Tìm về tuổi thơ Việt trong những ngày kháng chiến qua ” Tuổi thơ dữ dội”

GD&TĐ - "... Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời..." - Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết.

Tìm về tuổi thơ Việt trong những ngày kháng chiến qua ” Tuổi thơ dữ dội”

"Tuổi thơ dữ dội" là một tác phẩm truyện dài gồm có 8 phần của nhà văn Phùng Quán. Truyện được khởi thảo bên bờ Hồ Tây từ năm 1968 và đến năm 1986 thì hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm .

Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Truyện miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời rất trẻ của hơn ba mươi thiếu niên, tập trung quanh các nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca và một loạt các nhân vật khác như: Tư dát, Bồng da rắn, Vịnh sưa,...

Mừng là nhân vật xuất hiện đầu tiên của câu chuyện. Em vốn nhà nghèo, mẹ bệnh suyễn nặng nhưng luôn bị người cha nuôi lợi dụng bóc lột. Mừng tham gia vào "Vệ quốc đoàn" lý do đầu tiên, vì tình yêu thương vô bờ với mẹ , đơn giản là chỉ vì trong sân huấn luyện có lá tầm gửi để chữa hen suyễn cho mẹ.

 

Sau khi được theo bộ đội lên chiến khu làm liên lạc, có lần, Mừng phát hiện âm mưu ăn cắp bản đồ của Kim điệu - một kẻ gián điệp của quân đội Pháp trà trộn vào chiến khu. Mừng cố ngăn chặn nhưng không được còn bị cả chiến khu nghi là Việt gian. Em hy sinh khi giúp bộ đội giật bom giết địch lúc quân Pháp siết chặt vòng vây vào chiến khu Hòa Mỹ.

Trong những trang viết cuối cùng, trước khi chết, em vẫn cố nói vào điện đàm ""Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí"". Lời khẩn cầu trong sáng, tha thiết của người chiến sĩ vừa tròn 13 tuổi ấy thật nghẹn ngào.

Em được minh oan. Tên em và mẹ em được đặt cho một ngọn núi: " Núi mẹ con em Mừng ".

Nhân vật chính thứ hai của câu chuyện là Quỳnh "sơn ca" . Quỳnh là con trai của phó tổng trấn Trung Kỳ, giỏi chơi đàn piano, bỏ nhà đi Vệ quốc Đoàn. Em trở thành quản ca của đoàn. Trước cuộc đánh bom dinh của Lơ-bơ-rít, Quỳnh đạp miếng chai vỡ nhưng vẫn cố sức đi theo và phải nhờ Mừng cứu mang về trại, Quỳnh nằm viện quân y và mang tiếng đàn phục vụ những bệnh nhân khác. Em sáng tác bài hát "Sông Ô Lâu kháng chiến" với câu hát “Sông Ô Lâu ngân nga hát vang. Chảy xuyên qua cuộc kháng chiến trường kỳ” cổ vũ tinh thần đấu tranh của bộ đội và viết một vở nhạc kịch về bạn Mừng đi tìm thuốc cho mẹ.

Bố mẹ Quỳnh nhờ người lên chiến khu xin cho Quỳnh về và đưa sang Thụy Sỹ để ăn học. Em quyết định không trở về với gia đình sống một cuộc sống giàu sang mà đứa trẻ nào cũng mong muốn mà ở lại chiến trường chịu đựng tất cả sự hi sinh gian khổ cùng các bạn… Uất ức trước những việc làm phản quốc của gia đình, em bị vỡ tim mà chết. Quỳnh Sơn Ca đã mãi mãi nằm lại nơi đó, trong nỗi tiếc thương và bao đau đớn của đồng đội. Em ra đi nhưng tiếng hát của em vẫn còn vang mãi.

Lượm sinh ra trong gia đình cách mạng nòi. Cha của Lượm bị bắt và đày ra Côn Đảo rồi chết ở đó . Lượm gia nhập Vệ quốc Đoàn rồi được cử về trinh sát bám địch trong thành phố Huế cùng với Đồng râu, Kim điệu và Tư dát và kết bạn với Tặng, du kích địa phương.

Sau một thời gian, Kim điệu bị bắt và khai hết về đội khiến Đồng râu bị giết và Lượm bị bắt vào tù cùng với Thúi (tên thật là Thơm nhưng bị mụ chủ Cả Lễ đổi tên) - một em bé bán kẹo gừng bị giặc tưởng nhầm là Tư dát.

Sau hai lần vượt ngục không thành và bị chuyển sang nhà lao Thừa phủ. Lượm và Thúi kết hợp với Lép sẹo - một tay anh chị nhí cùng ở tù và lập kế hoạch vượt ngục lần ba. Rút kinh nghiệm hai lần trước, Lượm làm "cỏ-vê" (lao động phục dịch không công) cho một công sở của Pháp và chiếm được cảm tình của cai ngục và quan chức. Lợi dụng sơ hở của địch, Lượm cài Lép sẹo và Thúi vào làm chung với mình và tẩu thoát thành công, xong việc Lép sẹo muốn hoàn lương và cả ba cùng Lượm tìm đường về chiến khu.

Hay nhân vật Vịnh sưa, tuy xuất hiện không nhiều trong câu chuyện nhưng “Thân hình trần trụi, nhỏ bé mà lẫm liệt của người chiến sỹ thiếu niên đứng chon von trên đầu bọn giặc nước cùng với cây cột thép thu lôi” mãi mãi tạc ghi trong lòng người đọc.

Chiến tranh đã đi xa, những trang sách gấp lại nhưng hình ảnh những người chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn vẫn còn sống mãi. Xin cảm ơn nhà văn Phùng Quán đã để lại cho đời một cuốn truyện sống cùng năm tháng, để thế hệ mai sau hiểu được một phần nào lịch sử tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào...

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.