Việc giao quyền này theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, việc lựa chọn SGK được thực hiện theo quy định của luật. Cụ thể, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Như vậy, từ năm học 2021 - 2022, SGK được chọn theo hướng dẫn mới tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT.
Dù 2 Thông tư khác nhau, nhưng điểm chung quan trọng là quy định số lượng các thầy cô giáo với vai trò tổ trưởng chuyên môn, giáo viên luôn chiếm đa số (2/3) trong thành viên hội đồng chọn sách. Điều này đúng, bởi không ai khác, giáo viên là người trực tiếp sử dụng SGK; người biết rõ nhất SGK nào phù hợp với học trò mình, với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương. Bên cạnh đó, ở Thông tư 25, Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh thành lập, nhưng trong quy trình 6 bước, bước đầu tiên vẫn là đề xuất chọn sách từ cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là căn cứ đầu tiên, quan trọng giúp UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng.
Với vai trò như vậy, việc giáo viên được tiếp cận bản mẫu SGK sớm, đầy đủ vô cùng quan trọng. Thuận lợi hơn năm trước, với Văn bản 5103/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ban hành ngày 25/11/2020, đối tượng góp ý bản mẫu SGK đã được mở rộng. Theo đó, từ 27/11/2020 - 9/12/2020, 10 giáo viên/môn học được Sở GD&ĐT chọn cử sẽ nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK. Đợt 2, đối tượng tham gia góp ý mở rộng ra toàn bộ giáo viên được phân công dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022. Sau khi những bản mẫu SGK được các nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên website, thầy cô lại tiếp tục tìm hiểu, góp ý cho bộ sách trước khi in, phát hành. Đây là cơ hội tuyệt vời để giáo viên tiếp cận sớm với SGK mới - dù chưa phải bản chính thức - từ đó hiểu hơn về từng bộ sách và dễ dàng đưa ra quyết định trong chọn, sử dụng SGK sau này.
Hiện các nhà xuất bản đã nộp bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6 để thẩm định trong năm 2020; đồng thời tiếp tục tổ chức bản thảo, hoàn thiện bản mẫu SGK các lớp còn lại để thẩm định trong các năm tiếp theo, đáp ứng lộ trình thực hiện CT, SGK mới. Tại địa phương, công tác chuẩn bị cho lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 được triển khai tích cực, bài bản; từ xây dựng tiêu chí lựa chọn sách, đến lên kế hoạch tổ chức các hội đồng lựa chọn SGK; hướng dẫn tổ chức lựa chọn SGK… Việc dự kiến phân công giáo viên dạy học lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022 cũng được thực hiện để tập trung bồi dưỡng, bảo đảm 100% giáo viên dạy học hai lớp này được bồi dưỡng về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hướng dẫn sử dụng SGK mới trước khi năm học 2021 - 2022 bắt đầu…
Mọi việc được lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo. Điều quan trọng nhất bây giờ là chính đội ngũ các thầy cô giáo. Để chọn sách tốt, phù hợp, thầy cô trước hết cần hiểu thấu chương trình mới, nắm chắc chuẩn đầu ra của chương trình, từ đó hiểu được những hướng khác nhau mà mỗi SGK chọn nhằm đạt được chuẩn đầu ra. Nói như Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, khi xác định được sự khác biệt này, giáo viên sẽ biết được sách nào phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương, nhận thức của học sinh và đưa ra lựa chọn chính xác. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cũng cần phát huy tinh thần chủ động, chịu khó học hỏi, đáp ứng yêu cầu mới; để không chỉ chọn đúng SGK mà còn làm chủ được chương trình, SGK, từ đó dạy học hiệu quả nhất.