Tiến sĩ diệt muỗi

GD&TĐ - PGS.TS Phạm Thị Khoa từng là sinh viên Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

PGS.TS Phạm Thị Khoa cùng các cộng sự nghiên cứu về côn trùng.
PGS.TS Phạm Thị Khoa cùng các cộng sự nghiên cứu về côn trùng.

PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương có thâm niên hơn 40 năm nghiên cứu về côn trùng, trong đó chuyên môn sâu là diệt muỗi và bọ gậy.

Lần ở tâm dịch hạch đáng nhớ

PGS.TS Phạm Thị Khoa sinh năm 1958, quê Thái Bình. Từ năm 1980 đến 2013 bà công tác ở Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương. Hiện bà là Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ khoa học về côn trùng. Các hướng nghiên cứu chủ yếu là Nghiên cứu điều tra cơ bản, định loại các loài ruồi, muỗi, bọ xít hút máu, kiến ba khoang, mối, mọt, ve, bọ chét, mò, mạt, chấy, rận... có vai trò truyền bệnh cho người ở Việt Nam; Nghiên cứu phân loại loài đồng hình, xác định vai trò truyền bệnh các loài côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, sốt rét bằng kỹ thuật sinh học phân tử; Thử nghiệm đánh giá hiệu lực của các hóa chất phòng chống côn trùng truyền bệnh. Nghiên cứu, đánh giá hiệu lực tồn lưu xua diệt côn trùng của các chế phẩm hoá diệt côn trùng truyền bệnh như: Bình xịt, kem xua, hương xua, các hoá chất phun tồn lưu, hóa chất tẩm màn rèm xua diệt côn trùng truyền bệnh…

PGS.TS Phạm Thị Khoa đã thực hiện 6 nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật, chủ nhiệm hoặc tham gia chương trình của 10 đề tài khoa học công nghệ đã nghiệm thu. Bà có 63 bài báo khoa học đã công bố và nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sức khỏe nhân dân cùng nhiều giấy khen cấp bộ, viện.

PGS.TS Phạm Thị Khoa từng là sinh viên Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Về cơ duyên trở thành nhà khoa học nghiên cứu côn trùng, bà kể vào năm thứ 2 đại học, sinh viên có kỳ thực tập thực địa.

Sinh viên được thu thập côn trùng, bắt bướm, bọ que, ong… và được đi cùng các thầy cô. Rất nhiều thầy cô trong trường lúc đó được đào tạo ở Liên Xô, Đức… có chuyên môn giỏi.

“Sau kỳ thực tập, tôi trở nên thực sự thích ngành này. Năm đó trường có tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Sau nghỉ hè, tôi lên tổ bộ môn xin các thầy cho tham gia nghiên cứu khoa học, phụ cùng các anh chị khóa trước đang làm luận văn tốt nghiệp, làm công việc khi rảnh rỗi. Công việc lúc ấy là nuôi sâu hại rau, ruồi nhà, bọ chét chuột gây bệnh dịch hạch… Đến năm thứ tư đại học thì tôi chọn chuyên ngành là côn trùng y học”, TS Khoa kể.

Thời điểm học năm cuối đại học cũng là lúc dịch hạch đang hoành hành ở nước ta, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Để nghiên cứu, cô sinh viên côn trùng tự nuôi bọ chét, nuôi chuột gây bệnh dịch hạch. Dịch hạch chính là do loài bọ chét sống trên chuột là vật chủ để gây bệnh cho người.

“Tôi đã nhận thấy nghiên cứu côn trùng truyền bệnh cho người rất quan trọng nên tôi chọn theo hướng này. Rồi khi ra trường tôi được về Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương làm việc theo đúng chuyên môn”, TS Khoa kể.

Vào nghề, bà đi theo đoàn công tác điều tra thành phần loài ngoại ký sinh Việt Nam, đặc biệt các tỉnh phía Nam sau giải phóng. Bà tham gia chương trình phòng chống dịch hạch quốc gia, tham gia điểm nghiên cứu phòng chống dịch hạch ở Trường sỹ quan Không quân Nha Trang; điểm nghiên cứu dịch hạch thôn Bà Râu, xã lợi Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Thuận Hải (nay thuộc tỉnh Ninh Thuận).

Bệnh dịch hạch lui dần, TS Khoa trở về nghiên cứu sinh học muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và cách phòng chống. “Mọi thứ đến với tôi tự nhiên và thú vị như sự sắp đặt trong cuộc đời”, bà nói.

Nhớ lần vào tâm của dịch hạch Ninh Thuận, năm 1983, TS Khoa kể: “Lần đó gần đến Tết Nguyên đán, thôn Bà Râu ở Ninh Thuận là điểm nóng dịch hạch. Các cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương được cử vào cùng với Viện Pasteur Nha Trang.

Tôi cùng đoàn vào trong đó. Đây là xã địa bàn của đồng bảo dân tộc thiểu số, kinh tế rất khó khăn. Đa phần hộ dân không có giường ngủ, chỉ ghép tạm tre, gỗ ken vào nhau nằm sát đất. Người ốm sốt nằm la liệt, hạch nổi khắp người.

Chúng tôi lau rất nhiều bông mới có chỗ da sạch để hút dịch mang về nuôi cấy tìm vi khuẩn dịch hạch. Tất cả các biện pháp chống dịch được áp dụng như phun diệt bọ chét, bẫy chuột, cho bệnh nhân uống thuốc điều trị và phát thuốc dự phòng cho dân.

Tuy vậy ca bệnh vẫn còn rải rác trong khi Tết thì đến rất gần, ai cũng mong ngăn chặn dịch để về nhà. Sau đó, đoàn công tác phát hiện người dân trong rẫy vẫn sốt. Ba tuần làm việc liên tục thì ổ dịch được xử lý triệt để.

Người dân ở đấy rất quý cán bộ. Tuy nghèo nhưng họ vẫn đem gà, đem dê đến biếu đoàn công tác. Đoàn chỉ nhận tấm lòng và từ chối nhận đồ, vì biết họ không dư dả gì. Cận Tết thì dịch cơ bản được kiểm soát, đoàn lên tàu về nhà. Đó thực sự là những ngày chống dịch gian nan, nhưng cũng vô cùng đáng nhớ”, TS Khoa kể.

Trăn trở về phòng chống côn trùng

Thăm phòng thí nghiệm thử nghiệm hóa chất diệt ruồi nhà tại Cộng hòa Bennin.

Thăm phòng thí nghiệm thử nghiệm hóa chất diệt ruồi nhà tại Cộng hòa Bennin.

PGS.TS Phạm Thị Khoa cho biết, đến nay dịch hạch và nhiều loại bệnh truyền nhiễm đã được kiểm soát song dịch sốt xuất huyết vẫn còn phổ biến. Ngay như Hà Nội vẫn còn nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, những trường hợp tử vong vì bệnh này vẫn còn.

Trong khi phòng chống côn trùng thì quan trọng nhất là quản lý môi trường sạch sẽ, nhưng hiện Hà Nội và các tỉnh thành cống rãnh ô nhiễm, nhiều vỏ chai, lu chum vại vứt xếp bừa bãi sau mưa tạo môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển. Muỗi nhiều gây dịch bệnh nên phải sử dụng hóa chất phun không quản lý đã gây muỗi kháng hóa chất mức độ khác nhau khắp nơi.

“Như một cái vòng luẩn quẩn. Phòng chống côn trùng không bài bản, muỗi sinh sôi, thế là phải dùng thuốc. Mà đã là thuốc hóa học thì đương nhiên có hại cho sức khỏe con người, chưa kể muỗi cũng kháng hóa chất. Thế là muỗi không chết, nhưng người thì đã ngấm độc”, PGS.TS Phạm Thị Khoa nói.

Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế có những quy định rất nghiêm ngặt về phun hóa chất diệt côn trùng. Nhưng thị trường có rất nhiều loại hóa chất được bày bán tràn lan, người dân mua và tự phun thuốc, rất khó để kiểm soát mức độ nguy hiểm.

Do dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài dẫn tới tình trạng côn trùng thì kháng thuốc, trơ hóa chất, còn người thì nhiễm độc.

Phòng chống muỗi phải làm khi mật độ muỗi thấp. Ở miền Bắc là mùa Đông phải bắt đầu chống muỗi. Nhưng cứ đến mùa muỗi, mùa dịch (tháng 3, 4, 5 hay 8, 9, 10, 11) mới bắt đầu làm và khi bệnh nhân nhập viện đông rồi mới chống muỗi thì không hiệu quả. Rồi việc lựa chọn hóa chất, quy trình xử lý phun khi dịch bệnh chưa khoa học.

Từ những trăn trở về công tác phòng chống côn trùng, đến tuổi nghỉ hưu, TS Phạm Thị Khoa mở công ty về lĩnh vực này. Bà kể, hơn 40 năm nghiên cứu sâu định loại, sinh học, sinh thái học, cả dùng kỹ thuật sinh học phân tử nghiên cứu về côn trùng truyền bệnh, bà rất thích nghề của mình.

“Vì thích nên tôi làm không thấy mệt. Năm 2012 khi gần nghỉ hưu, tôi suy nghĩ, đang làm việc vui mà nghỉ cũng buồn. Đến năm 2013, tôi được giáo sư đại học Duke, hiện làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch học tại Singapore giới thiệu làm tư vấn cho công ty Novartis Institute for Tropical Diseases tại Singapore.

Tôi sang đó gặp ông và đi ăn trưa. Ông khuyên tôi nên thành lập công ty. Lúc đó tôi nghĩ, đến tuổi nghỉ hưu rồi, nếu vẫn muốn ở lại làm tiếp thì phải xin, còn không thì nghỉ ở nhà. Mà tính tôi không thích xin ai, trong khi lại vẫn muốn làm việc. Tôi đã quyết định mở công ty. Lúc đầu chỉ để tư vấn, cung cấp sản phẩm, thử nghiệm cho công ty trong nước và nước ngoài.

Sau hơn một năm hoạt động, nhiều người tìm đến nhờ tư vấn xử lý côn trùng. Giúp đỡ được nhiều người khiến tôi có năng lượng tích cực để duy trì công việc cho đến nay.

Mong muốn của tôi là phổ biến kiến thức cho nhiều người nhất có thể và đặc biệt các công ty về kiểm soát côn trùng. Đồng thời, nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, PGS.TS Phạm Thị Khoa tâm sự. TS Khoa đang nghiên cứu làm sản phẩm diệt muỗi ít độc hại.

Chỉ cách đuổi muỗi an toàn

PGS.TS Phạm Thị Khoa.

PGS.TS Phạm Thị Khoa.

Bà Khoa kể, có lần cán bộ của Khoa Hóa thực nghiệm được mời đến diệt muỗi, gián cho một gia đình giàu có. Gián ở đây kháng thuốc đến độ lần đầu phun, chúng chạy ra ào ào mà không có con nào chết.

Hỏi ra mới biết, trong nhà có tới 3 người giúp việc, thấy có gián, mỗi người tự đi mua thuốc diệt theo sự mách bảo của người khác. Mua loại A diệt không được thì mua loại B, thấy gián ở đâu xịt ngay vào đó.

“Côn trùng có tính tránh thuốc, nếu chỉ phun một chỗ như vậy thì chỉ 1 con chết và những con khác tránh đi chỗ khác. Do đó, phun thuốc diệt côn trùng chỉ có hiệu quả cao khi phun cả khu vực” - TS Khoa nói.

Theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, hiện nay có hai cách phun diệt côn trùng là phun tồn lưu (phun lên bề mặt tường, tẩm màn) và phun sương. Tại gia đình thì nên phun tồn lưu vì có tác dụng phòng trừ hữu hiệu các loại côn trùng trong thời gian dài từ 3 - 6 tháng.

Khi được hỏi về độc tố trong các loại thuốc xịt muỗi, TS Khoa khẳng định: Hóa chất nào cũng có chất độc, tuy độ độc không nhiều. Tùy thuộc vào phản ứng của mỗi người (trẻ em thường rất nhạy cảm với các loại hóa chất này) nhưng nếu tiếp xúc với một lượng thuốc đáng kể trong thời gian ngắn thì có khả năng gây ngộ độc cấp tính.

PGS.TS Phạm Thị Khoa khuyên các gia đình nên hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ muỗi mà nên sử dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng đãng.

Nếu tình trạng quá phức tạp thì cần đến các cơ sở có uy tín để được tư vấn về loại thuốc, liều lượng phun. Nếu nhất thiết phải phun thì phun xa nguồn nước, không nên phun vào bếp ăn, phun từ 2m trở xuống và dọn dẹp sạch sẽ trước khi phun.

“Để phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng phải lựa chọn hãng thuốc có uy tín, nguồn gốc và thời gian sử dụng rõ ràng, sử dụng đúng theo hướng dẫn, liều lượng ghi trên bình thuốc.

Không để thuốc gần tầm với của trẻ em, thức ăn hay vật nuôi. Không dốc ngược bình. Rửa tay kỹ sau mỗi lần cầm bình xịt, không đập vỡ bình hay ném bình vào lửa ngay cả khi bình đã hết; không ném bình xuống sông suối, nguồn nước công cộng”, TS Khoa lưu ý.

Để diệt muỗi, PGS.TS Phạm Thị Khoa cho hay nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết loăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước.

Những chậu cây phát lộc trong nhiều gia đình lâu ngày không thay nước cũng có thể là nơi phù hợp để muỗi sinh sôi. Nếu xung quanh nhà có các ao, mương nước… thì phải sử dụng chất diệt bọ gậy Hantephot hoặc Apat để rắc lên vùng có nước mỗi tuần 1 lần.

Muỗi thường thích tập trung ở nơi râm mát, ẩm ướt. Đối với các gia đình có vườn cây quanh nhà rộng, có thể diệt muỗi bằng cách phun cồn y tế vào gốc cây. Nếu nhà có nhiều rãnh nước thải xung quanh, hãy dùng dầu hỏa đổ lên mặt nước của rãnh nước thải, muỗi sẽ không thể đẻ trứng.

Ngoài ra, có thể sử dụng hương muỗi để đuổi muỗi ra khỏi nhà. Tuy nhiên hương muỗi chỉ làm muỗi ngất hoặc bay đi nơi khác chứ không chết, do đó khi dùng phải liên tục ít nhất trong vòng 1 tuần. Sau khi đốt hương thì phải quét nhà để dọn sạch muỗi ngất đi. Khi nào không nhìn thấy có muỗi trong nhà thì mới ngừng đốt hương.

Các loại dung dịch đuổi muỗi thảo dược dùng để lau nhà cũng có tác dụng chống muỗi rất tốt. Đối với trẻ em có thể sử dụng các loại chế phẩm xịt chống muỗi thảo dược an toàn cho sức khỏe.

Có thể sử dụng bồ kết phơi khô, cây hương nhu, cây gỗ thơm, vỏ bưởi, bã mía... đốt tạo khói trong nhà. Chỉ đốt với lượng vừa phải để tạo một làn khói thoang thoảng, tránh bị ngạt. Nên đốt vào buổi chiều tối hoặc trước khi đi ngủ. Nhà sẽ có mùi thơm tự nhiên, đồng thời các loại côn trùng gây hại sẽ không có chỗ ẩn náu và buộc phải bay ra.

Việc phun hóa chất phải được thực hiện bởi các cơ quan y tế, nguyên tắc chỉ phun ở các khu đã phát sinh ổ dịch chứ không phun hóa chất để phòng ngừa vì nó ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.

Nếu gia đình bạn có điều kiện, có thể lắp đặt cửa chống muỗi ở tất cả các cửa và ô thoáng. Việc này giúp ngăn chặn muỗi xâm nhập vào bên trong nhà bạn, bảo vệ mọi thành viên trong gia đình. Nếu có sở thích trồng cây cảnh, thay vì các chậu cây kín mít, bạn hãy xen vào đó những cây đuổi muỗi hữu ích.

Cây đuổi muỗi là cây ngũ gia bì, loài này có đặc tính ngăn không cho muỗi sinh sản. Cùng với đó còn có sả, húng lụi, húng quế, bạc hà, cây tùng thơm... cũng có thể đuổi muỗi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ