Hàng triệu học sinh nghỉ học vì nắng nóng

GD&TĐ - Nắng nóng đang diễn ra diện rộng ở châu Á và Bắc Phi khiến nhiều trường học phải đóng cửa, gây gián đoạn việc học của hàng triệu học sinh.

Nắng nóng ảnh hưởng đến khả năng tập trung của học sinh.
Nắng nóng ảnh hưởng đến khả năng tập trung của học sinh.

Hena Khan, học sinh lớp 9 sống tại Dhaka, Bangladesh, không thể tập trung vào bài giảng khi thời tiết ngoài lớp học vượt quá 43 độ C. Nữ sinh cho biết: “Trường học không thể duy trì hoạt động trong cái nóng khắc nghiệt này. Giáo viên không thể dạy, học sinh không thể tập trung. Đúng hơn là mạng sống của mọi người đang gặp nguy hiểm”.

Khan nằm trong 40 triệu học sinh phải nghỉ học trong những tuần gần đây do nắng nóng diện rộng ở châu Á và Bắc Phi. Là một phần của ấm lên toàn cầu, các đợt nắng nóng đang tăng cao và kéo dài hơn, gây ảnh hưởng đến việc học của hàng triệu học sinh trên thế giới.

Hồi cuối tháng 3, Nam Sudan đã đóng cửa trường học với khoảng 2,2 triệu học sinh vì nhiệt độ tăng đột ngột lên 45 độ C. Hàng nghìn trường học ở Philippines và Ấn Độ cũng đóng cửa vào tháng 4, gây gián đoạn học tập cho hơn 10 triệu học sinh.

Ông Shumon Sengupta, Giám đốc tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) tại Bangladesh mô tả nhiều trường học không có quạt, dựng bằng mái tôn không có khả năng cách nhiệt và hệ thống thông gió hoạt động kém.

Năm ngoái, các trường học Bangladesh đóng cửa trong 6 - 7 ngày nhưng năm nay, họ có thể phải đóng cửa 3 - 4 tuần vì tháng 5 thường là tháng nóng nhất ở Nam Á.

Trước tình trạng trên, các cơ quan chính phủ và chuyên gia y tế công cộng tranh cãi về việc tiếp tục cho học sinh đến trường hay nghỉ tại nhà. Quyết định nào cũng có hai mặt.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 17% trẻ em trong độ tuổi đi học trên thế giới đã nghỉ học. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở các nước đang phát triển, gây sụt giảm kết quả học tập nếu so sánh với các nước phát triển.

Các chuyên gia giáo dục cảnh báo nhiệt độ có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng, mở rộng khoảng cách học tập giữa các quốc gia đang phát triển và quốc gia phát triển. Tuy nhiên, sức khỏe của học sinh không được đảm bảo nếu các em tiếp tục đi học.

Nhiệt độ cao làm chậm chức năng nhận thức của não, làm giảm khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin. Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy học sinh trung học Mỹ đạt điểm kiểm tra thấp hơn nếu các em tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn trong năm học.

Khi thế giới ấm lên, các nước có thời tiết nóng sẽ chuyển sang cực nóng, từ đó, chịu thiệt hại nặng nề hơn các nước ôn đới. Một số nước phát triển đang nỗ lực giải quyết vấn đề trên.

Hồi tháng 3, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tuyên bố họ sẽ xây dựng 30 trường học chịu nhiệt ở Jordan vào năm 2026. Ngoài ra, cơ quan này sẽ đầu tư 8,17 triệu USD cho các trường học có sẵn ở Jordan để trang bị hệ thống làm mát tự động và điều hòa không khí.

Tương tự, Campuchia yêu cầu các trường công lập cắt giảm giờ học để học sinh có thời gian tránh nóng, nhất là vào giữa trưa. Còn Bangladesh đang đứng trước lựa chọn khó khăn là mở hay đóng cửa trường học trong bối cảnh học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi dù nhiệt độ tăng lên mức báo động.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ