Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Phấn son tô điểm mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời !
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi !
(Vịnh tiến sĩ giấy - bài số 2)
Nguyễn Khuyến
Khi gặp những nghè giấy đầy tính khôi hài ấy, ông nghè Yên Đổ, không khỏi ngạc nhiên, mỉm cười, buông ra lời mỉa mai:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai!
Từ cũng được lặp đi, lặp lại tới bốn lần trong hai câu thơ, kết hợp với các từ chỉ trang phục và danh vị, cứ nhấn vào nhau làm cho ý thơ được đẩy lên cao, nhằm so sánh với những tiến sĩ đích thực, từ đó lột trần ra cái giả dối, đội lốt cái thật. Đúng là Cái chú hoa man khéo vẽ trò, bỡn ông mà lại dứ thằng cu!” (Vịnh tiến sĩ 1).
Ý nghĩa của bài thơ, không dừng lại đó mà là một hình thức ám dụ nhằm hướng vào đả kích những tiến sĩ là con đẻ của việc mua danh, bán tước trong buổi hoàng hôn của nho học. Nếu như “cái chú hoa man”, chỉ cần vài ba mảnh giấy lòe loẹt và mấy nét son nguệch ngoạc là đã cho ra đời hàng loạt nghè giấy thì nhưng ông nghè đỗ đạt hẳn hoi, có khác gì đâu:
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son tô điểm mặt văn khôi
Mảnh giấy, nét son, vốn là những từ đơn nghĩa, nhưng trong cấu trúc ngôn từ của cặp thực lại mang tính đa nghĩa. Mảnh giấy chứ không phải là tờ giấy, nghĩa là sự vật nhỏ bé, tầm thường dùng để phất lên cái khung tre. Còn nét son, cũng chỉ là vài đường nét mong manh, nguệch ngoạc tô môi, vẽ mặt cho hình nộm, chẳng có nghĩa gì. Ấy thế mà những cái nhỏ bé tầm thường, lại sản sinh ra cái lớn lao, cao cả: Thân giáp bảng, mặt văn khôi. Hình ảnh mảnh giấy còn gợi ta liên tưởng đến tấm văn bằng công nhận sự đỗ đạt và hình ảnh nét son gợi ta nghĩ đến nét bút khuyên chấm điểm của quan trường. Hình thức tương phản này đã nói lên bản chất xấu xa của chế độ thi cử lụi tàn. Trường thi, thời Nguyễn Khuyến là nơi chốn thiêng liêng, để tuyển lựa người hiền tài phụng sự Tổ quốc. Nhưng bọn quan trường “Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt” nên đã biến trường thi thành thị trường mua bằng, bán chữ và kẻ đỗ đạt là kẻ bất tài, vô hạnh. Mảnh giấy lại mang tính ám chỉ cho tiền bạc đút lót, ẩn hiện sau tấm văn bằng.
Nếu như trong hai câu thực, cái nhỏ bé tầm thường, tạo ra cái lớn lao, được đặt ở vế trước của câu thì trong hai câu luận, cái lớn lao được đặt ở vế trước, cái nhỏ bé được đặt ở vế sau của câu thơ, nhằm làm bật lên sự rẻ rúng, kém giá trị của những loại tiến sĩ này:
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời!
Tiến sĩ giấy, mặc dù có đầy đủ lệ bộ như cờ biển, cân đai, xiêm áo, ghế tréo.lọng xanh nhưng trống rỗng, nhẹ tênh, có thể cầm trên tay, không đáng giá (Giấy má nhà bay đáng mấy xu - Vịnh tiến sĩ 1). Nói cái hư là để nói về cái thực, mà cái thực ấy, xét cho cùng cũng chẳng khác gì cái hư. Tuy hai mà vẫn chỉ là một. Với tiến sĩ mua, từ nhẹ, không phải là kết quả về trọng lượng mà là nghĩa bóng nhằm nói lên thái độ coi nhẹ của xã hội. Còn cái giá khoa danh trước hết là giá mua bán những hình nộm kia, đồng thời cũng gợi liên tưởng đến giá trị rẻ mạt của danh vị. Có được tấm văn bằng tiến sĩ, lẽ ra phải đổi bằng tài năng, trí tuệ, công sức mồ hôi nước mắt nhưng giờ đây chỉ cần có tiền là có được danh vị cao sang. Là một ông nghè đỗ đạt bằng chính năng của mình, trước hiện trạng thối nát ấy thì làm sao chịu nổi? Đành phải ngoảnh mặt đi, mặc kệ cho chúng:
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ
Bảng vàng bia đá vẫn ngàn thu!
(Vịnh tiến sĩ 1)
Có điều rất trớ trêu là những kẻ mua danh ấy đã không tự biết mình hèn kém mà còn làm ra vẻ ta đây:
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe.
Những sắc phục vốn làm tăng sự oai vệ của nhà quan nhưng qua cái nhìn khinh bỉ của quan nghè thực thì chỉ còn là một sự lố bịch. Từ bảnh chọe có tác dụng diễn tả dáng vẻ của kẻ thích phô trương, muốn ra oai, nhưng lại hóa thành kệch cỡm. Với hình nộm tiến sĩ, chú hoa man, càng bôi son, trát phấn nhằm tạo ra vẻ đẹp oai phong thì càng lòe loẹt. Còn với những chú tiến sĩ mua, càng cố tạo ra sự oai vệ, nhằm chọe thiên hạ thì lại càng thêm tởm lợm, đến mức muốn nôn ọe ra. Câu thơ khép lại bức chân dung của những loại tiến sĩ rởm này thật bất ngờ:
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!
Những hình nộm tiến sĩ giấy thì rõ ràng là thứ đồ chơi của con trẻ rồi. Nhưng với lọai tiến sĩ mua này, nếu không có cái nhìn sâu sắc thì dễ bị lừa. Nhưng qua con mắt của một ông nghè thật thì cái giả không thể giấu mình được nữa mà phải bộc lộ bản chất là một thứ đồ chơi của bọn quan lại thực dân phong kiến nửa mùa. Từ đồ chơi là từ đồng âm, có thể được dùng theo một nghĩa xấu mà không tiện nói ra, nhưng ta vẫn bắt gặp nụ một cười hóm hỉnh mà sâu cay của một nhà nho thâm thúy. Từ đồ, nếu là chỉ người thì thường dùng để nguyền rủa kẻ xấu xa là đồ nọ, đồ kia. Như vậy, những tiến sĩ mua đã bị hạ thấp, ngang hàng với những thứ đồ chơi thì thật là đích đáng! Tiến sĩ giấy, ít ra còn mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ, còn tiến - sản phẩn của thị trường mua bán, chỉ đem lại sự tai hại cho dân nước.
Ngoài giá trị hướng ngoại, bài thơ còn mang ý nghĩa hướng nội, đó là sự tự nhận thức. chắc rằng ông nghè thực đã soi mình vào những hình nộm ấy và cũng tự mỉa mình: Thế mà ta Cũng cờ cũng biển cũng cân đai ư? Ông là người học rộng, tài cao nên luôn giành danh vị khôi nguyên trong quá trình thi cử. Đang hãnh tiến trên con đường hoạn lộ thì đất nước gặp cơn nguy biến. Buồn vì cảnh đất nước tang thương, nhưng bất lực, nhưng quyết không ở lại chốn quan trường làm tay sai cho giặc như một số quan lại khác, Ông đã cáo quan về vườn Bùi chốn cũ để lánh đục tìm trong. Với tâm sự nặng nề đó mà ngắm nhìn những hình nộm kia thì tránh sao khỏi nỗi tủi hổ. Cho nên vẫn là giọng thơ đả kích các loại tiến sĩ giấy đấy, nhưng khi hướng nội thì lại thành giọng đay nghiến, tự trách mình. Ta có thể bắt gặp giọng điệu đay nghíến này trong nhiều bài thơ và đây
là trong bài Tự trào:
“…Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!...”
Với Nguyến Khuyến, Vịnh tiến sĩ giấy là cả một nỗi niềm, nên không phải là mục đích mà chỉ là một phương tiện nghệ thuật mang tính ẩn dụ để phê phán những kẻ “hữu danh vô thực”. Đồng thời ông cũng gửi vào đó nỗi ân hận, day dứt về trách nhiệm của một sĩ phu chân chính mà đành phải bó tay trươc tình cảnh bi thương của đất nước. Bài thơ cũng là tiếng cười đẫm nước mắt, tiễn đưa chế độ thi cử Hán học đã tồn tại hàng trăm năm vào quá khứ. Nguyễn Khuyến đã từ biệt thế gian này hơn một thế kỷ rồi, nhưng thơ của ông vẫn còn nóng bỏng tính thời sự.
Viết bài thơ này, Nguyễn Khuyến đã thể hiện một bút pháp nghệ thuật tài hoa và có thể coi là tiêu biểu cho phong cách trào phúng của ông.
Hà Nội ngày 27/12/2018.