Tiến sĩ Sinh học của người Tu Dí - Bố Y

GD&TĐ - Thầy La Việt Hồng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) là tiến sĩ đầu tiên của thị trấn Mường Khương - một huyện miền núi cao nghèo khó của tỉnh Lào Cai, có lẽ thầy Hồng cũng là tiến sĩ, giảng viên hiếm hoi của dân tộc rất ít người Tu Dí - Bố Y.

Tiến sĩ Sinh học của người Tu Dí - Bố Y

Tôi biết đến thầy Hồng từ công trình nghiên cứu sản xuất thử nghiệm giống hoa cúc và hoa cẩm chướng chất lượng cao bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tại Mê Linh - Hà Nội. Đây là một trong những công trình đầu tay thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học được thực hiện hoàn toàn tại một trường đại học sư phạm. Quy trình công nghệ đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Vật tư và giống hoa Xuân Trường tại Mê Linh - vựa hoa lớn của miền Bắc. Tại cơ sở này, đảm nhận kỹ thuật là những sinh viên tốt nghiệp khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Trò chuyện với tiến sĩ trẻ tuổi dân tộc rất ít người, mới biết những thành quả đạt được về nghiên cứu khoa học cũng như giảng dạy đã được nuôi dưỡng từ khát khao con chữ từ khi còn là cậu bé hàng ngày theo mẹ lên nương, lấy củi. Cả bố mẹ đều là người dân tộc thiểu số (bố dân tộc Tu Dí - Bố Y, là công nhân lâm trường; mẹ dân tộc Phù Lá là cô nuôi dạy trẻ), cuộc sống khó khăn, không có điều kiện học trường tốt, nhưng Việt Hồng luôn học giỏi, dẫn đầu lớp về kết quả học tập.

Muốn trở thành một bác sĩ cứu người từ bé, nhưng những hạn chế về điều kiện học ngày đó không cho phép ước mơ này trở thành hiện thực, tốt nghiệp THPT, La Việt Hồng thi đỗ vào Trường CĐ Sư phạm Lào Cai, chuyên ngành Toán Lý với tổng điểm đứng ở top đầu và được trao tặng học bổng "Ươm mầm tài năng" trong suốt thời gian học.

Sau khi học ở Lào Cai được 3 tháng, La Việt Hồng tham gia xét chọn đi học lớp đào tạo liên kết giữa tỉnh Lào Cai và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, chuyên ngành Sư phạm Sinh học - nơi mà chị gái cũng đang theo học chuyên ngành Sư phạm Sinh - Hóa. Rất nhiều khó khăn phải nỗ lực trải qua vì xuất phát điểm không cao so với các bạn thi chính quy, chương trình học nhiều mới mẻ, phương pháp học thay đổi..., nhưng La Việt Hồng vẫn trở thành thủ khoa, được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và xét tuyển thẳng vào chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Sinh học thực nghiệm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Làm quen và say mê nghiên cứu khoa học ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, những năm tháng tập dượt nghiên cứu tại khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp đã rèn luyện cho chàng trai người Tu Dí - Bố Y tính độc lập, hợp tác, kiên trì, bền bỉ... Giải báo cáo xuất sắc tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường đại học sư phạm là kết quả đầu tiên, thúc đẩy La Việt Hồng tiếp tục dấn thân, tiếp tục với say mê nghiên cứu, đặc biệt khi trở thành giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

"Khi công tác tại khoa, tôi luôn xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học rất quan trọng, giúp mình khám phá thế giới sinh vật, giúp bài giảng trên lớp được tốt hơn. Để thành công trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, rất cần sự đam mê, kiên trì, sáng tạo. Thời gian tới, với việc hợp tác với nhiều nhà khoa học, tôi đã và đang triển khai đồng thời những nghiên cứu chuyên sâu và nghiên cứu ứng dụng cả về khoa học cơ bản (sinh học) và khoa học giáo dục" - thầy La Việt Hồng chia sẻ.

Đến nay, tiến sĩ La Việt Hồng đã xuất bản 3 giáo trình phục vụ đào tạo đại học và sau đại học, gần 30 công trình trên tạp chí khoa học, 1 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho ngành sản xuất hoa cúc của Việt Nam. Ngoài công trình nghiên cứu sản xuất thử nghiệm giống hoa cúc và hoa cẩm chướng, giảng viên người Tu Dí - Bố Y cũng thực hiện đề tài thiết kế vector chuyển gen miraculin trong dòng tế bào thuốc lá BY-2 đã được nghiệm thu và xếp loại tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ