Âm vang Điện Biên chia sẻ: “Chúng em tham gia gameshow với tinh thần giao lưu, học hỏi, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng. Tại phần chơi “Tập kích cứ điểm”, toàn đội đã tái hiện lại vụ “thảm sát Noong Nhai”, ngày 25/4/1954. Toàn đội đã tìm hiểu về vụ thảm sát ấy cùng với sự hỗ trợ, dàn dựng của thầy cô để tái hiện lại những đau thương, mất mát ngày ấy. Tiểu phẩm đã góp phần giúp toàn đội giành chiến thắng trong gameshow”.

“Tham gia tiết học tại thực địa, ngoài những kiến thức trong sách vở, các em còn được hòa mình với không khí chiến đấu anh dũng, hào hùng của cha ông qua những hiện vật, tranh ảnh và câu chuyện đầy xúc động gắn liền với từng tấc đất, từng chiến hào ngay trên chiến trường năm xưa. Hoạt động giúp các em có một hành trình “ngược dòng lịch sử” đầy ý nghĩa và ấn tượng”. - Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THCS Him Lam (TP Điện Biên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ