Bỗng gió thổi mạnh làm lay động cửa sổ. Nhẹ nhàng bước xuống giường, tôi đi về phía bàn thờ, nơi có di ảnh của cô Lâm - người thầy - người mẹ thứ hai của tôi và Tí Nị. Với tay đốt nén nhang thắp cho người đã khuất, nhìn khuôn mặt hiền hậu, chân chất của cô tưởng chừng như đêm nay cô về với hai mẹ con tôi vậy. Nghĩ về cô, tôi như trôi vào một miền cổ tích. Nơi ấy, cô là một bà tiên hiền từ, phúc hậu luôn chở che tôi. Nhưng cô xuất hiện trong cuộc đời mẹ con tôi không phải cổ tích. Nó thật, nó tồn tại và cô vẫn thường gọi nó là “duyên phận”.
Ngày ấy, tôi cùng các bạn trong nhóm thực tập vừa háo hức vừa lo lắng khi nghe thầy trưởng đoàn thông báo giáo viên hướng dẫn chuyên môn cho chúng tôi là một cô giáo sắp nghỉ hưu, mà đặc biệt là cô ấy không có chồng. Háo hức là vì chúng tôi được một giáo viên có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, nhưng càng lo hơn khi nghĩ rằng “cô ấy không có chồng” sẽ rất khó tính.
Đúng là cô ấy khó tính thật. Nhưng đó là cô khắt khe với chuyên môn của chúng tôi. Cô chỉnh sửa cho chúng tôi từng lỗi chính tả, cách dùng từ đặt câu và những nhận xét rất tâm huyết khi chúng tôi đứng lớp. Còn những lúc trò chuyện tâm tình ngoài chuyên môn thì cô rất tình cảm và tâm lí. Và chữ duyên của cô với tôi cũng bắt đầu từ những buổi thực tập như thế.
Cô quan tâm tới tôi nhiều hơn và tôi cũng đã dành cho cô sự yêu mến, kính trọng. Những bữa cơm chỉ có rau với dưa và vài con cá kho mặn mà tôi được ăn ở nhà cô trong đợt thực tập trở thành kỉ niệm mà sau này tôi sẽ còn kể mãi cho Tí Nị nghe. Ngày kết thúc đợt thực tập, cô tặng tôi một xấp vải áo dài và một quyển sổ tay với lời dặn dò :“Cố gắng đi tiếp con đường mình đã chọn em nhé. Khi gặp khó khăn hãy nhớ vẫn còn có cô”.
Ra trường với tấm bằng khá, tôi đang loay hoay không biết xin việc ở đâu vì tôi không có đủ tiền để “chạy việc” như các bạn nên đành xin phụ việc ở quán cơm gần trường. Trong một lần tình cờ cô ghé quán cơm ăn trưa với đồng nghiệp, thấy tôi cô gọi lại hỏi han chuyện trò. Sau lần gặp ấy tôi được gọi đi dạy ở một huyện biên giới. .Ngày tôi lên nhận quyết định công tác chính cô là người đã chở tôi lên tận nơi với lý do: Cô đi với em cho biết nơi em dạy và cảm ơn luôn người học trò cũ của cô đã nhận lời giúp đỡ tôi có công việc.
Gần 5 năm công tác nơi biên giới xa xôi, thiếu thốn mọi bề nhưng với tôi đó là khoảng thời gian thật hạnh phúc và ý nghĩa. Nơi ấy không có điện, không sóng điện thoại nhưng tôi lại được sống trong tình cảm chân chất đầy tình nghĩa của bà con đồng bào, sự lễ phép ngoan ngoãn của học sinh và sự quan tâm động viên qua những lá thư tay, những món quà giản dị từ cô.
Những tưởng cuộc đời tôi sẽ hạnh phúc hơn khi tìm được tình yêu lứa đôi thì sóng gió lại ập đến khi tôi yêu một anh lính biên phòng mà không hề biết người ta đã có vợ ở quê nhà. Biết được sự thật về người yêu, tôi càng rối hơn khi biết mình đã mang thai. Đau đớn, tuyệt vọng tôi đã òa khóc như một đứa trẻ bên cô.
Đứa bạn thân biết chuyện khuyên tôi nên bỏ đứa trẻ đi vì nếu để lại sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Đem băn khoăn ấy nói với cô thì cô lại bật khóc. Cô bảo cả đời cô mong có được một lần làm mẹ mà không được, còn tôi lại từ chối quyền làm mẹ, đứa bé nó vô tội. Cả cuộc đời cô được kể gói gọn trong câu nói: “Cô mồ côi, cô vô sinh, cô không muốn làm khổ ai nên cô không lập gia đình”. Cô thương tôi vì tôi cũng là trẻ mồ côi.
Thai ngày càng lớn, cô đón tôi về nhà mình. Cô chuẩn bị cho tôi “lót ổ” chu đáo như một người mẹ. Tôi đã bật khóc. Hơn chín tháng rồi mà tôi vẫn chưa có dấu hiệu sinh nở. Cô lại tất tả đi quanh xóm xin cho tôi ít gạo về ăn làm phép để tôi chuyển dạ. Rồi ngày ấy cũng đến. Khi ở bệnh viện, cô luôn ở bên, xoa bụng, trấn an tôi sau mỗi cơn co thắt.
Chân cô muốn khụy xuống khi nghe bác sĩ bảo: “Nước ối không còn, thai phụ yếu quá, không sinh thường được, phải mổ cấp cứu”. Sau này cô kể lại, gần nửa tiếng ngồi chờ tôi ở ngoài phòng mổ là khoảng thời gian dài nhất trong đời cô. Khi nghe Tí Nị cất tiếng khóc thì nước mắt cô trào ra mà không làm sao ngăn được.
Mỗi lần nghe cô hát ru cho Tí Nị ngủ tôi có cảm giác như cô đang ru chính đứa con của mình vậy. Cô thường nựng yêu: “Tí Nị ngủ ngoan cho mẹ Lâm và mẹ Phượng yên lòng nhé. Mẹ yêu con lắm, cục cưng à… Tí Nị lớn nhanh cho mẹ nhờ nhé… Mai mốt Tí Nị lớn mẹ sẽ dẫn Tí Nị về quê mẹ nhé…”.
Ấy vậy mà cô lại không giữ được lời hứa với đứa con bé bỏng mà cô chăm chút như “núm ruột” của mình. Giờ đây, khi tôi ngồi đây viết những dòng này cũng là lúc tròn 1 năm ngày cô ra đi. Thật đột ngột, trong một lần băng qua đường mua thuốc cho Tí Nị, cô đã gặp tai nạn giao thông… Một năm qua, tiếng nói bi bô, tiếng cười giòn tan của Tí Nị đã nguôi ngoai bớt nỗi buồn trong tôi nhưng khoảng trống cô để lại là quá lớn. Nhiều lúc nghĩ về cô mà thấy cay ở sống mũi. Những gì cô mang đến cho tôi có lẽ không có bà tiên ông bụt nào làm được.
Ngoài sân, mưa càng ngày càng nặng hạt. Gió lùa vào thấy lạnh buốt ở vai. Nhìn Tí Nị cuộc tròn trong chăn ngủ say sưa tôi thấy lòng mình bình yên đến lạ. Vì tôi tin ở một nơi nào đó thật xa xôi, người thầy - người mẹ thứ hai của tôi vẫn đang dõi theo chúng tôi. Thắp nén nhang cho cô, lòng thầm khấn: “Cô ơi, nơi vĩnh hằng cô hãy yên lòng nhé. Con sẽ chăm sóc Tí Nị thật tốt. Những lời dạy của cô, những tình cảm và tình thương của cô dành cho con sẽ là động lực để con bước tiếp trên con đường phía trước”…